Bản án cho 'xe quay giữa đường'

Bản án cho 'xe quay giữa đường'
TP - TAND quận Ô Môn, Cần Thơ vừa xét xử sơ thẩm một vụ tai nạn giao thông, bác tất cả lời khai của các nhân chứng và suy luận không đúng theo kết quả điều tra.

Vụ tai nạn xảy ra trưa 3-11-2010, trên QL91, đoạn qua phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Anh Nguyễn Cao Thông (20 tuổi) chạy xe máy đang vượt một chiếc xe buýt. Bất ngờ, phía sau một chiếc xe khách đụng một chiếc xe máy khác chở 2 người chạy ngược chiều, làm 2 người này chết tại chỗ. Anh Thông cũng ngã xuống đường, bị thương nặng.

Theo kết luận điều tra, xe máy của anh Thông “va quẹt” trước với chiếc xe máy ngược chiều. Cáo trạng của Viện KSND quận Ô Môn viết, “va quẹt làm 2 xe máy chao đảo”. Đến bản án sơ thẩm của TAND quận Ô Môn xử ngày 7-6, suy luận thành, xe máy của anh Thông va quẹt “làm cho xe của nạn nhân quay ngược lại, cùng lúc xe khách chạy tới đụng phải phần đuôi xe của nạn nhân”.

Theo bản án, xe máy lúc đó chạy tốc độ 60-70 km/giờ, nếu va chạm khiến một xe máy quay ngược lại thì cú va chạm rất mạnh, xe máy khó còn đứng vững. Một chuyên gia về tai nạn giao thông phân tích, nếu như thế, chiếc xe của nạn nhân đã bị xe khách đè bẹp chứ không thể đẩy đi hơn 20 m.

Đáng chú ý, các nhân chứng trong vụ án khẳng định, 2 xe máy không va chạm nhau. Theo các nhân chứng, xe khách chạy lấn đường, đâm vào xe máy ngược chiều, làm người ngồi sau xe máy bắn vào lề đường; người lái xe máy văng ngược trở lại, đập vào xe của anh Thông làm anh Thông ngã. Sau đó, 2 xe máy cùng bị xe khách đẩy đi.

Tuy nhiên, bản án cho rằng, sau khi xảy ra vụ tai nạn các nhân chứng mới có mặt tại hiện trường. Nhưng, ông Nguyễn Văn Việt (SN 1961, ở phường Châu Văn Liêm) khẳng định: “Lúc đó, tôi có việc chuẩn bị qua đường nên chứng kiến toàn bộ vụ tai nạn xảy ra ngay trước mặt”.

Ông Cao Văn Thi (SN 1952, ở phường Thới Hòa) nói: “Tôi ngồi trong quán cơm bên đường, đang chờ cơm nên nhìn ra chứng kiến rõ vụ tai nạn”. Ông Phan Văn Tài (SN 1970, ở phường Châu Văn Liêm) nói thêm: “Tôi là nhân chứng được công an lấy lời khai đầu tiên tại hiện trường và trước sau đều giữ một lời”.

Các nhân chứng còn phản đối cả điều tra. Họ cho rằng, cơ quan điều tra chỉ sử dụng một lời khai của người lái xe khách có lợi nhất cho người này, trong nhiều lời khai mâu thuẫn nhau; việc dựng lại hiện trường bị sai lệch…

Mặc dù vậy, sau khi xem xét “tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra” và lập luận như trên, tòa sơ thẩm tuyên phạt anh Thông 3 năm 6 tháng tù giam, bồi thường cho nạn nhân 90 triệu đồng; lái xe khách 3 năm tù giam.

Anh Thông kháng án, các nhân chứng làm đơn phản đối bản án. Một số người dự tòa, trong đó có Trưởng phòng Nội vụ quận Ô Môn và 2 chuyên viên của Phòng này cũng có đơn kiến nghị cơ quan chức năng “xem xét lại, tránh làm oan sai người vô tội”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG