Nhảy múa với luật?

Nhảy múa với luật?
TP - Tiền Phong ra ngày 4-12-2010 có bài Nữ hoàng án treo, phản ánh việc thẩm phán Trần Thị Thu Nam ở TAND quận Ba Đình (Hà Nội) xét xử hàng loạt vụ án cho bị cáo hưởng án treo. Việc áp dụng pháp luật của thẩm phán Nam còn rất nhiều điều đáng bàn.
Nhảy múa với luật? ảnh 1

Thích treo thì treo

Trong các vụ án thẩm phán Trần Thị Thu Nam cho bị cáo hưởng án treo, nhiều bị cáo đã có tiền án, tiền sự. Một số ví dụ: Vụ án xử ngày 5-2-2010, bị cáo Nguyễn Hồng Thắng có tiền án, vẫn được cho hưởng án treo về tội “đánh bạc”;

Vụ án xử ngày 25-3-2010, bị cáo Ngô Thị Bạch Vân có tiền sự, được hưởng tù treo về tội “tổ chức đánh bạc”; Vụ án xử ngày 29-4-2010, các bị cáo Trần Văn Hải, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Châu đều có tiền án, tiền sự, cũng đều được hưởng tù treo về tội “đánh bạc”…

TAND Tối cao quy định, chỉ cho bị cáo hưởng án treo nếu “Có nhân thân tốt, được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật”; “Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Trong các ví dụ vừa nêu, tiền án, tiền sự của các bị cáo đã hết thời hiệu, song điều đó không thể là căn cứ để nhận định họ “có nhân thân tốt”. Tội phạm cờ bạc đang diễn biến phức tạp, nên cũng không có căn cứ để nhận định không cách ly họ khỏi đời sống xã hội “không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm”.

Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định, cho bị cáo có tiền án, tiền sự (tuy đã hết thời hiệu) hưởng án treo là không đúng quy định pháp luật.

Thích giam thì giam

Ngày 17-8-2010, thẩm phán Nam mở toà xử bị cáo Nguyễn Văn Tuấn bị truy tố về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 140 BLHS (tội phạm ít nghiêm trọng). Bản án nhận định “bị cáo khai báo thành khẩn”; “khi phạm tội còn chưa thành niên”; “đại diện hợp pháp của bị cáo đã bồi thường cho bị hại”…

Có nhiều tình tiết giảm nhẹ, song Tuấn không được hưởng án treo. Thẩm phán Nam tuyên phạt Tuấn 5 tháng tù giam, với lý do “nhân thân của bị cáo có 01 tiền sự mới bị xử lý hành chính ngày 7-2-2009”, “cần áp dụng hình phạt tù giam mới có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và đấu tranh phòng ngừa chung”.

Nhận định về nhân thân bị cáo Tuấn như vậy chưa đúng quy định pháp luật. Tuấn sinh ngày 11-3-1993, khi bị xử lý hành chính ngày 7-2-2009, Tuấn mới 15 tuổi 10 tháng 26 ngày (chưa đủ 16 tuổi).

Theo quy định tại khoản 6 Điều 69 BLHS, hành vi vi phạm pháp luật của Tuấn tại phiên toà do thẩm phán Nam xét xử không bị coi là tái phạm, Tuấn hoàn toàn có thể được hưởng án treo, thay vì bị tù giam.

Thích thu thì thu

Trong các vụ án thẩm phán Nam xét xử, có nhiều vụ xử lý vật chứng chưa đúng quy định pháp luật.

Ví dụ, phiên toà ngày 13-8-2010, thẩm phán Nam tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Ninh 3 năm tù. Phần xử lý vật chứng, thẩm phán áp dụng Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) tuyên “tịch thu sung quỹ 1 chiếc điện thoại di động”; “tịch thu sung quỹ 600.000đ”.

Chiếc máy điện thoại và số tiền trên, CQĐT thu giữ khi bắt Ninh, song hồ sơ không thể hiện đó là “công cụ, phương tiện phạm tội” hoặc “do phạm tội mà có”; nhiều chuyên gia pháp luật nhận định không thể áp dụng điều luật đã nêu để thu, mà cần trả các tài sản này cho bị cáo.

Có thể nêu thêm hàng loạt ví dụ tương tự: Vụ án xử ngày 27-4-2010, thẩm phán Nam tuyên thu của bị cáo Hoàng Thị Thúy 2 điện thoại di động; vụ án xử ngày 19-7-2010, thẩm phán Nam thu của bị cáo Trần Ngọc Hùng 1 điện thoại di động và 500.000đ; vụ án xử ngày 22-7-2010, thẩm phán Nam thu của bị cáo Nguyễn Thị Nga 100.000đ; vụ án xử ngày16-8-2010, thẩm phán Nam thu của bị cáo Hứa Tuấn Anh 250.000đ; vụ án xử ngày 21-9-2010, thẩm phán Nam thu của bị cáo Tạ Duy Tường 26.000đ…

Thích trả thì trả

Phiên toà mở ngày 11-8-2010, thẩm phán Nam tuyên phạt bị cáo Đặng Xuân Chiến 3 năm tù về tội “cướp giật tài sản”, nhưng lại tuyên “trả cho bị cáo 1 chiếc xe máy”.

Theo hồ sơ, chiều 5-4-2010, Chiến tháo biển kiểm soát chiếc xe máy này, giấu dưới cốp, phóng lượn lờ các phố. Đến phố Trấn Vũ, thấy một phụ nữ cổ đeo dây chuyền vàng, Chiến áp sát, giật rồi chạy, bị Công an phường Quán Thánh tóm gọn.

Giấy đăng ký xe máy ghi tên Chiến. Hoàn toàn có căn cứ để nhận định Chiến đã sử dụng tài sản do mình sở hữu làm phương tiện phạm tội; theo quy định của BLHS và BLTTHS, chiếc xe phải bị tịch thu sung công quỹ.

Vì sao thẩm phán Nam trả xe cho Chiến? Bản án nhận định: “Bị cáo khai đây là tài sản và phương tiện duy nhất của cả gia đình, bố mẹ bị cáo bỏ tiền ra mua sau đó cho bị cáo đứng tên đăng ký chứ không cho bị cáo toàn quyền sở hữu…”;

“HĐXX nhận thấy, trả lại chiếc xe này cho gia đình bị cáo, nhưng do bị cáo đứng tên trong đăng ký xe máy nên tuyên trả cho bị cáo là phù hợp với quy định pháp luật”. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc trả chiếc xe máy cho bị cáo trong vụ án này không phù hợp bất cứ quy định nào của pháp luật.

Thích nhẹ thì… nhẹ

Bị cáo Lê Toàn Khoa đã có hai tiền án: Ngày 30-9-1998, bị phạt 15 tháng tù treo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ngày 18-11-1999, bị phạt tiếp 10 năm tù về tội “cướp tài sản”. Mãn tù 23-9-2009, đến 24-6-2010 Khoa bị bắt tiếp do “tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Theo Điều 49 BLHS, hành vi của Khoa trong vụ án thứ hai là “tái phạm”, trong vụ thứ ba là “tái phạm nguy hiểm”.

Tại phiên toà ngày 27-10-2010, thẩm phán Nam bỏ qua tình tiết “tái phạm nguy hiểm”; thay vì khoản 2 (từ 7 đến 15 năm tù), thẩm phán Nam áp dụng khoản 1 Điều 194 BLHS, tuyên phạt Khoa chỉ 3 năm tù.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG