Cần thiết thành lập Ủy ban ổn định tài chính

Cần thiết thành lập Ủy ban ổn định tài chính
Sau khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, nhiều quốc gia đã thành lập cơ quan này.

Cần thiết thành lập Ủy ban ổn định tài chính

Sau khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, nhiều quốc gia đã thành lập cơ quan này.

Tại hội thảo “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” diễn ra ngày 18/12, nhiều chuyên gia cho rằng: Thị trường tài chính tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô, chất lượng hoạt động trên cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh chóng đã kéo theo nhiều bất cập. Trình độ quản trị điều hành, giám sát từng định chế và toàn bộ thị trường tài chính tuy đã chuyển biến mạnh mẽ nhưng vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính. Ngoài ra, vẫn tồn tại khoảng cách lớn với chuẩn mực an toàn và giám sát tài chính của khu vực và thế giới. Bất ổn thị trường tài chính không những có thể bào mòn thành quả phát triển kinh tế, mà còn là thách thức trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế của giai đoạn tới.

Nút thắt về sự phối hợp giữa các cơ quan

Theo quan sát của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đối với Việt Nam, trong gần 7 năm qua, các trục trặc của nền kinh tế đi cùng với sự bất ổn và thiếu lành mạnh của hệ thống tài chính, đặc biệt là khu vực ngân hàng. Thật khó để chứng minh rằng khu vực nào là nguyên nhân và khu vực nào là hệ quả của các bất ổn kinh tế - tài chính, song có thể nói rằng các trục trặc kinh tế và bất ổn tài chính hiện nay giống như một nút thắt đan xen, níu kéo nhau và cùng kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thực và sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lấy dẫn chứng, một thực thể được đăng ký thành lập dưới dạng một ngân hàng thương mại sẽ do cơ quan thanh tra - giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đảm trách giám sát, một thực thể đăng ký dưới dạng là một công ty chứng khoán hay một quỹ đầu tư sẽ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ Tài chính trực tiếp quản lý và giám sát, công ty kinh doanh bảo hiểm sẽ do Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm phụ trách quản lý và giám sát. Tuy nhiên, nếu như một công ty chứng khoán có giao dịch tiền gửi và tín dụng thì giao dịch đó vẫn do NHNN giám sát, hoặc một công ty thương mại có đầu tư chứng khoán thì UBCKNN sẽ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các giao dịch chứng khoán này.

Từ năm 2008, khi Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSQG) ra đời thì cơ quan này được giao trách nhiệm thay mặt Thủ tướng giám sát chung cả ba khu vực là ngân hàng, chứng khoán, và bảo hiểm. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chức năng và thẩm quyền giám sát của UBGSQG vẫn còn rất hạn chế, trong khi đó quyền giám sát chuyên ngành vẫn tiếp tục được duy trì theo mô thức cũ. UBGSQG vẫn chưa thể đóng vai trò như một cơ quan điều tiết và giám sát có hiệu năng và hiệu quả, không có đủ công cụ và thẩm quyền, càng không phải là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia. Những giới hạn này khiến cho mô hình giám sát tài chính của Việt Nam có xu hướng trở thành lưỡng thể, tạo ra sự không rõ ràng và nhất quán trong các quan hệ phối hợp và điều phối giám sát giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành. Trong khi khả năng phối hợp giám sát của UBGSQG với các cơ quan thanh tra – giám sát chuyên ngành khác vẫn còn rời rạc và hạn chế thì với địa vị pháp lý của UBGSQG như hiện nay, dù đã được trao thẩm quyền điều phối chính sách, thì vẫn còn rất nhiều trở ngại khác nữa về mặt thể chế và pháp lý khiến cho việc điều phối giữa chính sách giám sát an toàn tài chính với chính sách kinh tế vĩ mô của cơ quan này trở nên không thực tế.

Cần một cơ quan điều phối chung

Trả lời câu hỏi: Việt Nam có cần thành lập Ủy ban ổn định tài chính hay không? Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: “Cần thiết” . Theo ông Ngoạn, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách, thực thi chính sách. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay đã có sự thay đổi. Đó là sự bổ sung thêm ổn định tài chính. Hầu hết các quốc gia cho rằng, ổn định tài chính là mục tiêu rất quan trọng. Khi hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô phải quan tâm đến ổn định thị trường tài chính.

Trước đây, ông Ngoạn dẫn chứng, hầu hết các nước đều lập Diễn đàn ổn định tài chính. Trong các đạo luật liên quan đến lĩnh vực này đều nêu rõ các cơ quan giám sát và NHTW, Bộ Tài chính phải có sự phối hợp.

Gần đây, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước thành lập riêng một Ủy ban ổn định tài chính.

“Việt Nam cũng đang rất cần thành lập Ủy ban này, đặc biệt mô hình giám sát, việc hoạch định chính sách về giám sát của ta hiện nay cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn” – ông Ngoạn nhấn mạnh.

Từ cuối năm 2011, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có ý kiến về vấn đề này với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đã được đồng ý về nguyên tắc cho nghiên cứu mô hình này.

“Chúng tôi thấy rằng, việc nghiên cứu mô hình này cần có thời gian và có sự thống nhất về quan điểm. Dự kiến đầu năm 2014 có một đề án trên cơ sở tổng hợp ý kiến các chuyên gia”, theo ông Ngoạn./.

Theo Vũ Hạnh
VOV online

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG