Voi vẫn lọt lỗ kim

Voi vẫn lọt lỗ kim
TP - Việc 'cắt ngọn' một số công trình xây dựng vi phạm dường như vẫn chưa thể giúp cho Hà Nội lập lại được kỷ cương trật tự xây dựng đô thị, khi mà gần đây tình trạng nhiều công trình không phép, sai phép có chiều hướng gia tăng.
Chung cư xây dựng không phép ở phường Hoàng LIệt
Chung cư xây dựng không phép ở phường Hoàng LIệt.

Chung cư không phép

Tại ngõ 83 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), một dự án đang trong quá trình chuyển đổi từ việc chỉ được xây trụ sở và văn phòng giới thiệu sản phẩm sang xây dựng chung cư cao tầng. Song theo tìm hiểu của PV, thực chất đây là một chung cư xây dựng không phép, và hiện các căn hộ ở đây đã được rao bán dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Các ban, ngành đã có nhiều lần yêu cầu ngừng thi công công trình khi chưa có giấy phép. UBND phường Hoàng Liệt lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng. Tiếp đến, quyết định đình chỉ thi công và cưỡng chế công trình do Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt ban hành.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên tiếp thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm về chuyển nhượng dự án, xây dựng không phép của dự án. Tuy nhiên, trong khi đoàn liên ngành đang thanh tra và có hàng loạt các văn bản xử lý sai phạm được đưa ra, chủ đầu tư tòa chung cư này vẫn nhanh chóng xây lên tầng 8 và chưa có dấu hiệu tạm dừng.

Cấp phép tòa nhà 9 tầng - Đơn vị tham mưu nói không biết?

Đống Đa là quận từng cắt ngọn công trình 17 tầng số 9 Đào Duy Anh và xử lý một số cán bộ liên quan năm 2007, cũng đang xảy ra việc công trình xây dựng số 28 đường Đê La Thành (phường Thổ Quan) xây trái phép cao tới 10 tầng.

Có khuất tất xung quanh việc cấp phép của công trình này. Làm việc với UBND phường Thổ Quan, chúng tôi được cán bộ phường cung cấp giấy phép xây dựng số 091453/GPXD, do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa - Trần Việt Trung ký, cấp cho công trình số 28 đường Đê La Thành, được xây dựng 9 tầng, 1 tum trên diện tích đất hơn 300m2. Tuy nhiên, làm việc với PV, ông Lê Trọng Ngọ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa tỏ ra ngạc nhiên.

“Công trình này thuộc thẩm quyền cấp phép của quận và tôi khẳng định phòng chưa tiếp nhận hồ sơ cấp phép cho công trình trên thì làm sao làm thủ tục để trình lãnh đạo quận cấp phép xây dựng được. Bởi theo quy trình chủ đầu tư nộp hồ sơ ở phòng một cửa rồi chuyển lên Phòng quản lý đô thị của chúng tôi. Nếu đủ điều kiện, lãnh đạo phòng ký nháy rồi trình lãnh đạo quận cấp phép”-Ông Ngọ nói.

Như vậy, phải chăng giấy phép xây dựng mà UBND phường Thổ Quan cung cấp là giấy phép giả? Hoặc nó đã được ra đời bằng một quy trình khác?

Đề cập về việc xuất hiện nhiều công trình xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói:

“Dù đã phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho các lực lượng, nhưng hiện chính quyền ở một số địa phương vẫn buông lỏng quản lý xây dựng. Họ chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền, cá biệt có trường hợp bao che, dung túng cho hành vi sai phạm, trục lợi cá nhân, dẫn đến việc tồn tại các công trình sai phép, không phép gây bức xúc dư luận”.

Phạt hàng nghìn trường hợp xây dựng sai phép

Theo Sở Xây dựng, năm 2010, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đã kiểm tra gần 21.500 công trình xây dựng, trong đó đã lập văn bản xử phạt hơn 5.800 trường hợp, bằng 27% số công trình xây dựng đã kiểm tra. Trong số hơn 5.800 vụ bị lập biên bản xử phạt, có 715 vụ xây dựng sai phép, 4.367 vụ không phép, còn lại là 790 vụ vi phạm khác.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.