Điều tra làm rõ, công khai việc hoàn thuế xăng dầu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu rõ số tiền chênh 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp xăng dầu tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu rõ số tiền chênh 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp xăng dầu tư nhân.
TP - Ngày 26/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu rõ số tiền chênh 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp xăng dầu tư nhân.

Lý giải về lỗ hổng trong chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu và con số 3.500 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, sẽ thanh kiểm tra các doanh nghiệp cụ thể và có hướng xử lý phù hợp. Ông Dũng cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, tổng số xăng dầu nhập khẩu đã thu năm 2015 là 35.000 tỷ đồng, tổng số thuế được hoàn năm 2015 của 23 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là 3.475 tỷ đồng. Trong đó, số thuế VAT là 335 tỷ đồng, được hoàn không làm giảm tổng số thu của ngân sách Nhà nước. Ông khẳng định, doanh nghiệp không được hưởng số tiền này. Vì thế, số tiền hoàn thuế chỉ còn 3.120 tỷ đồng, trong đó có 2.794 tỷ của 11 doanh nghiệp Nhà nước (chiếm 88% thị phần tiêu thụ xăng dầu cả nước), còn lại 325 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12% thị phần).

Bộ trưởng Tài chính phân tích, tổng số 3.120 tỷ đồng của doanh nghiệp được hoạch toán, thu nộp thuế 22% thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước là 686 tỷ đồng, còn lại 2.434 tỷ đồng, trong đó 2.179 tỷ đồng là của 11 doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi trích lập các quỹ, khoản lợi nhuận này đã được nộp vào ngân sách Nhà nước. 12 doanh nghiệp tư nhân còn lại giữ khoảng 254 tỷ đồng và số tiền này đang nghiên cứu nhưng “rất khó thu hồi”, ông Dũng nói. Như vậy, theo Bộ trưởng Tài chính, số tiền chênh 3.500 tỷ đồng được đề nghị thu về quỹ bình ổn giá thực chất chỉ còn 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân đầu mối. “Bộ Tài chính sẽ thanh tra, kiểm tra và có hướng xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không thể làm trong thời gian ngắn được”, ông Dũng nói.

“Vừa rồi báo chí có nêu hai bộ “đá” nhau trong chính sách điều hành và đổ trách nhiệm cho nhau, nhưng chúng tôi sai thì chịu trách nhiệm, sai phải nhận, nhận phải sửa và thực tế đang làm như thế”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Về số tiền chênh nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải báo cáo rõ ràng, 11 doanh nghiệp Nhà nước phải làm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Với 12 doanh nghiệp tư nhân, tổng số thực có 254 tỷ đồng phải điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu rõ.

Phối hợp tốt, sao dân vẫn phải ăn bẩn?

Báo cáo tình hình ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, đã chặn đứng các nguồn chất cấm từ bên ngoài. Ông nói: “Tôi và Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao đổi rất cụ thể, tuy nhiên, một số cán bộ có thể không nắm được thông tin nên gây ra sự hiểu lầm là hai bộ đang đổ trách nhiệm cho nhau. Xin khẳng định lại là chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vừa qua, Bộ Y tế phối hợp công an kiểm tra và rút giấy phép 4 công ty, chuyển cơ quan điều tra làm rõ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đề xuất thành lập một cơ quan độc lập thuộc UBND thành phố, tăng cường chế tài xử phạt, lấy nguồn tiền thu được đầu tư vào công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị được giao mà không hoàn thành nhiệm vụ. “Phải làm quyết liệt như vậy, không thể để tất cả làm tốt, phối hợp tốt mà dân thì vẫn phải ăn bẩn”, ông Thăng nói.

Cuối buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ngày 6/4, Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ cho ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. “Phiên họp tới, tôi cùng 19 đồng chí nữa không có mặt. Tôi có lời cảm ơn chân thành các đồng chí, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đã hết sức ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao với tư cách người đứng đầu Chính phủ”, Thủ tướng nói. 

MỚI - NÓNG