Nhiều công trình xâm phạm an toàn lưới điện

Nhiều công trình xâm phạm an toàn lưới điện
TP - Hiện, tại địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang đang có nhiều công trình xây dựng xâm phạm an toàn lưới điện cao thế. Nếu ngành truyền tải không có các biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

> Lãng phí điện vì thiếu hiểu biết
> Quản lý năng lượng: giảm tiêu hao điện và chí phí sản xuất

Dẫn phóng viên Tiền Phong đến các điểm nóng, ông Đào Văn Chương, Đội trưởng Truyền tải Kiên Giang (thuộc Truyền tải điện miền Tây - Công ty truyền tải điện 4 - Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) cho biết, Truyền tải Kiên Giang hiện đang quản lý 265km đường dây, đi qua địa bàn 8 quận, huyện, thành phố với 7 đường dây chính.

Theo ông Chương, khó khăn lớn nhất của Đội là các tuyến đường dây đi qua nhiều sông, kênh rạch. Mùa nước nổi ngập chân cột từ 1-2,5m nên công tác kiểm tra an toàn hành lang lưới điện gặp nhiều khó khăn. Hiện, điểm nóng nhất gây ảnh hưởng đến an toàn hành lang lưới điện xảy ra tại khoảng trụ 25-26, đường dây 220KV Rạch Giá - Kiên Bình, thuộc địa phận phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, tại khoảng cột này, đang thi công hạng mục cầu Rạch Giá 3, tuyến tránh TP Rạch Giá. Đây là công trình hành lang ven biển phía Nam. Tại hiện trường, một chiếc cầu đang xây dở dang, nằm vắt ngang đường dây 220KV. Nhiều đụn cát kéo dài, cao ngất ngưỡng nằm ngay dưới hành lang đường dây.

Ông Chương cho biết, cột 26 hiện cao 31,5m. Để đường tránh đi qua dưới dây điện an toàn, cột 26 phải nâng lên chiều cao 55m. “Hiện, truyền tải điện Kiên Giang đã giao mốc móng trụ cho đơn vị thi công để triển khai xây dựng”, ông Chương cho biết. Trước mắt, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện và không để xảy ra sự cố đáng tiếc, tại khu vực thi công, Truyền tải điện Kiên Giang thường xuyên cắt cử cán bộ túc trực ngày đêm. Ngoài ra, còn lắp đặt 2 biển cảnh báo an toàn điện tại khoảng trụ 25-26. “Chúng tôi đã làm việc với Sở GTVT Kiên Giang, cùng chính quyền địa phương hướng dẫn, cảnh báo đối với đơn vị thi công trực tiếp là Nhà thầu HanSin. Ngoài ra, đơn vị cũng đã họp với UBND tỉnh Kiên Giang để nhắc nhở đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Chương nói.

Tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Thiện Tước, Đội trưởng Đội đường dây Cần Thơ cho biết, có hai điểm nóng làm ảnh hưởng đến đường dây 220KV. Điểm nóng thứ nhất tại khoảng trụ 176-177, đường dây 220KV Nhà máy điện Ô Môn-Trà Nóc (mạch 1) thuộc đường dây 220KV Rạch Giá-Trà Nóc. Điểm nóng thứ hai tại khoảng trụ 102-104, đường dây 220KV Rạch Giá-Nhà máy điện Ô Môn thuộc đường dây 220KV Thốt Nốt-Rạch Giá.

Theo ông Tước, điểm nóng thứ nhất thuộc địa phận phường Phước Thới, quận Ô môn, TP Cần Thơ. Ngày phát hiện vi phạm là 25/4/2012 tại khuôn viên Trường Quân sự TP Cần Thơ. Thời điểm đó, tại đây đang tiến hành san lấp mặt bằng để xây dựng Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh ngay dưới tuyến đường dây. Đến ngày 4/6/2012 và 27/11/2012, Đội truyền tải Cần Thơ đã lập hướng dẫn cảnh báo an toàn điện với đơn vị thi công. Tiếp đó, ngày 29/11/2012, đơn vị đã có văn bản về việc đảm bảo khoảng cách an toàn phóng điện trong quá trình thi công công trình gửi Ban chỉ huy quân sự TP Cần Thơ.

Ngoài ra, đơn vị đã cử cán bộ họp với Ban chỉ huy quân sự TP Cần Thơ để tìm giải pháp di dời công trình, không ảnh hưởng hành lang an toàn lưới điện. Theo ông Tước, hiện tại, chủ đầu tư đã dịch chuyển công trình về 2 phía, tách ra khỏi hành lang lưới điện với 2 dãy “Nhà Huấn Luyện” cách pha ngoài cùng bên trái 35m, bên phải 16m. Đơn vị đã lắp đặt 2 biển cảnh báo an toàn điện và đang tiếp tục theo dõi trong quá trình thi công để ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra.

Điêm nóng thứ hai thuộc địa phận Thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Tại đây, theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, tồn tại công trình san lấp mặt bằng Khu trung tâm hành chính huyện Cờ Đỏ. Công trình đã được Sở Công Thương báo cáo kết quả thẩm định ngày 25/9/2012 và UBND huyện Cờ Đỏ ra quyết định phê duyệt. Tại đây, có một con đường đất nằm dọc theo công trình.

Xe cẩu và các loại phương tiện thường xuyên vào ra. Để cảnh báo an toàn điện, Truyền tải điện Cần Thơ đã triển khai hướng dẫn cảnh báo đơn vị thi công, lập cam kết theo biểu mẫu, lắp đặt các biển cảnh báo an toàn điện và phối hợp kiểm tra để ngăn ngừa sự cố.

Làm việc với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Luật, Phó giám đốc Truyền tải điện miền Tây (thuộc Công ty truyền tải điện 4) cho biết, Truyền tải điện miền Tây hiện đang quản lý một địa bàn rộng lớn nên gặp nhiều khó khăn.

Với đường dây 500KV, Truyền tải điện miền Tây quản lý 75,3KM và đường dây 220KV quản lý 1.699km đi qua địa bàn 10 tỉnh, thành phố. Theo ông Luật, để tránh xảy ra sự cố, Đội truyền tải các tỉnh ngày đêm căng mình đi kiểm tra. Riêng tại các điểm nóng, thường xuyên có cán bộ túc trực nhằm tránh để không xảy ra sự cố, đảm bảo cung ứng điện an toàn cho toàn miền Tây với nhu cầu về điện lớn nhất cả nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.