Đứa con bị chối bỏ sau những vụ hiếp dâm (Kỳ 3)

Đứa con bị chối bỏ sau những vụ hiếp dâm (Kỳ 3)
Bị cả hai cha con Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung hãm hiếp, Nga sinh bé Thiện Nhân trong nỗi tũi nhục và uất ức khi mới chỉ là cô bé 15 tuổi.

Đứa con bị chối bỏ sau những vụ hiếp dâm (Kỳ 3)

> Kỳ 1: Ký ức hãi hùng của hai bé gái bị xâm hại
> Kỳ 2: Những bé gái bị hiếp dâm và làm mẹ ở tuổi ô mai
> Kỳ 4: 'Yêu râu xanh' nghĩ gì sau song sắt

Bị cả hai cha con Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung hãm hiếp, Nga sinh bé Thiện Nhân trong nỗi tũi nhục và uất ức khi mới chỉ là cô bé 15 tuổi.

Chị Hân (ngồi quay mặt vào trong) và đứa cháu ngoại tám tháng tuổi đang trò chuyện với PV. Chị nói sẽ bán nhà, bỏ xứ ra đi vì không muốn cháu mình lớn lên bên vách nhà của kẻ đã hãm hại mẹ nó
Chị Hân (ngồi quay mặt vào trong) và đứa cháu ngoại tám tháng tuổi đang trò chuyện với PV. Chị nói sẽ bán nhà, bỏ xứ ra đi vì không muốn cháu mình lớn lên bên vách nhà của kẻ đã hãm hại mẹ nó.

Đứa trẻ hơn một tuổi, không quần, lem luốc bò trên sân bốc đất bỏ vào miệng... Đó là hình ảnh của bé Nguyễn Thành Thiện Nhân, đứa con của Ngọc Nga, bà mẹ mới 15 tuổi ở Đồng Phú (Bình Phước).

Từ lúc chào đời, Nhân chưa một lần được nếm mùi vị sữa mẹ và không biết ai là cha mình trong hai người đàn ông hãm hại mẹ mình đã bị tống vào tù.

Những vết cứa

Nga và bà ngoại của đứa trẻ đã chọn cái tên Thiện Nhân, nghĩa là một “người tốt”, để đặt tên cho con. Ngày gặp Nga ở xưởng may tại Đồng Xoài, nơi em bỏ đi từ lúc sinh con và chưa một lần trở về, Nga nức nở: “Em muốn đứa nhỏ lớn lên là người tốt nhưng em không thể làm bà mẹ tốt cho nó...”.

Không thể bào chữa cho Nga, nhưng về Đồng Phú tìm đến thăm bé Thiện Nhân, chúng tôi mới hiểu sợi dây nối tình mẫu tử giữa Thiện Nhân và Nga vốn đã mỏng manh, làm sao có thể chịu được những vết cứa sắc lẹm của cuộc đời. Hai cha con Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung, những kẻ xâm hại mẹ bé Thiện Nhân suốt sáu năm trời, đã bị bắt.

Nhưng bé Thiện Nhân vẫn lớn lên với muôn vàn ánh mắt hồ nghi của người làng: ai mới là cha đứa trẻ?

Bà ngoại của Nhân, với ánh mắt cam chịu lẫn căm phẫn, bảo rằng: người làng ai cũng tốt nhưng làng quê thì nhỏ hẹp, làm sao ngăn được người ta ngó ra ngó vào xem đứa trẻ giống ai vì đến giờ kết quả xét nghiệm ADN vẫn chưa được công bố.

Thiện Nhân lớn lên không có dòng sữa của mẹ, không có hơi ấm của cha. Và sợi dây tình mẫu tử đôi lần tưởng có thể nối lại trong những phút ray rứt tột cùng của bà mẹ trẻ Ngọc Nga cũng đã bị cắt đứt. Không chỉ bởi quá khứ nghiệt ngã, mà vì chính những vết cứa từ cuộc đời khi em vừa sinh ra.

Chỉ mới một tuổi nên người ta có nói gì thì cậu bé Thiện Nhân vẫn cứ nhe hàm răng mới mọc được vài cái mà cười, rồi một hai chỉ tay vào ông ngoại mà gọi “ba ba” trong vô thức.

Đôi mắt già nua đã khô hoen nước mắt, vợ chồng bà Riêng - ông bà ngoại của Thiện Nhân - đã lâu rồi không còn trách cứ gì mẹ đứa bé mà nhường chỗ thêm cho một nỗi đau sắp đến.

Ông bà biết cho dù cuộc đời có nghiệt ngã thì rồi Thiện Nhân vẫn sẽ phải lớn lên. Và “không biết người ta có buông tha hay cứ ngó ra ngó vào thằng nhỏ”.

Bà Riêng nghẹn ngào, hiểu rằng để làm được một “người tốt”, đứa cháu côi cút của bà sẽ phải tự chống chọi và chữa lành nhiều vết cứa của cuộc đời.

Tương lai mờ mịt

Cũng như bé Thiện Nhân, cô bé Thảo Nguyên ở xã Thanh Sơn (Định Quán, Đồng Nai) được đặt cho cái tên ấy với một ước muốn đơn sơ: “Thảo nguyên là một cánh đồng cỏ xanh dài bất tận, mênh mông mà trâu bò ăn không hết. Dù có bị ai giẫm đạp lên nó vẫn cứ xanh tươi, bát ngát” - bà Thức, bà ngoại của cô bé bốn tuổi, lý giải.

Từ khi sinh ra, Thảo Nguyên chưa một lần được gọi tiếng cha. Và hai năm sau thì tiếng gọi mẹ cũng thưa dần khi mẹ em - cô bé Mộc Lan - đã đi bước nữa khi vừa qua tuổi 16 và có thêm em bé...

“Cũng may trời sinh voi sinh cỏ, con nhỏ từ lúc lọt lòng mẹ đã ngoan lắm, suốt ngày mẹ nó đi làm, thả lăn lóc ở nhà kiến cắn, ruồi bu, hết ngủ rồi dậy, đói quá thì mút tay, mút xong lại ngủ. Vậy mà giờ nó cũng bốn tuổi rồi, biết cả quét nhà, rửa chén giúp bà” - bà Thức xoa đầu cháu mà cứ như tự an ủi mình.

Bà Thức nói đời vợ chồng bà đã nghèo nhưng không nghĩ rằng đời con, đời cháu bà còn mạt hơn. Đứa con gái Mộc Lan của bà sau khi phải làm mẹ bất đắc dĩ ở tuổi 14 ít lâu thì có người đàn ông nát rượu ở cuối xóm muốn gá nghĩa...

Rổ rá cạp lại biết đâu sẽ bền, nghĩ vậy mà bà gật đầu cho con gái theo người ta. Nhưng chỉ được dăm bữa, quá khứ của con gái bà trở thành cái cớ dằn vặt của con rể trong những cơn say triền miên.

Có lần bà Thức nghe phong thanh đâu đó trên huyện đồn về là có tổ chức từ thiện nhận cưu mang, nuôi dạy mấy đứa trẻ mồ côi, nghèo khó nên cứ điện đi điện lại hỏi cho bằng được vì sợ cháu thất học.

Nhưng khi nghe người ta nói “gửi là cho luôn đó”, bà sợ mất cháu nên không dám hỏi nữa. Dù vậy, suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bà cứ hỏi hoài về một nơi nào đó có thể nhận cưu mang cháu bà.

Bà bảo: “Nếu trên đó có tổ chức nào giúp đỡ nuôi nó mà không mang nó đi mất thì cô hỏi giùm, chứ giờ tiền điện không có nộp, người ta cũng cắt rồi, mai mốt lấy đâu tiền cho nó đi học” - bà Thức dặn đi dặn lại mà mỗi câu nói hình như chất chứa sự dùng dằng. Nỗi lo sợ mất cháu lẫn trong nỗi lo về tương lai mịt mờ của Thảo Nguyên.

Bỏ xứ mà đi

Ngày rời Đông Thọ, Đông Hưng (Thái Bình), lúc tạm biệt hai bà cháu, mẹ và con của bé Mai - người mẹ tuổi 12, chị Hân, mẹ của Mai, đã tiễn chúng tôi bằng một nỗi ngậm ngùi: “Chắc rồi tôi phải bán nhà mà đưa con bé đi biệt xứ thôi cô chú ạ...”. Bé Mai, con chị, sau khi sinh con gái ở tuổi 12, đã được gửi vào miền Nam để tiếp tục học lớp 6.

“Nhưng còn con bé này (con của Mai) làm sao có thể lớn lên bên vách nhà của kẻ đã hãm hại đời mẹ nó được”. Chị Hân nghẹn ngào rồi tiếp câu chuyện rằng suốt tám tháng, từ lúc con của Mai chào đời, gia đình chị cứ phải nghe những tiếng “đánh chó, chửi mèo” đầy hàm ý từ gia đình gã đàn ông 60 tuổi từng hại đời con mình.

Ông Nguyễn Mạnh Dương, phó trưởng Công an xã Đông Thọ, xác nhận gia đình thủ phạm Trần Văn Lưu chưa một lần thi hành bản án hỗ trợ tiền chăm dưỡng đứa bé.

Ngược lại, con cháu ông Lưu nhiều lần sang nài nỉ chị Hân đem cho cháu bé vì không muốn thấy một mầm sống - nghiệp chướng của người cha đang ngồi tù - lớn lên bên cạnh mình.

Chúng tôi tạm biệt gia đình chị Hân khi đứa trẻ bắt đầu khóc ọ ẹ vì rét khi co ro trong chiếc áo mùa đông đã bạc màu, được tận dụng từ áo cũ của bà mẹ 12 tuổi.

Thứ quý giá nhất trong gia đình này chỉ là những chồng lon sữa bột mà chị Hân phải đi vay tiền về mua cho cháu ngoại. Nhưng sự túng bấn ấy có lẽ không phải là những khó khăn lớn nhất ngáng trở khiến chị Hân phải nghĩ về một cuộc rời xa quê hương cùng với đứa cháu ngoại của mình.

Theo Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG