Đảm bảo an toàn lưới điện: Không thể lơ là

Đảm bảo an toàn lưới điện: Không thể lơ là
TP - Đó là khẳng định của ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng GĐ Tổng Cty Truyền tải điện Quốc gia (EVN-NPT) về việc phải tiếp tục tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia, phục vụ cung cấp điện an toàn cho phát triển kinh tế xã hội.

> Không lo thiếu điện khi ngừng cấp khí Nam Côn Sơn
> EVN cam kết cung ứng đủ điện

Lễ ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ lưới điện quốc gia (giai đoạn 2013-2018) giữa Cty Truyền tải điện 3 với Công an Lâm Đồng
Lễ ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ lưới điện quốc gia (giai đoạn 2013-2018) giữa Cty Truyền tải điện 3 với Công an Lâm Đồng.

Nguy cơ rình rập

Bên cạnh tình trạng xây dựng nhà ở và công trình vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện luôn rình rập nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào, việc khai thác khoáng sản, lắp đặt biển quảng cáo của các doanh nghiệp luôn đe dọa an toàn lưới điện cao áp.

Điển hình, vào cuối tháng 5, sự cố do vi phạm hành lang lưới điện cao thế dẫn đến mất điện toàn bộ 22 tỉnh, thành phía Nam đã gây thiệt hại khôn lường cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như ảnh hưởng mọi mặt đời sống của hàng triệu người dân. Mà thủ phạm gây ra cũng chỉ là một xe cần cẩu trồng cây (tại Bình Dương) bất cẩn chạm vào đường dây 500 kV.

Sau sự cố hy hữu làm mất điện nghiêm trọng nói trên, ngày 20/8, tàu của Vinashine Inco 09 cũng chạm vào đường dây 220kV Phả Lại-Hải Phòng 2 khi đang lưu thông trên sông Kinh Môn (đoạn km 14+500 thuộc địa phận xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương). Khi các cơ quan chức năng lập biên bản, trên tàu không có chủ tàu, không xuất trình được lịch trình chạy tàu.

Theo biên bản kiểm tra tại hiện trường, khoảng cách từ điểm cao nhất của tàu đến mặt nước sông Kinh Môn là 25,1m (đo lúc 14 giờ ngày 20/8), trong khi đó quy định tại Thông tư 36 của Bộ GTVT, sông Kinh Môn thuộc hạng mục nội tỉnh cấp 3, chiều cao tĩnh không với đường giao chéo các công trình bằng 12m cộng chiều cao giao chéo (đối với đường dây 220kV, khoảng cách an toàn là 3m). Như vậy, tổng chiều cao được phép của đoạn giao chéo với đường dây 220kV Phải Lại-Hải Phòng 2 là 15m.

“Ngành điện phải tăng cường đầu tư thêm các đường dây 500kV cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý. Nhưng rõ ràng, định hướng này phải được thực hiện triển khai trong một thời gian dài và được đầu tư, đổi mới. Song, nếu ý thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền địa phương không được nâng lên, những rủi ro như nói trên sẽ vẫn còn tái diễn với ngành điện”. Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Nguyên nhân gây sự cố là do tàu Vinashine Inco 09 đã vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây 220kV Phải Lại-Hải Phòng 2 gây phóng điện làm tổn thương cho dây dẫn, mặc dù đoạn km14+500 trên sông Kinh Môn có đặt biển báo an toàn cả hai phía thượng lưu và hạ lưu.

Đường dây 220kV Phả Lại-Hải Phòng 2 có nhiệm vụ truyền tải điện từ Nhà máy nhiệt điện Phả Lại cấp cho khu vực Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh. Sau sự cố trên, Cty Truyền tải điện 1, đơn vị quản lý và vận hành đường dây đã phải tạm ngừng truyền tải trên đường dây này khoảng 12 tiếng để khắc phục sự cố.

Theo lãnh đạo EVN-NPT, qua những vụ việc trên cho thấy, rõ ràng những hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, triển khai giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm tra đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tuy nhiên, tuyên truyền không thôi là chưa đủ. Bởi, một khi cơ quan thẩm quyền chưa có những biện pháp kiểm tra xử lý, chế tài đủ mạnh, ý thức con người trong vấn đề đảm bảo an toàn hành lang lưới điện vẫn là tồn tại đáng lo ngại.

Cần chính quyền, người dân vào cuộc

Theo ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc EVN-NPT, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, ngoài nỗ lực của ngành điện, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền và người dân.

Theo ông Minh, vai trò của chính quyền địa phương và ý thức của người dân nơi có đường dây cao áp đi qua rất quan trọng. “Nếu chính quyền địa phương và người dân cùng chung tay với ngành điện để bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, chắc chắn các sự cố sẽ khó xảy ra”, ông Minh nói.

Ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (thuộc EVN) cho biết, đối với hành lang lưới điện cao áp và an toàn điện trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương vận động nhân dân tự kiểm tra, xử lý các tồn tại đường dây hạ thế sau công tơ, hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, nâng cao các ổ cắm, bảng điện có khả năng bị ngập.

Đồng thời, tổ chức chặt tỉa cây cối đề phòng sự cố, tai nạn điện. Giải quyết các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm thông báo đến nhân dân chú ý đề phòng để tránh xảy ra tai nạn điện giật khi mưa to, gió lớn, ngập úng (như cháy, nổ ở đường dây điện, trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, rò điện, nước tràn vào trạm điện…).

Theo ông Vũ Ngọc Minh, trong bối cảnh vốn tái đầu tư của ngành điện còn hạn chế, việc chung tay giúp sức của chính quyền địa phương các cấp, của nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện, phòng chống lụt bão là rất quan trọng.

“Mục tiêu quan trọng là hạn chế tối đa những sự cố gây mất điện chỉ vì những lý do bất cẩn của một cá nhân hay đơn vị. Vì khi sự cố xảy ra, thiệt hại đối với xã hội nói chung và ngành điện nói riêng thường rất lớn”, ông Minh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.