Kẻ cầm đầu kể về vụ bắt cóc kiểm lâm

Các đối tượng bắt cóc kiểm lâm, Trần Xuân Lành mặc áo xanh (bên phải)
Các đối tượng bắt cóc kiểm lâm, Trần Xuân Lành mặc áo xanh (bên phải)
TP - “Đốt áo quần là điều cấm kỵ của dân tộc bọn em. Áo quần chỉ được đốt khi người mang nó bị chết. Các kiểm lâm đã đốt toàn bộ lán trại trong đó có áo quần, vật dụng của chúng em... Nghĩ mình trước sau gì cũng bị con ma rừng nó bắt chết, tức quá nên bọn em đã bắt cóc các kiểm lâm”

> Đối tượng cuối cùng trong vụ bắt cóc kiểm lâm trình diện

Các đối tượng bắt cóc kiểm lâm, Trần Xuân Lành mặc áo xanh (bên phải)
Các đối tượng bắt cóc kiểm lâm, Trần Xuân Lành mặc áo xanh (bên phải) .
 

Trần Xuân Lành, đối tượng cầm đầu trong vụ bắt cóc kiểm lâm kể lại câu chuyện với PV Tiền Phong, tại một quán cơm bình dân ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Xót của nên mới đòi tiền

Nhìn 4 thanh niên dân tộc người nhỏ thó, mặt đen nhẻm, rụt rè gắp những miếng thức ăn cho vào miệng, không ai nghĩ đó là những kẻ đã dám làm một việc động trời, chưa từng xảy ra trong lịch sử bảo vệ rừng của Việt Nam: Bắt cóc kiểm lâm đòi tiền chuộc. Lành cho biết, cả nhóm vừa mới từ trụ sở Công an huyện Minh Hóa ra quán ăn cơm trưa để tiếp tục lấy lời khai vào buổi chiều.

Theo Lành, nguyên nhân dẫn đến vụ bắt cóc là do các kiểm lâm viên (KLV) đã đốt áo quần của nhóm, và đây là điều cấm kỵ của tộc người Sách .

Lành kể, sáng 17-7, khi nghe tin các KLV Trạm Thượng Hóa (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) vào kiểm tra rừng, Lành liền cử Cao Xuân Việt (cùng nhóm khai thác gỗ) chạy theo để xin các anh kiểm lâm đừng bắt gỗ và phá lán. Sau đó, Việt chạy ra báo là các KLV đã phá hủy toàn bộ số gỗ vàng tâm gần 2m3 mà cả nhóm đang giấu trong rừng và đốt hết lán trại.

Tin toàn bộ áo quần, vật dụng trong lán bị gom lại đốt khiến cả nhóm tá hỏa. “Cả nhóm bọn em sợ quá nên ngồi khóc. Nghĩ đến cái chết em uất ức quá nên nói với anh em, trước khi mình chết cũng phải giết chết bọn ni để trả thù. Em đã chỉ đạo anh em chuẩn bị dao, gậy và nhặt đá chất lại thành đống để trên vách đá; phân công anh em người thì xô đá từ trên xuống, người thì dùng dao, gậy để tấn công trực tiếp. Anh Việt bỏ về không tham gia” - Lành kể.

Đến khoảng 12 giờ trưa, nhóm của Lành phát hiện tổ kiểm lâm đi ra. Đợi đến lúc các KLV trèo thang để xuống vách đá, Lành hô cả nhóm tấn công. Thấy anh Quế đi sau cùng, Lành từ trong bụi rậm xông ra hô “đứng lại”. Lành kể, anh Quế bỏ chạy, ngã va vào đá làm vỡ xương bánh chè và gần đứt gót chân. Lành đuổi theo đến nơi, dùng dao chém, bị anh Quế bắt được tay cầm dao và hai người vật lộn.

“Bị thương nhưng anh Quế khỏe lắm, đè em xuống làm em không thể thở được. Khi mấy đứa chạy đến dùng gậy đánh vào người anh Quế thì anh ấy mới chịu buông em ra và xin bọn em đừng giết. Lúc đó anh Quế máu me lênh láng, em thấy tội không muốn giết nữa nên nói anh em trói lại” - Lành kể tiếp.

Trói được anh Quế, nhóm của Lành tập trung tấn công những người trong tổ kiểm lâm và bắt được thêm 2 KLV nữa là Phạm Văn Sáu và Nguyễn Đức Minh. “Bắt được rồi, bọn em không còn ý định giết các anh ấy nữa, nhưng vẫn ức quá nên dẫn các anh ấy quay ngược vào lán để hành hạ cho bõ tức. Vào đến nơi thấy gỗ và lán trại bị đốt xót quá nên bọn em đòi các kiểm lâm phải đền tiền” - Lành nói.

“Em giờ hối hận lắm”

Lành cho biết, gia đình mình có một rẫy ngô đang đến độ thu hoạch ở ngay khu vực lán trại nên rất thông thuộc địa hình ở đây. Nhóm của Lành đã dẫn 3 KLV giấu vào một hang đá gần đó. Khi phát hiện lực lượng chức năng đến giải cứu, KLV Nguyễn Đức Minh đã xô ngã mấy người của Lành mang theo cả dây trói chạy ra ngoài.

“Lúc đó sợ anh Quế cũng bỏ chạy nên em đã kê dao vào cổ anh Quế yêu cầu im lặng, ngồi yên nếu không sẽ bị giết. Nói thiệt lúc đó bọn em sợ các anh Biên phòng và Công an bắn súng vào hang nên muốn giữ anh Quế lại, chứ lúc đó có nghĩ đến chuyện tiền nong chi nữa mô” - Lành nói.

Sau gần 2 giờ đồng hồ được các lực lượng chức năng kiên trì vận động, thấy không thể giữ người được nữa, đến khoảng gần 20 giờ, Lành quyết định cùng cả nhóm dẫn anh Quế ra giao nộp. Khi ra đến cửa hang, lợi dụng trời tối nhóm của Lành đã nhanh chân chạy thoát vào rừng.

“Em trốn trong rừng, ăn củ và lá rừng cầm hơi, đến ngày thứ hai đói quá chịu không nổi em mò về bản, mọi người động viên nên ra đầu thú để được nhẹ tội. Thấy đúng, rứa là em tìm đến công an đầu thú. Mấy anh công an cũng tốt, không đánh đập mà còn cho về, nói lúc nào các anh ấy gọi thì đến để lấy lời khai” - Lành nói.

Lành sinh năm 1982, là con đầu trong gia đình có 6 anh em. Trong vụ bắt cóc kiểm lâm có đến 3 người em của Lành cùng tham gia. Lành hiện có vợ và 4 con nhỏ, đứa đầu mới học lớp 1. “Nói thiệt với anh, gia đình em khổ lắm, một mình em làm nuôi cả nhà. Mất 2 ngày mới gùi được một thanh gỗ về đến nhà mà bán được có 250 ngàn đồng. Bọn em chỉ chặt ít gỗ đưa về bán đong gạo chứ có buôn bán gì đâu. Giờ em ân hận lắm, đi tù rồi không biết con cái ai nuôi” - Lành tỏ ra ân hận.

Khởi tố bị can 6 đối tượng

Ngày 2-8, Công an huyện Minh Hóa cho biết đã khởi tố bị can 6 đối tượng Trần Xuân Lành, Trần Xuân Hoàng, Trần Xuân Phúc, Trần Xuân Huy, Trần Xuân Lượng, Trần Xuân Minh, về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Trong đó, 5 bị can được tại ngoại, riêng Trần Xuân Phúc đang bỏ trốn.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.