Báo động tôn Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài 2:

Doanh nghiệp Việt điêu đứng

Cơ sở Duy Tiến, 172 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, bán tôn liên doanh kém chất lượng.
Cơ sở Duy Tiến, 172 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, bán tôn liên doanh kém chất lượng.
TP - Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc tôn Trung Quốc mập mờ nguồn gốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam làm cho các doanh nghiệp trong nước mất gần 20% thị phần trong 8 tháng đầu năm 2015 với thiệt hại ước tính 9.351 tỷ đồng.

DN kinh doanh tôn giả chuyển hướng hoạt động

Tại hội thảo gần đây về hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương xác nhận tình trạng tôn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng từ Trung Quốc đội lốt tôn chính hãng đang diễn ra khá phổ biến. Các địa phương xuất hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh tôn, thép gồm có: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Đà Nẵng, TPHCM, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Ninh...

Đại diện Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, dù tình trạng tôn thép kém chất lượng đang diễn ra công khai nhưng các cơ quan chức năng chưa phát hiện được những trường hợp gian lận với số lượng lớn. Nếu tôn thép không đúng tiêu chuẩn chất lượng như không đủ độ dày của thép nền và độ dày của lớp mạ, chất lượng lớp mạ không tốt, không đủ đảm bảo để bảo vệ thép nền, tôn sẽ nhanh  gỉ sét làm công trình nhanh xuống cấp, thậm chí gây nguy hiểm khi sử dụng và đe dọa tính mạng của người sử dụng.

Phó giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước cho biết, hiện nhiều cơ sở sản xuất nhập tôn không có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ, sau đó in giả độ dày, nhãn mác của các đơn vị khác để lừa khách hàng. Với cách “phù phép” biến tôn không nguồn gốc thành tôn liên doanh, tôn nhái thương hiệu uy tín, các cơ sở không chỉ gian lận cả chất lượng, độ dày, thương hiệu mà còn trốn được 10 - 20% thuế phải nộp cho nhà nước.

“Thời gian gần đây, nhiều cơ sở đối phó với cơ quan chức năng bằng cách đặt hàng in thẳng tên thương hiệu từ nước ngoài rồi nhập về thay vì tự in ở trong nước như trước. Ngoài ra, nhiều đơn vị bán tôn hiện chuyển hướng lừa khách hàng bằng cách đặt in chữ, tên thương hiệu khá mập mờ trên các sản phẩm với các dòng chữ bằng tiếng Anh như: Sản xuất theo tiêu chuẩn Úc, tiêu chuẩn Nhật, Hàn Quốc… Các loại tôn này, sau khi được bắn chữ ở nước ngoài, sẽ được chuyển thẳng cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước để phân phối ở các địa phương”, vị này cho biết.

Đưa tôn thép vào danh mục kiểm soát về giá, sở hữu trí tuệ

Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, tình trạng tôn Trung Quốc núp bóng tôn liên doanh chiếm lĩnh thị trường đang là thực trạng đáng báo động. Nếu như cả năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đạt 70.960 tấn, sau 8 tháng đầu năm 2015, lượng tôn nhập khẩu nhảy vọt lên tới 689.090 tấn, tăng gần 10 lần. Đặc biệt, trong tháng 8/2015, lượng phôi thép khai chứa hợp kim nhập về Việt Nam ở mức trên 3.000 tấn  với tổng giá trị gần 1 triệu USD. Đến tháng tháng 9, khối lượng phôi thép loại này tăng vọt, lên tới trên 62.000 tấn với tổng trị giá hơn 20 triệu USD.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ tính riêng lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 8 và 9/2015, sau khi “đội lốt” thành công là thép hợp kim, nhà nước đã thất thu trên 1,89 triệu USD. Được biết Hiệp hội đang cùng các doanh nghiệp trong ngành và cơ quan chức năng chuẩn bị các phương án để tới đây có thể khởi kiện sản phẩm tôn các loại có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo ông Trần Việt Hưng (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), tôn, thép nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc về Việt Nam, chiếm gần 80% lượng nhập khẩu của doanh nghiệp. Hiện thuế suất giữa các mặt hàng tôn chênh lệch nhau khá lớn. Như mặt hàng khai báo mã 72104991 có thuế suất 20% nhưng những loại tôn khác chỉ có thuế suất 10%, 5% và 0%  nên có tình trạng khai báo tên hàng nhập khẩu khác nhau sẽ dẫn đến áp mã và thuế khác nhau. Lợi dụng các kẽ hở pháp luật trong việc áp mã để tính thuế nên nhiều doanh nghiệp kê khai gian dối về chủng loại để được áp mức thuế suất thấp. Khi bán ra thị trường lại quảng cáo và áp dụng mức giá bán của chủng loại tôn, thép khác để gian lận về chất lượng. “Cần đưa mặt hàng tôn thép vào danh mục hàng hóa trọng điểm phải kiểm soát về giá và chất lượng, giả mạo về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần kiểm soát về sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng này khi giả mạo các nhãn hiệu tôn của các doanh nghiệp ở Việt Nam”, ông Hưng đề xuất.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, với việc hàng tôn giả, tôn nhái công khai xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là tôn có xuất xứ từ Trung Quốc đội lốt tôn liên doanh, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt và có biện pháp xử lý. Đây là gian lận thương mại rất tinh vi, vừa sản xuất hàng giả, hành vi buôn bán tôn kém chất lượng và có sự móc nối với nhau giữa dân buôn để lừa dối người tiêu dùng.

“Hành vi xóa nhãn hiệu này, in nhãn hiệu khác, tôn mỏng nhưng ghi trên nhãn tôn dày hơn để lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính đã đủ dấu hiệu cho thấy đây là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, về ghi nhãn hàng hóa và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, dường như có sự thỏa thuận ngầm giữa người sản xuất và người kinh doanh mặt hàng tôn giả này nên tình trạng tôn giả càng trở nên nghiêm trọng”, ông Hùng cho biết.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong 8 tháng đầu năm 2015, tôn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu thông qua 13 doanh nghiệp lớn nằm rải rác ở các địa phương. Theo số liệu từ cơ quan thuế, dù có lượng nhập khẩu khá lớn nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp  từ đầu năm 2015 đến nay của nhiều đơn vị nộp vào ngân sách không nhiều. Như  trường hợp Công ty CP Đạt Việt Thép (quận Bình Tân, TPHCM) và Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Lan Sáu (Hà Nội) không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Các đơn vị khác có lượng nhập khẩu nhiều như: Cty TNHH Thép Trung Nguyên (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận); Công ty TNHH Mỹ Hoa và Công ty TNHH Tiến Lợi (cùng ở Hoài Đức, Hà Nội); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Trường Sơn (Bắc Ninh); Cty TNHH Thép Bình Minh (TPHCM) chỉ có số thuế thu nhập doanh nghiệp từ hơn 1,7 triệu đến hơn 20 triệu đồng.

Kiểm tra nhập phôi thép hợp kim Trung Quốc lách thuế

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai chứa hợp kim của một loạt doanh nghiệp nhập khẩu nhiều loại phôi thép này về để kiếm lời. Đoàn kiểm tra sẽ gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Thép Việt Nam, kiểm tra 5 công ty nhập khẩu phôi kê khai phôi thép hợp kim là: Công ty TNHH IPC (Hải Phòng), Công ty TNHH Thương mại Dương Tiến (Bắc Giang), Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Long (Hà Nội), Công ty Sản xuất thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty TNHH thép Vinakyoei (Bà Rịa - Vũng Tàu).

MỚI - NÓNG