Những 'đại bàng' đang gãy cánh - Bài 3:

Nhà máy 12.000 tỷ, 4 năm lỗ 2.000 tỷ đồng

Khuôn viên nhà máy lênh láng nước, bùn than.
Khuôn viên nhà máy lênh láng nước, bùn than.
TP - Nhà máy Đạm Ninh Bình (Cty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) được đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng vừa đi vào hoạt động đã hỏng hóc, gây ô nhiễm môi trường. Tới nay, đã có 400/1.000 công nhân phải nghỉ việc. Nhà máy càng sản xuất càng lỗ và hiện đã lỗ luỹ kế lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Xả thải gây ô nhiễm

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, khởi công xây dựng từ năm 2008 và hoàn thiện đi vào hoạt động từ năm 2012 đặt tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình. Năm 2012, khi nhà máy đi vào hoạt động sản xuất đã để xảy ra tình trạng tràn nước và xả thải trộm ra sông Đáy. Thời điểm này, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Kết quả, chiều 17/10/2012, PC49 Công an tỉnh Ninh Bình bắt quả tang Nhà máy Đạm Ninh Bình dùng 5 vòi bơm nước thải ra sông Đáy, công suất mỗi vòi lên tới 1.000m3/giờ.

Xét nghiệm mẫu nước tại khu vực cá chết, bò chết cạnh Nhà máy Đạm Ninh Bình và xung quanh KCN Khánh Phú, có nhiều chất độc hại vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Đặc biệt chất amoni có lúc vượt từ 26 đến 1.030 lần mức cho phép. Tới ngày 6/5/2016, khi PV trở lại Nhà máy Đạm Ninh Bình, tình trạng, bùn, than nhơ nhớp, ngập nước vẫn tiếp tục xảy ra tại một số khu vực cùng với mùi hắc ngộp thở.

Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng trên, ông Vũ Văn Nhẫn – Tổng giám đốc Nhà máy đạm Ninh Bình cho rằng: “KCN hạ xuống 1,8m nên bị trũng, cứ mưa là nước tràn vào. Sự cố này từ ngày xưa của nhà thầu, lúc đó chúng tôi không phụ trách, khi chạy máy mới xảy ra hiện tượng này. Hiện toàn bộ nước của nhà máy đạm được bơm sang nhà máy xử lý nước Thành Nam để xử lý. Có tháng chúng tôi phải trả 1,8 tỷ đồng. Khi kiểm tra tốt hệ thống nước thải rồi chúng tôi chỉ phải trả 600-700 triệu đồng/tháng”.

Càng sản xuất càng… lỗ

Ông Nhẫn cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy Đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng lỗ thâm niên. Năm 2012, lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng; năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

Một cán bộ tỉnh Ninh Bình tiết lộ, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình rất lớn nhưng đóng góp cho các công trình phúc lợi xã hội của tỉnh không đáng kể, thậm chí vẫn còn nợ thuế đất. Vị cán bộ này nhận định, với tình trạng hoạt động như hiện nay, sớm, muộn nhà máy đạm cũng đóng cửa. Vị cán bộ chia sẻ, kể từ sự kiện bò chết quanh Nhà máy Đạm Ninh Bình vì ăn phải hóa chất độc hại, mỗi dịp doanh nhân đến làm việc hoặc điện thoại, họ cứ hỏi nửa đùa, nửa thật “tỉnh còn thịt bò bán không?” - vị cán bộ nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Thế (Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất) cho biết: Chi phí sản xuất quá cao, giá u- rê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty rất khó khăn. “Hiện hàng tồn kho khoảng 50.000 tấn cùng với đường ống cửa vào máy nén kích lạnh bị hỏng hóc nên tạm dừng hoạt động từ 20/3/2016. Những ống thủng nhập ngoại nhưng đều có đặc tính là bị mài mòn nên có cả lý do ăn mòn rồi trong khí có nhiều hợp chất” ông Thế nói.

Về việc này, ông Nhẫn cho rằng, nhiều chi tiết của Nhà máy Đạm Ninh Bình được nhập từ Trung Quốc, khi lắp đặt không đồng bộ gây ra tình trạng trục trặc khi hoạt động. Đặc biệt là hệ thống lò hơi, kể từ khi khởi động nhà máy tới nay liên tục hỏng hóc và thường xuyên phải sửa chữa. Dự kiến cuối tháng 5 này, khi đại tu thay thế một số thiết bị và vệ sinh sẽ đưa nhà máy hoạt động trở lại.

Theo ông Nhẫn, ngoài lượng sản phẩm tồn kho lớn, nhà máy còn gặp khó khăn trước các tác động từ thị trường tiêu thụ, kết hợp với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên càng sản xuất càng thua lỗ. Mỗi lần khởi động lại nhà máy sẽ tốn khoảng 2 đến 5 tỷ đồng tùy thuộc vào từng trạng thái. Nếu dừng lâu như hiện nay, khi khởi động lại sẽ tốn trên 10 tỷ đồng.  Ông Nguyễn Gia Thế chia sẻ thêm, tính toán ban đầu nhà máy lỗ trong 3 năm đầu, bây giờ là năm thứ tư, lỗ vượt quá so với tính toán.

“Trước khi cho công nhân nghỉ, Ban lãnh đạo đã làm việc với người lao động, trên tinh thần chia sẻ, đã có 400 công nhân tự nguyện ký vào đơn nghỉ việc tạm thời hưởng mức lương tối thiểu vùng 3,1 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy đạm cam kết sẽ nhận công nhân quay trở lại làm việc ở vị trí trước khi nghỉ tạm và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của người lao động” - ông Nhẫn giải thích về việc cho hàng loạt công nhân nghỉ việc.

Lên phương án xử lý Dự án Gang thép Thái Nguyên

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Dự án).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương: thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện Dự án, trong đó có phương án bán Dự án, phương án bán Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư Dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý đối với Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/7/2016. 

Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.