Nuôi dế xuất khẩu, tại sao không?

Nuôi dế xuất khẩu, tại sao không?
TP - Ở tuổi 27, anh Trần Huy Hợi đã có 5 năm thâm niên nuôi dế tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Anh Hợi cho biết, trước đây đi làm thuê ở một cơ sở nuôi dế trong miền Nam, thấy những con dế đen trũi nhưng ngộ nghĩnh, anh liền nảy ra ý định phải quyết chí nuôi bằng được loại côn trùng này.

Vạn sự khởi đầu nan

Trước khi nuôi dế, anh Hợi đã dành thời gian tìm hiểu về cách nuôi các loại con khác như cá lóc, giun quế, nhím... Nhưng rồi anh vẫn quyết định chọn con dế vì thấy thời điểm ấy, nếu mua dế giống sẽ phù hợp với số vốn mình đang có, thức ăn cũng đỡ tốn kém hơn, chăn nuôi không tốn nhiều diện tích và do thị trường còn mới mẻ nên anh đặt niềm tin vào con dế sẽ dễ dàng tiêu thụ.

Với chút vốn liếng dành dụm được sau một thời gian đi làm thuê, anh Hợi mua và mang 500 con dế giống từ miền Nam về quê nuôi với hy vọng con dế sẽ giúp anh làm giàu trên chính quê hương chứ không còn phải bôn ba đi làm thuê ở nơi khác nữa.

Thời gian đầu, tuy cần cù chăm bẵm từng con dế, nhưng do chưa nắm vững khoa học kỹ thuật, một phần do thời tiết ở miền Bắc khác với thời tiết miền Nam và mùa đông rất lạnh, vì vậy lứa dế đầu anh mất trắng. Anh đầu tư tiếp lứa dế thứ hai, thứ ba... và trong cả năm đầu tiên gần như anh nuôi dế không có công. Thấy vậy, gia đình, bạn bè cùng khuyên anh không nên nuôi dế nữa, cho rằng nuôi dế chỉ là ý tưởng viển vông.

Không nản chí, anh dồn chút vốn liếng cuối cùng, vay mượn thêm bạn bè để đầu tư tiếp vào con dế và tích cực đi một số nơi để học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi dế. Với bàn tay chăm sóc của anh Hợi, con dế đã không phụ lòng người, những chú dế đã lớn như thổi, béo mũm.

Xuất khẩu dế ra nước ngoài

Kế hoạch bước đầu nuôi dế của anh Hợi thành công. Lúc này anh Hợi lại gặp cái khó thứ hai ấy là thị trường tiêu thụ. Nhiều lần anh mang dế đến nhà hàng giới thiệu sản phẩm lại phải mang về vì họ bảo không biết chế biến món dế như thế nào và nếu biết chế biến thì sợ không có khách ăn?

Anh Hợi một lần nữa mày mò cách chế biến dế, tự nấu nướng, rồi lại tự thưởng thức để xem món mình chế biến có ngon không, gia vị đã đúng chưa. Thử món dế nhiều có lúc chán, anh Hợi phải mời cả người khác ăn rồi nhận xét, đánh giá về món dế mình chế biến. Thành công một vài món dế, anh Hợi viết thực đơn và cách chế biến các món dế trong thực đơn ra giấy, anh tiếp tục đến nhà hàng quảng bá và giới thiệu luôn cách chế biến món dế cho nhà hàng. Thấy sự kiên trì của anh, một số nhà hàng đã tiếp nhận mua nhưng với số lượng nhỏ. Thế rồi từ số lượng ít thành nhiều, đến nay anh Hợi đã có hàng chục nhà hàng là khách hàng quen thuộc ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương...

Hiện anh có 300 chậu nuôi dế thương phẩm và dế giống. Trung bình một tháng anh Hợi cung cấp cho thị trường trên 30kg dế thương phẩm với giá bán 250.000 đồng/kg. Ngoài ra mỗi tháng anh còn cung cấp khoảng 3.000 con dế giống cho một số cơ sở nuôi dế trong và ngoài tỉnh.

Đầu năm 2010, anh Hợi đề xuất thành lập Hiệp hội nuôi dế mèn huyện Phù Cừ. Được sự ủng hộ, đặc biệt là Trung tâm khuyến nông huyện, đến nay Hiệp hội nuôi dế mèn thành lập với 34 thành viên và anh Hợi được bầu là Chủ tịch Hiệp hội. Tiêu chuẩn để vào hiệp hội nuôi dế trước hết người nuôi phải tâm huyết với con dế, lấy con dế làm nghề chính, phải đạt 300 chậu nuôi dế trở lên, diện tích nuôi từ 50m2 trở lên...

Trao đổi với PV, anh Hợi bày tỏ ấp ủ đưa dế ra thị trường nước ngoài để giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về món ăn đặc sản đồng quê Việt Nam. Hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hưng Yên đã cấp giấy phép về việc thành lập doanh nghiệp tư nhân dế xuất khẩu Huy Hợi. Tới đây, anh Hợi sẽ tiến hành đăng kí lô gô, nhãn hiệu sản phẩm cho con dế. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa trang Website: http://www.dexuatkhauhuyhoi.com.vn ra đời sẽ quảng bá sản phẩm dế được rộng rãi hơn với thực khách trong nước và nước ngoài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG