Nhiều khuất tất khi đưa gạo cứu đói đến dân

Chủ nhân của ngôi nhà này cũng không được nhận gạo cứu đói
Chủ nhân của ngôi nhà này cũng không được nhận gạo cứu đói
TP - Như Tiền Phong đã thông tin, trong 1.000 tấn gạo của Chính phủ cấp cho Quảng Bình mới đây, huyện Minh Hóa được tỉnh phân bổ 510 tấn. Tuy nhiên việc đưa gạo cứu đói đến dân ở huyện này có nhiều khuất tất.

>> Kỳ 1: Quái chiêu dùng người

>> Kỳ 2:Nhập nhèm đất cát

Chủ nhân của ngôi nhà này cũng không được nhận gạo cứu đói
Chủ nhân của ngôi nhà này cũng không được nhận gạo cứu đói.


Công bộc của dân cũng xí phần

Ở Hồng Hóa, theo phản ánh, xã này cũng cấp gạo cho nhiều hộ không nằm trong diện “nông dân, hộ nghèo, cận nghèo và những hộ có rủi ro bất khả kháng” như chỉ tiêu cứu đói đặt ra. Trong danh sách nhận gạo của thôn Văn Hóa 1, có tên của ông Đinh Duy Khánh (cán bộ tư pháp xã Hồng Hóa) nhận 37,6kg gạo trong khi vợ ông Khánh cũng có lương và vợ chồng chỉ nuôi 1 con nhỏ.

Khi PV chất vấn về trường hợp ông Khánh, lúc đầu ông Cao Viễn Binh - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa, khẳng định: “Làm gì có! Chúng tôi công khai, dân chủ cho dân họp bàn bạc, bình xét dưới thôn và thực hiện đúng với hướng dẫn của huyện”. Tuy nhiên, khi PV đưa ra những chứng cứ thu thập được thì ông Binh lại thay đổi và cho rằng thôn đã làm sai.

Trong danh sách nhận gạo cứu đói của xã Hồng Hóa, chúng tôi phát hiện tên của nhiều cán bộ xã, nhưng ông Binh khẳng định đó là tên của dân. Tuy nhiên, mặt ông Binh biến sắc khi chúng tôi yêu cầu dẫn về hộ ông Cao Văn Hoan (trong danh sách nhận gạo). Cuối cùng ông Binh thừa nhận: “Đó là gia đình chủ tịch xã”.

Khuất tất sau chỉ tiêu phân bổ gạo

Việc phân bổ gạo về các địa phương ở Minh Hóa cũng có dấu hiệu thiếu minh bạch. Mặc dù là huyện nghèo, nhưng thị trấn Quy Đạt so với các xã khác trong huyện vẫn là nơi dân có đời sống khá giả hơn lại được phân bổ 71 tấn gạo (nhiều nhất huyện). Hồng Hóa cũng vậy, vẫn là xã được cấp lượng gạo lớn (57 tấn). Trong lúc đó, nhiều xã khác, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đông, khó khăn gấp bội lại được phân bổ ít hơn.

Đơn cử, xã Tân Hóa, được xem là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Minh Hóa - nơi thương xuyên xảy ra thiên tai, 100% làm nông nghiệp, có hơn 3.000 dân (gần bằng số dân Hồng Hóa) nhưng chỉ nhận được 9 tấn gạo cứu đói và mỗi khẩu chỉ được 15kg gạo.

Ngoài ra, theo tính toán của chúng tôi thì số khẩu thiếu đói trình lên và lượng gạo phân bổ về có sự chênh lệch lớn. Thị trấn Quy Đạt được phân bổ 71 tấn gạo, mỗi khẩu được chia 18kg gạo. Với 3.390 khẩu được đề nghị thì thị trấn Quy Đạt cũng chỉ mới chia hết 61.020kg và còn dư 9.980kg.

Trong vòng 3 năm lại đây, hầu hết các đợt cứu trợ do thiên tai, bão lũ ở Quảng Bình đều bị xà xẻo. Hầu hết các vụ xà xẻo trên địa bàn đều do người dân phản ánh và báo chí phanh phui. 

Tương tự, xã Hồng Hóa được phân bổ 57 tấn gạo, đưa chia bình quân mỗi khẩu 18,8kg thì với 2.720 khẩu thiếu đói mà xã này đề nghị vẫn còn thừa gần chục tấn gạo.

Giải thích về số gạo bị thừa mà nay không còn trong kho, lãnh đạo 2 địa phương là thị trấn Quy Đạt và xã Hồng Hóa, đều cho rằng: “Chúng tôi đã chia thêm ngoài danh sách đề nghị và chi phí cho vận chuyển”(?).

Ông Trần Hữu Diện – Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Việc phân bổ gạo cứu đói của Chính phủ là do các địa phương đề nghị lên. Khi được hỏi: Lãnh đạo huyện không nắm được tình hình thiếu đói của dân, sao lại chỉ nghe một chiều theo cơ sở? Ông Diện trả lời: “Chúng tôi biết cả chứ! Chúng tôi đã bàn bạc kỹ trong tập thể lãnh đạo nhưng không thể bớt của họ. Như thị trấn Quy Đạt chẳng hạn, chúng tôi biết và yêu cầu họ rút bớt danh sách nhận gạo nhưng họ không chịu”.

MỚI - NÓNG