“Đạo chích” ngoại tung hoành!

“Đạo chích” ngoại tung hoành!
Năm hết, tết đến dân “đạo chích” cũng tranh thủ “hành nghề”. Không chỉ “đạo chích” bản địa hoành hành, “đạo chích” ngoại cũng tích cực tham gia.

Chỉ trong một tháng gần đây, Công an TP.HCM đã ghi nhận gần 350 vụ trộm cắp tài sản (tăng hơn 16% so với tháng trước), trong số đó có cả người nước ngoài tham gia.

Hầu hết vụ trộm do người nước ngoài thực hiện đều theo hai hình thức “chẻ tiền” - tức giả mua hàng hoặc đổi tiền lẻ để tranh thủ “rút ruột”.

Hình thức thứ hai khá công phu là trộm tiền, lừa đảo với số lượng hàng chục, hàng trăm ngàn đôla bằng cách lập tài khoản bằng hộ chiếu giả, lừa rút tiền từ nước ngoài qua ngân hàng tại VN.

“Chẻ tiền” như xiếc

Đầu tháng 1-2009, tại cây xăng Bình Khánh (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM), ba người đàn ông nước ngoài trong bộ dạng lịch sự dừng xe bốn chỗ hỏi đường. Anh N.V.B. (44 tuổi, nhân viên bán xăng) không biết ngoại ngữ, chỉ đi chỗ khác hỏi thì một trong số ba người rút tờ 500.000 đồng đưa cho anh B. ý như muốn đổi tiền lẻ.

Chưa kịp hiểu chuyện gì, một người nước ngoài giật xấp tiền anh B. cầm trên tay để chọn. Những cử chỉ lạ và một loạt tiếng nước ngoài được nhóm này tuôn ra khiến anh B. không biết họ đang làm gì, muốn gì.

Vài chục giây sau, người đàn ông nước ngoài trả lại cọc tiền, “thank you” rối rít và lên xe đi mất. Bình tĩnh lại, anh B. lấy tiền ra đếm, hơn 3 triệu đồng “không cánh mà bay”.

Cùng thời gian, tại huyện Nhà Bè, một vị khách ngoại quốc khác dùng tờ tiền 50.000 đồng mua táo với giá 20.000 đồng. Được chủ hàng trả lại 30.000 đồng nhưng vị khách này không chịu, giật lấy túi tiền của chủ hàng để... chọn tiền. Vị khách đi khỏi, chủ hàng đếm tiền lại, thấy thiếu gần 2 triệu đồng.

Tương tự, với hình thức giả đổi tiền lẻ, hai vị khách người Thổ Nhĩ Kỳ tên Mol Meh Met (43 tuổi) và Yahisi Selim (45 tuổi) đã “chẻ” được 9 triệu đồng khi vào “đổi tiền” tại một cửa hàng bán gạo ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Một cán bộ điều tra của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP.HCM kể lại vị cán bộ này đã yêu cầu một đối tượng bị bắt thực hiện “chẻ tiền”. Trước sự chứng kiến của khá nhiều người, không ai thấy “hành vi lạ” nào của đối tượng nhưng khi vị cán bộ kiểm lại xấp tiền thì một số tờ đã biến mất.

“Ngay trong phòng, có nhiều người mà không ai thấy “ông trộm ngoại” này ra tay thế nào thì dân thường làm sao phát hiện” - vị cán bộ nói. Theo đánh giá của một cán bộ điều tra khác, những trộm ngoại “chẻ tiền” đều là những tay trộm chuyên nghiệp, hành nghề lâu năm ở nước ngoài.

Trong năm 2008, theo PV Tuổi Trẻ nắm được, có bốn vụ người nước ngoài dùng hộ chiếu giả rút tiền tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP.HCM bị phát hiện. Thủ đoạn chung là các đối tượng người nước ngoài dùng hộ chiếu giả lập tài khoản, sau đó lừa đảo hoặc trộm cắp thông tin cá nhân, tổ chức ở nước ngoài để gửi số tiền từ vài chục tới vài trăm ngàn đôla Mỹ, Úc, hay euro vào tài khoản và rút tiền tại VN.

Mới đây nhất, PC14 TP.HCM đã có kết luận điều tra một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức này. Theo bản kết luận điều tra, Nzinga Dongard Jean (34 tuổi, quốc tịch Pháp) nhập cảnh vào VN sau đó dùng hộ chiếu giả mang tên Stanilas Debreu để lập tài khoản, đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của chủ tài khoản thật, rút thành công 50.000 euro tại một ngân hàng ở Q.1. Sau khi ngân hàng tại nước ngoài phát hiện giao dịch này là giả báo cho phía VN biết thì Nzinga Dongard Jean đã cao chạy xa bay.

