Xăng dầu giảm, cước vận tải 'lặng thinh': Cơ quan quản lý bất lực?

Ảnh: Ngọc Châu, đồ họa Trung Dũng.
Ảnh: Ngọc Châu, đồ họa Trung Dũng.
TP - Giá xăng giảm sâu kỷ lục tới hơn 30%, Bộ Tài chính liên tiếp yêu cầu tăng cường “quản” chặt giá cước vận tải nhưng đáp lại, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ… lặng thinh hoặc giảm giá “nhỏ giọt”. Giá hàng hóa vận chuyển cũng chây ì không giảm. Không có chế tài xử lý “phạt”, Sở Tài chính các địa phương  loay hoay, lúng túng.

Chây ì cước vận chuyển

Những ngày cuối năm, xe tải chở hàng tấp nập đổ bộ tại chợ đầu mối Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các mặt hàng đồ khô phục vụ Tết như: măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... trong bao tải ngổn ngang chờ bốc xếp. Anh Bùi Sơn, chủ hàng đồ khô đang kiểm đếm hàng chia sẻ: “Tôi chuyên nhập hàng khô từ Hải Dương lên. Giá cước tính 1,2 triệu đồng/chuyến. Khi giá xăng tăng lập tức cánh lái xe tăng  giá vận chuyển nhưng nay xăng giảm, họ nhất định không chịu giảm”.

Anh Sơn tính toán, với mức giảm giá xăng so với thời kỳ cao, mỗi chuyến lái xe đang lãi gần 100.000 đồng tiền xăng. “Họ lấy cớ là do hiện nay nhiều trạm thu phí nên bù tiền lãi xăng vào và không giảm giá cước. Vì vậy, giá  hàng khô Tết cũng sẽ không giảm”.

Chị Đỗ Hường, chủ quầy hàng bán bánh kẹo, mứt Tết cho hay: “Tôi thường nhập hàng từ Móng Cái xuống. Mỗi chuyến hàng có giá cước 3,5 triệu đồng/1tấn hàng. Hàng phải có giấy tờ đầy đủ lái xe mới chở. Nếu so với thời cuối năm ngoài, lái xe đang “lãi” thêm gần 300.000 đồng tiền xăng/chuyến”.

Tại chợ hoa quả đầu mối Long Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Hồng, một chủ sạp bán buôn cho hay  hoa quả này chủ yếu nhập từ Lạng Sơn rồi chuyển đi các tỉnh. Với xe tải 2 tấn, giá cước hơn 4 triệu đồng/lượt từ Lạng Sơn về Hà Nội, xe tải 1 tấn có giá cước 2,5 triệu đồng/lượt. “Cuối năm ngoái, giá xăng cao, lái xe đua nhau tăng giá cước trong khi giá hàng hóa không dám tăng vì sợ mất mối hàng.

“Năm nay, giá xăng giảm, giá cước vẫn chây ì. Lái xe năm nay thắng lớn vì hàng nhiều, lãi vài trăm nghìn đồng tiền xăng mỗi chuyến”- cô Hồng nói. Theo cô Hồng, giá mỗi thùng táo, lê, cam... có nguồn gốc Trung Quốc vẫn giữ nguyên không giảm. “Cuối năm, hàng ít nên chỉ có tăng chứ không giảm. Nếu giá cước có giảm thì chúng tôi sẽ cân nhắc giảm giá bán buôn”, cô Hồng nói.

Xăng dầu giảm, cước vận tải 'lặng thinh': Cơ quan quản lý bất lực? ảnh 1

Sau nhiều lần giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm nhỏ giọt. Ảnh: Như Ý.

Giảm chiếu lệ

Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sau lần giá xăng giảm kỷ lục, hơn 2.000 đồng/lít vào ngày 22/12/2014, đến nay, mới có 6 hãng taxi là Mai Linh, Thanh Nga, Tiến Thành, Anh Ngọc, Xuân Thành, Hoàng Gia và 4 doanh nghiệp vận tải khách (Hòa Bình, Thăng Long, Lạc Đà, Hồng Hà) tiếp tục giảm giá cước. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ đăng ký giảm cước những lần trước đó. Chính vì thế, biên độ giảm giá cước giữa các hãng taxi tại Hà Nội cho đến nay khá rộng, từ 5-15%. Trong khi đó, hiện Hà Nội, có 110 hãng taxi và hàng trăm doanh nghiệp vận tải khách.

Ông Nguyễn Tất Thành – GĐ Bến xe Giáp Bát cho biết, tính từ đầu tháng 12/2014 đến nay, có 30/100 doanh nghiệp vận tải bến giảm giá cước; mức giảm từ 3 - 12%. Theo ông Thành, mức giảm này là không nhiều; có những đơn vị giảm “cho có” như Cty vận tải Vân Nam chạy tuyến Hà Nội - Phú Thọ giảm 2.000 đồng vé (từ 60.000 đồng xuống còn 58.000 đồng).

Tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), khoảng 150 trên tổng số 200 DN vận tải đã đăng ký giảm giá, mức giảm chỉ khoảng 5 -10%. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - PGĐ bến xe,  mức giảm theo cảm quan là chưa nhiều nhưng không có thước đo để đánh giá chính xác.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu xăng dầu chiếm từ 40- 50% chi phí vận tải. Có nghĩa khi xăng dầu giảm khoảng 1/3 như nói trên, cước vận tải cũng phải giảm từ 12 -15% mới hợp lý. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về kết quả kiểm tra tại ba địa bàn trọng điểm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy: Các doanh nghiệp vận tải chỉ mới kê khai giảm giá từ 2-10%.

Ông Tuấn cho rằng, cách Bộ GTVT và Bộ Tài chính tổ chức các đoàn kiểm tra như hiện nay chỉ mang tính khuyến khích các DN giảm giá vì giá cước vận tải đã vận hành theo cơ chế thị trường. Và với số lượng hàng nghìn DN vận tải hiện nay, việc kiểm tra, vận động không thể hết được. Ông Tuấn hiến kế: Các cơ quan chức năng cần khảo sát và đưa ra mức giá hợp lý/km đối với các loại chất lượng dịch vụ vận tải, trên các cung đường khác nhau. “Từ giá chung đó, các doanh nghiệp và người dân mới có cơ sở để đối chiếu. Trên cơ sở giá trung bình, nếu DN nào để giá cao, xã hội, người tiêu dùng mới có thể lựa chọn” – ông Tuấn nói.

Thông tin từ Vụ Vận tải – Bộ GTVT cho hay, dù Bộ trưởng GTVT có đề nghị các Sở GTVT báo cáo về tình hình giá cước về Bộ này trước ngày 4/1. Tuy nhiên, đến nay, số tỉnh gửi báo cáo về còn rất ít và Vụ này cũng chưa có báo cáo tổng hợp.  Tin từ Bộ GTVT cho hay,  Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ra văn bản yêu cầu một số Cục, Vụ liên quan “đi cơ sở” để nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp.

Chưa có chế tài

Xăng dầu giảm giá mạnh trong nửa năm qua, hơn 31%, từ mức cao nhất 25.640 đồng/lít (xăng RON 92) ngày 28/07/2014 xuống còn 17.570 đồng/lít hôm 06/01/2015.

“Không có luật nào yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá ngay mà theo quy trình quản lý giá. Trên cơ sở biến động giảm yếu tố đầu vào, các cơ quan quản lý mới có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại”.  

Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Một ngày sau khi xăng dầu giảm sâu kỷ lục, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 23/12 gửi Bộ GTVT, các UBND địa phương yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán, kê khai lại giá cước hợp với xu hướng giảm giá xăng dầu. Hiện có một số tỉnh báo cáo đã gửi văn bản yêu cầu các DN vận tải kê khai lại giá, một số địa phương đưa ra hạn chót ngày 15/1 phải kê khai lại giá, còn một số địa phương chưa thấy phản hồi. “Sau hạn đó, Sở Tài chính cùng Sở GTVT có 5 ngày rà soát lại kê khai giá của doanh nghiệp rồi mới hình thành mức giá mới”, ông Tuấn nói.

Cục quản lý giá có tính xử lý DN vận tải “chây ì” không giảm giá cước, hoặc chỉ giảm  lấy lệ không? Theo ông Tuấn không thể yêu cầu doanh nghiệp giảm giá, bởi giá cước vận tải hình thành theo diễn biến thị trường. Cục Quản lý giá đang tổng hợp các báo cáo của các địa phương gửi về theo tinh thần văn bản của Bộ ra ngày 23/12. Một số địa phương như Ninh Thuận, Hà Nội, Sơn La, Bình Định, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Hải Phòng đã yêu cầu kê khai lại giá.

Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai Nguyễn Dũng cho biết: Sở đã triển khai  quyết liệt phối hợp với các cơ quan địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra yêu cầu xác minh lại giá cước, niêm yết giá công khai. Tuy nhiên, không có khung giá chung cho loại hình giá cước vận tải, có đơn vị giảm nhiều, đơn vị giảm ít. “Các quy định chỉ nói đến tăng giá, còn giá giảm thì chưa có chế tài cụ thể. Một số trường hợp rất khó thực hiện. Hiện Sở Tài chính Gia Lai chỉ mới có biện pháp đề nghị sang Sở GTVT không cho các hãng vi phạm tăng thêm số lượng xe, hay mở rộng địa bàn kinh doanh”, ông Dũng nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Tài chính Sơn La cho rằng: Thực tế, quản lý giá cước vận tải là bài toán khó. Hiện chưa có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vận tải. Trên địa bàn các tuyến cố định đường dài, có một số giải pháp cứng rắn được đưa ra như cấm tuyến, phối hợp với các cơ quan công an, thanh tra giao thông xử phạt. “Từ giờ tới Tết, Sở sẽ tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên để có phương hướng quản lý tốt hơn”, ông Chương nói. Tại Sơn La, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn mới chỉ kê khai giảm 3-7%.

TPHCM: Giảm nhỏ giọt

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết taxi Mai Linh đã giảm giá cước 500 đồng/km. Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, hầu hết các thành viên hiệp hội đều quyết định giảm cước taxi với mức 500 đồng/km. Trước đó, sau nhiều lần giá xăng dầu giảm mạnh, các hãng taxi tại TPHCM giảm giá cước với mức giảm 500 - 2.000 đồng trên mỗi km. Theo thông tin từ lãnh đạo bến xe miền Đông, sau thời gian dài “nói không”, hiện có trên 100 doanh nghiệp vận tải tại bến xe thông báo giảm giá cước từ 5 -10%.

 Phạm Lê Thư

MỚI - NÓNG