Trường hợp bị tố cáo “thương binh giả”: Cách nào làm rõ?

Trường hợp bị tố cáo “thương binh giả”: Cách nào làm rõ?
TP - Ông Lê Văn Lục, Bí thư Đảng ủy phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh bị tố cáo không bị thương nhưng được công nhận thương binh 15 năm nay. Qua xác minh của đơn vị ông Lục công tác, ông Lục không có trong danh sách bị thương.

Người tố cáo ông Lục là ông Nguyễn Văn Biên, nguyên Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Thạch Quý. Theo ông Biên, trong thời gian làm thanh tra phường, ông nhận được nhiều đơn thư của người dân tố cáo ông Lục làm thương binh giả. Những lá đơn của người dân được ông Biên gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không được giải quyết.

Sau khi thôi giữ chức thanh tra, ông Biên trực tiếp làm đơn kiến nghị tới Ban chính sách, Ban chỉ huy quan sự phường Thạch Quý đề nghị làm rõ ông Lục có bị thương hay không.

Vừa qua, đại diện Ban chỉ huy quân sự phường Thạch Quý đã làm việc với Phòng chính trị - Sư đoàn 312, đơn vị ông Lục từng công tác, chiến đấu. Qua xác minh, Phòng chính trị - Sư đoàn 312 trả lời bằng bản số 235 “về việc xác nhận thương binh” do Phó chủ nhiệm Phòng chính trị, thượng tá Phạm Quang Hải ký, cho biết: “Qua kiểm tra hồ sơ, danh sách đăng ký bị thương trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972 - 1973 của Sư đoàn đang quản lý, không có tên quân nhân Lê Văn Lục (SN 1954, trú tại xã Thạch Quý, Hà Tĩnh), nhập ngũ tháng 11-1971, cấp bậc Hạ sỹ, chức vụ Chiến sỹ, đơn vị Đại đội 23 Phòng tham mưu, phục viên vào ngày 4-1-1974”.

Theo hồ sơ lưu tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Văn Lục được công nhận thương binh từ tháng 4-1995. Giấy chứng nhận bị thương được Ban chỉ huy quân sự Hà Tĩnh cấp xác nhận ông Lục bị vết thương ở chẩm đỉnh đầu chạm xương, vết thương ở đùi còn mảnh kim khí, sức ép bom… Sau khi bị thương, ông Lục điều trị tại bệnh xá Sư đoàn 312 từ ngày 14-12-1972 đến 28-1-1973. Căn cứ để Ban chỉ huy quân sự Hà Tĩnh xác nhận như vậy là dựa vào vết thương thực thể, lời khai của hai người làm chứng, và xác minh đề nghị của Đảng ủy - UBND xã Thạch Quý, TX Hà Tĩnh.

Văn bản số 235 của Phòng Chính trị - Sư đoàn 312
Văn bản số 235 của Phòng Chính trị - Sư đoàn 312.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Quốc Văn, một trong hai người làm chứng cho ông Lục khẳng định, ông Lục bị thương khoảng cuối năm 1972, tại mặt trận Quảng Trị. Còn ông Lê Văn Lục khẳng định ông bị thương là có thật. “Sau khi điều trị xong tại bệnh xá, do không đủ sức khỏe nên tôi được đơn vị cho phục viên”, ông Lục cho biết.

Tại sao khi điều trị xong, ông Lục không được đơn vị giám định? ông Lục điều trị tại bệnh xá của Sư đoàn trong 44 ngày sao lại không có bất cứ giấy tờ, tài liệu nào còn lưu giữ nói về việc này? Trả lời những câu hỏi trên, ông Lục nói: “Đó là trách nhiệm của đơn vị”. Có lẽ Sư đoàn 312 cần xác minh kỹ hơn việc này, để làm rõ sự thật, không để việc khiếu nại của người dân kéo dài thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG