Hãng xe chưa giảm giá sẽ bị xử lý

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Đức Huy.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Đức Huy.
TP - “Thống kê các hãng chưa giảm giá báo cho chúng tôi”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy trong buổi kiểm tra tình hình đi lại của người dân tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chiều 9/2.

100% doanh nghiệp phải giảm giá

Chiều 9/2, PV Tiền Phong theo đoàn của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tại bến xe Mỹ Đình. Thực tế cho thấy, người dân đã bắt đầu được hưởng lợi giá cước giảm sau khi các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc. Phần lớn các nhà xe chạy từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ… đã giảm giá vé. Khảo sát thực địa tại nhà chờ bến xe, Phó Thủ tướng đã trao đổi với một số hành khách. Một hành khách nữ đi Điện Biên của nhà xe Khánh Lệ cho biết: Lần trước giá vé là 300.000 đồng/vé, bây giờ chỉ còn 250.000 đồng/vé. Hay như hai hành khách chờ đi Bắc Giang, giá vé giảm từ 50.000 đồng/lượt còn 47.000 đồng/lượt.

Tuy nhiên, một hành khách nữ khác đang ngồi chờ xe về huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết: Chúng tôi không được mua vé mà gửi tiền xe trực tiếp cho nhà xe Tiến Hồng với mức giá 50.000 đồng/lượt trong suốt 4 tháng gần đây. Đại diện bến xe Mỹ Đình thông tin: Hiện đã niêm yết tất cả các DN chưa giảm giá để người dân được biết. Trước tình trạng vẫn còn DN chưa giảm giá cước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Đề nghị thống kê các hãng chưa giảm giá báo cho chúng tôi biết để có biện pháp xử lý”.

Đại diện đơn vị chủ quản bến xe Mỹ Đình, TGĐ Tổng Cty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Phi Thường, báo cáo: 3 đơn vị kinh doanh vận tải của đơn vị đều giảm giá từ 8 đến 10%, còn đối với các DN kinh doanh có tuyến tại bến xe Mỹ Đình, vẫn còn một số đơn vị chưa giảm giá cước. “Với hơn 300 DN tại bến, có khoảng 90 DN chưa giảm giá”, ông Thường nói. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cung cấp thêm: Các đơn vị chức năng tại bến xe đã yêu cầu tất cả các nhà xe phải giảm giá. Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi, đến nay đã có khoảng 90% hãng đã giảm giá cước.

“Nếu hãng xe nào không giảm giá, dứt khoát phải có biện pháp. Xăng dầu giảm như vậy, vì sao lại không giảm giá được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vai trò của CSGT ở đâu?

Trước đó, trong buổi làm việc với Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề tình trạng nhồi nhét khách với đơn vị này. “Vai trò của quản lý trật tự, cảnh sát giao thông ở đâu. Không thể chấp nhận được cảnh nhồi nhét khách. Không được để tình trạng mất bò mới lo làm chuồng”, Phó Thủ tướng nói. Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cảnh sát Giao thông hứa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giảm tình trạng nói trên và cam kết sẽ giảm 5-10% các vụ tai nạn giao thông.

Liên quan đến tình trạng giao thông thủ đô Hà Nội tăng đột biến vài ngày qua, Trưởng phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (Công an TP Hà Nội) Đào Vịnh Thắng thừa nhận: Lưu lượng giao thông mấy ngày qua tăng đột biến, có lúc lên tới gấp 10 lần so với thiết kế của các tuyến đường cửa ngõ thành phố. Để đảm bảo người dân được về quê ăn Tết và lên thủ đô làm việc sau Tết cũng như các lễ hội, đơn vị này sẽ huy động 100% lực lượng công an, trật tự ra quân để đảm bảo người dân đi lại được an toàn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo:

“Nếu dân không có xe về, trước đây huy động xe giám đốc bến xe, năm nay huy động cả xe của tổng giám đốc đưa (dân) về quê ăn Tết”.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.