Mỗi người dân gánh 20 triệu đồng nợ công

Các khoản vay chủ yếu đầu tư vào hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế (ảnh đường cao tốc HN - Lào Cai). Ảnh: L.H.V.
Các khoản vay chủ yếu đầu tư vào hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế (ảnh đường cao tốc HN - Lào Cai). Ảnh: L.H.V.
TP - Theo đồng hồ báo nợ công toàn cầu (trên trang The Economist), mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ gần 1.000 USD và xu hướng tiếp tục tăng. Bộ Tài chính cho rằng, để kiểm soát nợ công không vượt ngưỡng an toàn, các bộ, ngành và địa phương cần rốt ráo, giám sát sử dụng các nguồn vốn vay có hiệu quả hơn.

Tháng 6, có số nợ công chính xác

Tính đến chiều 13/5, theo đồng hồ báo nợ toàn cầu The Economist, nợ công Việt Nam đang ở mức 89,29 tỷ USD. Với dân số ước tính 91 triệu người, tính ra, mỗi người dân đang gánh nợ 982,07 USD. Một năm trước, con số này là 81,18 tỷ USD và 897,84 USD. Nếu tính trên GDP, khoản nợ công này có xu hướng giảm. Hiện tại, nợ công đang chiếm 46,5% GDP, trong khi một năm trước là 47,8%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, The Economist dự đoán nợ công Việt Nam sẽ tăng lên 97,35 tỷ USD vào năm tới, tức mỗi người dân sẽ gánh nợ 1.065 USD. Tuy nhiên, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nên tổng nợ chỉ còn chiếm 45,2% GDP.

Theo con số từ Bộ Tài chính, ước tính nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 59,3% GDP, tức thấp hơn 1% so với dự báo hồi cuối năm trước. Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, con số này có thể thay đổi khi đối chiếu lại với các đối tác chủ nợ nước ngoài và điều chỉnh khi thực hiện kiểm toán. “Con số chính xác sẽ được công bố trong bản tin nợ công tiếp theo, dự kiến phát hành vào tháng 6 tới”, vị này nói. Nếu xét về ngưỡng trần nợ công/GDP, nợ công vẫn đang nằm trong phạm vi an toàn.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra cảnh báo, Việt Nam tiếp tục đối mặt rủi ro về nợ công, bởi thâm hụt ngân sách dự báo tăng trong năm nay. Giá dầu xuống thấp so với dự tính hay như thực hiện các cam kết của hiệp định thương mại Việt Nam phải cắt giảm, miễn nhiều khoản thuế sẽ tác động nhất định tới nguồn thu.

Trong khi đó, chi đầu tư được dự báo tăng (gần 20%) sau 2 năm giảm và chi thường xuyên cũng dự kiến tăng 10%. Ngân hàng này dự báo, nếu thu ngân sách thấp hơn dự toán, Chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Khi đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP.

Dùng nợ công vào đâu?

Phó Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Hoàng Hải cho hay: Có sự chênh lệch về con số nợ công như nói trên là do cách tính của từng tổ chức, từng nước. Một số nước không đưa khoản vay nội địa (vay ngân hàng, vay bảo hiểm xã hội…) vào danh mục nợ công. Với Việt Nam, các khoản vay đều được xem là nợ. Ngoài ra, khoản vay Chính phủ bảo lãnh cũng có quan niệm khác nhau. “Có nước xem khoản này là nợ công, có nước loại bỏ khỏi danh mục”, ông Hải cho hay.

Một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính áp dụng để tái cơ cấu lại nợ công là kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu, nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và đảo nợ.

Thực tế, bộ này đã giảm mạnh tỷ trọng và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu dài hạn (5-15 năm). Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm phát hành đã tăng từ 14% (năm 2013) lên 27% năm 2014, kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% lên 13% và loại kỳ hạn 15 năm tăng từ 2% lên 6%.

Thủ tướng Chính phủ mới đây có chỉ thị về việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2014, khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khoảng 627,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 15% GDP), tăng 20% so với năm trước đó. Trong đó, có đến 98% vốn vay chi cho các dự án kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…

Số tiền trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách tăng dần. Năm 2014, ngân sách chi 13,8% tổng thu để trả nợ, dự kiến tăng lên 16,1% trong năm 2015. Theo quy định, tỷ lệ này không được quá 25%.

MỚI - NÓNG