Rời khỏi VN ít ngày, Nzinga Dongard Jean quay trở lại, lần này vẫn với tên Stanilas Debreu lập tài khoản tại một ngân hàng khác ở Q.10, đang thực hiện một lệnh chuyển 79.000 euro từ chủ tài khoản ở nước ngoài sang VN thì bị phát hiện, bắt giữ.

Nhận diện và cách phòng ngừa

Thượng tá Nguyễn Văn Anh - trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA18) Công an TP.HCM - cho biết các đối tượng là người nước ngoài trộm theo hình thức “chẻ tiền” bị phát hiện nhiều nhất là người Trung Á, chủ yếu mang quốc tịch Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, tiếp theo là người gốc Phi với các quốc tịch Nigeria, Congo, cuối cùng là Trung Quốc.

Cẩn thận với “trộm ta” trong dịp tết

Nhiều cán bộ có kinh nghiệm trong phòng chống tội phạm dự báo đêm 30 tết người dân tập trung ở các khu vực trung tâm coi bắn pháo hoa, đón giao thừa là thời cơ của dân “hai ngón” (dân móc túi chuyên nghiệp) tung hoành.

Những ngày sau đó, khi nhiều người mải mê đi chúc tết, đi chơi tết là cơ hội để dân nhập nha “đập hộp” (trộm đột nhập vào nhà) và “đua nóng” (trộm cắp xe gắn máy ngoài đường, bãi giữ xe...) tăng cường hoạt động. Vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác.

Trong hầu hết các vụ trộm do người nước ngoài thực hiện được Công an TP.HCM ghi nhận, cách làm chung nhất của các đối tượng là đi từ hai người trở lên, có phương tiện, vào mua hàng giá trị nhỏ, đưa ra số tiền lớn hoặc nhờ đổi tiền chẵn, ngoại tệ, sau đó giật tiền trên tay khổ chủ, thậm chí thò cả vào túi, tủ đựng tiền để... chọn tiền. Trong khi chọn tiền, các đối tượng làm khổ chủ mất tập trung và nhân đó trộm tiền.

Trước đây vài năm, các tay “trộm ngoại” hoạt động tập trung ở khu trung tâm TP.HCM như Q.1, Q.3, Q.5, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, người dân không cho “sống chui” trong khu vực này thì địa bàn hoạt động được mở rộng ra khu ngoại thành và các tỉnh thành khác.

Thượng tá Nguyễn Văn Anh cũng cảnh báo khi có người nước ngoài vào giao dịch, không nên cầm nhiều tiền trên tay, không để họ lại gần nơi cất giữ tiền. Người bình thường có văn hóa không bao giờ thò tay vào nơi đựng tiền của chủ hàng hay giật tiền trên tay họ.

Vì vậy, ngay khi thấy người nước ngoài có hành vi này, người dân cần giữ lại và báo cơ quan chức năng để giải quyết. Với các loại hình tội phạm công nghệ cao như dùng hộ chiếu giả lập tài khoản rút tiền, điều quan trọng là hệ thống an ninh liên ngân hàng giữa các quốc gia phải được đảm bảo. Sự tinh ý, nhanh nhạy của nhân viên giao dịch cũng góp phần quan trọng làm giảm thiểu thiệt hại do loại tội phạm này gây ra.

Khó khăn trong điều tra, truy tố

Một cán bộ điều tra của PC14 cho biết hầu hết các vụ trộm do người nước ngoài thực hiện đều không bắt được quả tang. Chỉ khi các đối tượng đã thực hiện xong hành vi, đi khỏi, khổ chủ mới phát hiện mình mất tiền.

Thậm chí, nạn nhân chỉ nghi ngờ là bị trộm chứ cũng không xác định chính xác hành vi trộm của đối tượng. Khi bắt được các “trộm ngoại” này, tính quả tang cũng mất đi, tang vật hoặc bị vứt bỏ hoặc không xác định được có trong người đối tượng nên thiếu chứng cứ.

Đối với các đối tượng được giao về cơ quan chức năng địa phương, do không hiểu ngoại ngữ nên công tác lấy lời khai ban đầu bị trở ngại. Tới khi trưng cầu được phiên dịch viên, các đối tượng đã có thời gian để chuẩn bị các biện pháp đối phó.

Những vụ việc có bằng chứng, chứng cứ chuyển về cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng hầu hết là tội phạm chuyên nghiệp từ nước ngoài, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra. Do là tội phạm chuyên nghiệp, hầu hết các đối tượng bị bắt đưa về PC14 đều nhất quyết không khai đồng bọn, thủ đoạn phạm tội nên cũng rất khó chứng minh hành vi phạm tội.

Theo Phạm Minh Đức
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG