Thay một lô đất bằng hai triệu đồng!

Thay một lô đất bằng hai triệu đồng!
TP - Thay vì giải quyết đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất chuyển đổi nghề nghiệp, UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chỉ hỗ trợ họ từ 1 đến 2 triệu đồng.

Đòi mới được

Năm 2008, UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thu hồi của cụ Nguyễn Phùng và con gái cụ là bà Nguyễn Thị Đào 3.997 m2 đất để thực hiện dự án Khu dân cư đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh. Trong các quyết định thu hồi đất, diện tích đất của cụ Phùng được ghi chung chung là “đất nông nghiệp + đất ở”, toàn bộ diện tích đất của bà Đào bị ghi là “đất nông nghiệp”.

Sau nhiều lần cha con cụ Phùng khiếu nại, UBND huyện Ninh Hòa chịu công nhận, trong diện tích đất thu hồi của cụ Phùng có 900 m2 đất ở, trong diện tích đất thu hồi của bà Đào có 700 m2 đất ở. Phần còn lại trong diện tích đất thu hồi được xác định là đất vườn liền nhà, cha con cụ Phùng cũng phải khiếu nại mãi mới được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở, theo đúng quy định của tỉnh.

Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ của cha con cụ Phùng (chưa điều chỉnh mức hỗ trợ) là 4,178 tỷ đồng, được phê duyệt từ tháng 10-2009, đến tháng 1-2011 cha con cụ mới được nhận.

Căn cứ quy định tại Điều 48, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và Quyết định số 02/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa, cụ Phùng đề nghị được hỗ trợ 2 lô đất ở có thu tiền sử dụng đất (đất dịch vụ), để gia đình chuyển đổi nghề nghiệp. Dù thừa nhận đề nghị của cụ Phùng là phù hợp chính sách của Nhà nước, nhưng UBND thị xã Ninh Hòa không giải quyết đề nghị này, với lý do… không có quỹ đất dịch vụ!

Dân chuyển đổi nghề nghiệp cách nào?

Từ trường hợp của cha con cụ Phùng, phóng viên tìm gặp ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa. Điều bất ngờ, ông Minh cho biết, hiện tất cả các dự án trên địa bàn thị xã đều không xây dựng quỹ đất dịch vụ.

Theo ông Minh, giá đất dịch vụ được tính gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng nên khá cao, có khi cao hơn cả giá đất ở thị trường. Trước kia, thị xã có quỹ đất dịch vụ, nhưng do giá cao, người dân không mặn mà, nên thị xã không phát triển quỹ đất này nữa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lý giải trên của ông Minh trái với quy định tại Điều 48, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP. Theo đó, giá đất dịch vụ bằng giá loại đất nông nghiệp đã thu hồi, cộng với chi phí đầu tư hạ tầng khu dân cư, nhưng không được cao hơn giá đất ở có điều kiện tương ứng, được UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm thu hồi đất.

Thay vì giải quyết đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất, UBND thị xã Ninh Hòa hỗ trợ họ bằng tiền, người trong độ tuổi lao động được 2 triệu đồng, người ngoài độ tuổi lao động được 1 triệu đồng. “Hỗ trợ 2 triệu đồng dễ hơn nhiều, đỡ chi phí hơn nhiều so với việc giải quyết một lô đất dịch vụ, nên chính quyền chọn cách đó. Nhưng chúng tôi làm sao có thể chuyển đổi nghề nghiệp với 2 triệu đồng?” - Bà Đào nói.

Là trung tâm Khu Kinh tế Vân Phong, thị xã Ninh Hòa đang có nhiều dự án lớn, quy mô giải tỏa hàng ngàn hec-ta đất, ảnh hưởng đời sống hàng ngàn gia đình. Đặc biệt, xã Ninh Phước sẽ bị giải tỏa toàn bộ, 1.500 hộ phải di dời đến nơi khác, hầu như không còn đất sản xuất.

Cuối năm nay, những hộ dân đầu tiên của Ninh Phước sẽ phải di dời. Không còn đất sản xuất nông nghiệp, không được giải quyết đất dịch vụ, vậy họ sẽ chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách nào?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG