Agribank - Dấu ấn nông nghiệp miền Tây

Agribank - Dấu ấn nông nghiệp miền Tây
TP - Nói đến miền Tây Nam bộ, trong hình dung của người chưa hay đã đến đều chung một mường tượng gắn với vườn cây trái sum suê, những vuông tôm, đầm cá hay cánh đồng trải dài tít tắp.

> Agribank: Dư nợ cho vay “tam nông” tăng 0,9%
> “Nợ xấu trên 3% sẽ tuýt còi, giảm quyền...”

Có đi mới thấy quả miệt vườn sông nước quả mênh mang ẩn chứa nhiều cái đẹp. Sự trù phú ấy có được là nhờ công sức, mồ hôi trực tiếp của những người nông dân. Bên cạnh, có phần không nhỏ trong suốt hơn hai chục năm qua của một tổ chức tín dụng - đó là Agribank.

An Giang, Cần Thơ - Khoán hộ đổi đời

Những ngày tháng 3 rong ruổi các tỉnh miền Tây Nam bộ, thực mắt nhìn tác dụng của từng đồng vốn trong vai trò kinh tế hộ nông dân, mới thấu hiểu công sức đóng góp của Agribank trong nông nghiệp.

Trên cánh đồng xã Thành Hưng huyện Tân Thới (Cần Thơ) bác nông dân Nguyễn Văn Hậu không giấu được phấn khích chỉ tay về chiếc máy gặt liên hoàn vừa tậu với giá 500 triệu đồng trong đó có tới 300 triệu vay của Agribank với lãi suất do tỉnh hỗ trợ 0% trong 2 năm đầu còn từ năm thứ 3 là 5%/năm.

Bác Hậu hỉ hả: “Từ ngày sắm máy đến giờ gặt thuê không hết việc. Tôi tính chỉ 3 năm là hoàn vốn. Bà con nông dân cũng phấn khởi vì công sá không cao mà lại rút gọn ngày thu hoạch”.

Về tỉnh An Giang, thấy đa số đời sống hộ nông dân nơi đây khá êm đềm. Nhưng ít ai biết, vào đúng 23 năm trước, nơi đây từng đứng trước một quyết định lịch sử, lần đầu cho người nông dân vay với lãi suất thấp mà không cần thế chấp.

Bất ngờ hơn, người dám mạnh dạn “gật đầu” với mô hình mới toanh đó lại chính là nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, thời đó làm giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp An Giang.

Trong câu chuyện tại ngôi nhà vườn khang trang nằm giữa ấp Trung Phú (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, An Giang) bác nông dân Thạch Văn Thơ 63 tuổi nhớ lại: “Hồi đó là năm 1989, công ruộng thí ít mà vốn liếng thì đâu có gì. Chưa tới vụ đã phải đi vay ngoài để lấy tiền mua phân gio, giống má. Mà lãi mẹ đẻ lãi con nhanh dữ, lãi suất tới 30%/ tháng chưa tính được bao nhiêu giạ lúa về nhà đã phải lo đem đến trả chủ nợ. Đúng lúc đó, chủ trương cho vay kinh tế hộ về xã. Thế là thành lập tổ liên doanh thí điểm đầu tiên gồm 20 người. Khởi đầu hộ tôi được vay 260 ngàn đồng, chỉ trong năm đầu tiên nhờ chủ động vốn tôi đã thu hoạch được tới 7,5 tấn lúa/ha. Nhờ đó, kinh tế hộ ngày một khá lên. Ơn trời đến nay tôi đã sở hữu đôi chục công đất …”- bác nông dân Thơ cười rạng rỡ.

Về “tích” này, ông Bùi Thanh Quang, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang nói thêm để khách dễ hình dung: “Thời đó, nhìn bà con nhà nông làm được bao nhiêu đều đem trả lãi vay cắt cổ, ngân hàng xót ruột lắm.

Lúc đó anh Giàu đi Thái Lan quyết tâm học hỏi kinh nghiệm về rồi khảo sát thực địa từng bờ ruộng, hỏi ý kiến tâm tư từng hộ và quyết định mạnh dạn cho nông dân vay. Quyết định khoán hộ thực sự là một cuộc cách mạnh trong nông nghiệp miền Tây. Nó đã đánh “trúng” vào nạn cho vay nặng lãi, giúp bà con nông dân dần thoát khỏi tình cảnh bán lúa non và đổi đời thực sự”.

Bến Tre, Long An: những đồng vốn biết nói

Xưởng sản xuất kẹo dừa Ngọc Lan (Bến Tre) khởi nghiệp bằng những đồng vốn vay Agribank
Xưởng sản xuất kẹo dừa Ngọc Lan (Bến Tre) khởi nghiệp bằng những đồng vốn vay Agribank.
 

Nói đến tỉnh Bến Tre là phải nhắc đến dừa. Không biết cũng có phải vì thế trong dư nợ cho vay của Agribank Bến Tre tập trung vào mảng kinh tế có liên quan đến dừa và cho vay nuôi bò, heo, vườn cây ăn trái.

Xưởng sản xuất kẹo dừa thương hiệu Ngọc Lan nằm phía ngoài trung tâm thành phố. Dẫn khách đi tham quan một loạt các công đoạn từ chế biến nạo dừa, lò nấu kẹo tới xường đóng gói bác Lý Văn Giàu và vợ là bác gái Ngọc Lan không giấu được niềm tự hào về cơ ngơi khang trang này.

150 lao động mùa vụ, mỗi năm xuất khẩu khoảng 70 tấn kẹo tương đương 2,5 tỷ đồng. Trong số 4-5 ngân hàng có tài khoản giao dịch, bác Lan cho hay gia đình vẫn gắn bó nhất với Agribank.

“Từ năm 2000 đến nay cứ đến vụ chúng tôi lại vay Agribank, tiến độ giải ngân và chất lượng phục vụ rất tốt. Ngoài ra, Agribank Lào Cai còn là đầu mối để chúng tôi nhận tiền ngoại tệ của khách hàng, mọi giao dịch rất thuận lợi” - bác Lan nói.

Tại đảo dừa Bến Tre, một địa chỉ du lịch nổi tiếng, những đồng vốn của Agribank cũng hiển hiện trên từng con kênh, ngôi nhà vườn nhỏ. Chị Nguyễn Thị Kim Bình, (Agribank chi nhánh Châu Thành) kể: Hoạt động tín dụng ở đây rất tốt, số hộ chậm trả nợ gần như không có. Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho tới đặc sản du lịch vùng này đều có sự góp mặt của đồng vốn Agribank từ khâu đầu cho tới tận lúc đầu ra.

Cách Bến Tre không xa tại Long An, sự hiện diện của Agribank lại đem đến tầm vóc mới cho khu công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ tịch huyện Đức Hòa thừa nhận với sự sầm uất của khu công nghiệp, những đồng vốn của 15 tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn huyện nhà có vai trò hết sức quan trọng; đặc biệt là Agribank, đã đồng hành với người dân ở nơi đây từ rất lâu. “Nhờ vốn của ngân hàng mà chúng tôi giảm được tỷ lệ hộ nghèo, bộ mặt kinh tế huyện thay đổi từng ngày”- Bà chủ tịch huyện phấn khởi .

Tiếp chúng tôi trong cái nắng gắt của miền Tây, trên gian chòi xây chắc chắn có thể quan sát cánh đồng trải rộng đến hàng chục ha với đàn bò sữa 92 con đang thư thả nằm phía xa, ông Võ Quang Huy, phó chủ tịch hiệp hội nuôi tôm Sóc Trăng đồng thời là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Long An trầm ngâm: “Tôi quan hệ với Agribank đã hơn 10 năm.

Nói chung là không phàn nàn gì vì phải nói để có được cơ ngơi lên tới cả trăm công đất ngày hôm nay, tôi phải khởi nguồn vay ngân hàng làm kinh tế. Tuy nhiên, có điều này tôi thấy phiền. Hệ thống ngân hàng nói chung vẫn làm khó nông dân nhiều thủ tục.

Giả sử như việc mua phân đấy, đại lý thì muốn trốn thuế đầu ra VAT trong khi chúng tôi trong hồ sơ vay ngân hàng lại cứ đòi phải có hóa đơn mua bán; hay như lãi suất tăng thì sớm và nhanh mà hạ thì chậm và ít, hay ví như đồng tôm giờ đang khó, ngân hàng có dám giãn nợ ,giải ngân tiếp hay không…”

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam: ”Kinh tế nông nghiệp nông thôn tạo việc làm cho gần 50% dân số hay lực lượng lao động. Gần 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và khoảng 90% người nghèo là ở nông thôn.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện là NHTM lớn nhất Việt Nam, với mức độ phủ sóng dày đặc trên khắp đất nước, có tới 2/3 dư nợ là đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.Việc phát triển kinh tế nông thôn trong đó có nông nghiệp rất quan trọng. Agribank hiện có hệ thống thanh toán nhanh và hiệu quả tốt nhất các NHTM, điều này rất ấn tượng với WB.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG