Khởi tố vụ án phá rừng nghiêm trọng tại Hà Tĩnh

Số gỗ lực lượng chức năng thu hồi tại Hạt Kiểm lâm Hương Sơn
Số gỗ lực lượng chức năng thu hồi tại Hạt Kiểm lâm Hương Sơn
TP - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế Công an Hà Tĩnh, đại tá Hoàng Bá Thọ cho biết, Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại xã Sơn Hồng, Hương Sơn.

> “Tôi có một phần trách nhiệm”

Sau khi nghe báo cáo về việc phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại xã Sơn Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đề nghị Công an Hà Tĩnh thành lập Ban chuyên án để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngày 20-3, Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng".

Theo kết quả điều tra bước đầu, kết thúc đợt truy quét, lực lượng chức năng thu giữ 352m3 gỗ bị lâm tặc chặt hạ tại rừng biên giới đầu nguồn Việt-Lào.

Năm 2011, bên cạnh các đoàn kiểm tra liên ngành, Công an Hà Tĩnh cũng thành lập Ban chuyên án PR08.11 điều tra việc phá rừng tại xã Sơn Hồng.

Tuy nhiên, kết quả của chuyên án chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính. Để khách quan, trong thành phần của ban chuyên án lần này không có thành viên nào của ban chuyên án PR-08.11 tham gia.

Hôm qua (21-3), trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Sơn cho biết, ngoài số gỗ 352m3 các lực lượng đã truy quét và thu về, trong hai ngày 14 và 16-3, lực lượng kiểm lâm phối hợp với biên phòng, chủ rừng phát hiện thêm 306 phiến, lóng gỗ (tương đương khoảng 127 m3) đang được cất giấu trong rừng.

Như vậy, cho đến thời điểm này, số gỗ phát hiện và thu giữ tại rừng đầu nguồn biên giới Việt-Lào, xã Sơn Hồng lên gần 500m3.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ 2 vụ phá rừng

Ngày 20-3, Tiền Phong nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sự việc báo Tiền Phong nêu trong bài "Phá rừng chắn sóng, dân thiệt, ai lợi?" số ra ngày 7-3.

Thông tin trong bài báo phản ánh, lợi dụng chủ trương quy hoạch nông thôn mới, nhiều xã của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tự ký hợp đồng với các nhà thầu chặt phá rừng phi lao ở trong và ngoài khu vực đê chắn sóng để làm hồ nuôi tôm.

Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân. Công văn nêu rõ, UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra nếu đúng phải có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-3.

Liên quan vụ phá rừng tại xã Sơn Hồng, ngày 19-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1768 gửi Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, trích ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, điều tra làm rõ. P.V

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG