Không lo thiếu điện khi ngừng cấp khí Nam Côn Sơn

Không lo thiếu điện khi ngừng cấp khí Nam Côn Sơn
TP - Từ 7/9-16/9/2013 sẽ ngừng việc cấp khí lô 06.1 Nam Côn Sơn cho các nhà máy điện để bảo dưỡng sửa chữa. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo phải có kế hoạch để đảm bảo đủ điện khi ngừng cấp khí Nam Côn Sơn.

> Xử lý khẩn cấp
> EVN cam kết cung ứng đủ điện

Dừng 9 ngày để bảo dưỡng

Theo thông báo ấn định khí tháng 9, Tổng Cty Khí quốc gia (PVGas) gửi EVN ngày 24/7/2013, lượng khí cung cấp cho Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 bằng 0 trong thời kỳ công tác ngừng lô 06.1 (từ 7/9 đến 16/9/2013). Trong thời gian ngừng lô 06.1, khả năng cấp khí Nam Côn Sơn và khí Cửu Long là 6,5-8,0 triệu m3/ngày (lượng khí cấp được trong 9 ngày). Khả năng cấp khí ngày 8/9 là 1,6 triệu m3 của khí Cửu Long do đã ngừng hoàn toàn khí Nam Côn Sơn để bảo dưỡng sửa chữa nhà máy xử lý khí Dinh Cố.

Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN phải đảm bảo nguồn điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. EVN phải huy động tối đa các nguồn, kể cả giải pháp phát bằng nguồn điện chạy dầu giá cao như FO, DO không được để thiếu điện.

Trước chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã xây dựng phương án để vận hành hệ thống điện trong tháng 9 được ổn định. Theo đó, trong tháng 9, EVN sẽ khai thác tối đa thủy điện, trong đó ưu tiên các nhà máy thủy điện đang xả, các nhà máy chưa xả tận dụng tối đa khi có thể. Các nhà máy thủy điện tham gia thị trường điện vận hành theo giá chào. Các hồ thủy điện miền Nam và Nam miền Trung khai thác cao trong trong thời gian cắt khí, cuối tháng tuỳ theo nước về, cân đối tích nước để chuẩn bị cho thi công đường dây 500 kV thời gian tới. Đối với nhiệt điện than và tuốc bin khí khai thác thấp nhưng phải đảm bảo an toàn lưới.

Ngoài ra, mua điện ở Trung Quốc ở mức thấp, đồng thời huy động hết được các thủy điện nhỏ trong khu vực, tránh gây tiếng xấu trong thời kỳ mùa lũ này. Đặc biệt ưu tiên giải quyết các công tác lưới điện lớn khu vực miền Nam như cắt 2 MBA 500kV Phú Lâm (1/9-2/9), cắt các DZ 220kV Phú Mỹ - Cát Lái, Phú Mỹ - Nhà Bè, Phú Mỹ- Long Thành.

Tập trung khí cho phát điện

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cũng cho biết, để giảm thời gian ngừng cấp khí xuống ngắn nhất có thể, EVN đề nghị Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ đạo PVGas tăng cường tối đa khả năng cấp khí cho các nhà máy phát điện (bao gồm cả khí Phú Mỹ 3 - Cà Mau, khí Nam Côn Sơn và khí Cửu Long) đồng thời có phương án giảm cấp khí đối với Nhà máy Đạm Cà Mau và các hộ tiêu thụ khí với sản lượng thấp để tăng cường nguồn khí cho phát điện trong thời gian này.

Ngoài ra, theo thông tin từ PV Gas, dự kiến mỏ khí Hải Thạch - Mộc Tinh sẽ bắt đầu đưa vào khai thác trong tháng 9/2013. Khả năng cấp khí của mỏ này trong các ngày đầu xấp xỉ khoảng 1,5 triệu m3/ngày, các ngày tiếp theo khả năng cấp khí có thể tăng lên mức xấp xỉ 4-4,5 triệu m3/ngày. Như vậy, trong trường hợp có thể đưa khí Hải Thạch - Mộc Tinh vào vận hành trước khi ngừng lô 06.1 Nam Côn Sơn, khả năng cấp khí trong thời gian này vẫn có thể đạt mức xấp xỉ 10,6 -12 triệu m3/ngày (bao gồm cả khí Cửu Long).

Theo EVN, trong tháng 9, sẽ phấn đấu hòa đồng bộ phát điện Tổ máy 2 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và hòa đồng bộ phát điện Tổ máy 2 Nhiệt điện Quảng Ninh 2. Dự kiến đến hết tháng 9/2013, EVN hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 là đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.420 MW, gồm: Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2x300MW), Thủy điện Bản Chát (2x110MW); Tổ máy 2-Nhiệt điện Quảng Ninh 2 (300MW) và Tổ máy 1-Nhiệt điện Hải Phòng 2 (300MW).

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia dự báo phụ tải tháng 9:

Sản lượng trung bình ngày toàn hệ thống: 365,5 triệu kWh, tăng 8,33% so với 2012.

Công suất max dự kiến là 19.169 MW, tăng 10.48% so với cùng kỳ 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG