Bi kịch một gia đình

Bi kịch một gia đình
Phiên tòa mở tại TAND huyện Long Mỹ hôm đó thật vắng vẻ bởi ngoài những người tiến hành tố tụng thì chỉ có bị cáo, bị hại và một người làm chứng - ba người này có quan hệ cha-mẹ-con trong một gia đình.
Bi kịch một gia đình ảnh 1

Im lặng thì... “ăn” gậy

Theo cáo trạng, tối 14-12-2011, Phạm Thanh Hồng (SN 1964, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cùng vợ là chị Lê Thị Nghĩa (SN 1973) và con trai út là Phạm Hoàng Yên (SN 1991) đi dự đám cưới ở nhà người bà con. Sau đó, hai mẹ con về trước mà không rủ Hồng cùng về vì thấy Hồng vẫn chưa tan cuộc nhậu với mọi người.

Quá nửa khuya, Hồng mới lững thững về tới nhà, lúc này là khoảng 1h ngày 15-12-2011. Vốn đã có nhiều sự bất đồng, mâu thuẫn từ trước, nay lại có rượu “tê tê” trong người nên vừa bước chân vào nhà là Hồng hạch sách và cự cãi với vợ về việc bị vợ và con... bỏ rơi!

Biết tính ông chồng từ lâu, vả lại đêm hôm khuya khoắt sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của hàng xóm láng giềng nên chị Nghĩa không nói một lời nào mà bỏ vào buồng ngủ cho yên chuyện.

Chợp mắt được một lúc đến khoảng hơn 4h sáng, chị Nghĩa thức dậy nấu bữa điểm tâm cho cả nhà. Lúc này, Hồng nằm võng nhìn thấy vợ thì lại tiếp tục chửi nhưng chị Nghĩa vẫn im lặng.

Lầm lũi nấu cơm xong, chị Nghĩa đi lại tủ kiếng chải tóc thì Hồng đi xuống nhà bếp lấy một khúc gỗ tròn (hàng ngày dùng làm cây chày đâm tiêu - PV) rồi đi đến phía sau của vợ, đánh một cái trúng vào thái dương phải của vợ gây thương tích. Nghe tiếng mẹ kêu cứu, cháu Yên vội thức dậy khuyên can cha đồng thời đưa mẹ đi điều trị tại bệnh viện.

Sau khi xuất viện (ngày 19-12-2011), chị Nghĩa đã có đơn yêu cầu khởi tố đối với Hồng về hành vi cố ý gây thương tích và Hồng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, vào ngày 18-2-2011, Hồng cũng đã bị UBND xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) áp dụng biện pháp giáo dục tại xã với thời hạn 3 tháng cũng về hành vi đánh đập, chửi bới vợ con.

Mới chấp hành xong biện pháp cưỡng chế giáo dục được khoảng nửa năm thì Hồng lại tiếp tục thực hiện hành vi tương tự với mức độ trầm trọng hơn.

Ân hận muộn màng

Tại phiên tòa, Hồng biện bạch rằng nguyên nhân khiến Hồng nhiều lần ra tay đánh vợ là do vợ làm chủ hụi bị vỡ nợ với số tiền lớn nhưng giấu chồng. Sau đó thì Hồng mới phát hiện ra vợ đã nợ người ta gần 200 triệu đồng và gia đình đã phải bán hết 2,5 công đất ruộng nhưng vẫn trả chưa hết nợ.

Xót của và cảm thấy bị lừa dối, điều đó khiến Hồng rất tức giận nên thỉnh thoảng hay hạch sách, đay nghiến vợ và đương nhiên cũng không tránh khỏi có những lúc đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ khi sự cự cãi vượt khỏi tầm kiểm soát.

Mỗi lần vợ chồng đánh nhau hay cãi lộn như vậy thì vợ Hồng đều điện thoại cho chính quyền địa phương đến can thiệp và sau đó lại sang những nhà hàng xóm “xin lánh nạn” khiến bà con lối xóm chê cười...

Trong khi đó, chị Nghĩa cho rằng chị không chịu nổi sự chì chiết, đay nghiến, lòng ghen tuông mù quáng và đặc biệt là tính vũ phu của chồng nên phải nhẫn nhịn nhưng đồng thời cũng phải thường xuyên “lánh nạn” mà vẫn chưa tránh khỏi những trận đòn đến thấu xương.

Lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên hai gò má hốc hác, người phụ nữ trung niên với vẻ lam lũ nhìn về phía chồng với đôi mắt hoe đỏ mà nói: “Tôi chỉ mong ổng tu sửa tính nết, đừng có động chuyện là lại đánh đập vợ thẳng tay ai mà chịu thấu nhưng mãi ổng cũng không chịu sửa nên tôi mới nhờ chính quyền can thiệp. Nay tôi nhờ quý Tòa xử ổng theo pháp luật để ông có thể tu tâm dưỡng tánh chứ tôi cũng không yêu cầu phải bồi thường gì...”.

Tuy nhiên, trong lúc Tòa nghị án, bị cáo Hồng kể với chúng tôi với giọng uất ức và vẻ mặt tội nghiệp: “Các chú xem, sau mỗi lần cự cãi là bả lại sang ở lì những nhà hàng xóm, thậm chí là cả ăn cơm, rồi tắm giặt luôn bên nhà người ta làm sao tôi không tức. Mỗi lần cãi lộn, bả đòi ly dị và đưa giấy cho tôi viết nhưng khi viết xong tôi đưa lại thì bả lại xé lá đơn ngay tức khắc?

Vợ chồng ăn ở với nhau cũng đã gần hai chục năm và cũng đã có hai mặt con, chúng đều đã lớn cả rồi. Đứa gái lớn thì đã 21 và đang làm cho một công ty điện tử ở tận trên Thành phố (Sài Gòn), còn thằng con trai út thì cũng 19 ở nhà làm nghề sửa xe cũng đâu đến nỗi nào, vậy mà bả dính vào “hụi với hè” rồi bể nợ khiến gia đình tôi lao đao, khốn đốn...”.

Qua xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, Tòa đã tuyên phạt Hồng 1 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa kết thúc, người vợ với khuôn mặt đau khổ nhanh bước dời khỏi sân tòa như sợ phải đối mặt với người chồng tù tội. Trong lúc đó, Hồng quay mặt lại tìm kiếm người con trai nhỏ nhẹ nhắn nhủ: “Con về năn nỉ mẹ viết đơn bãi nại xin giảm nhẹ cho cha, cha đã hối hận lắm rồi”, sau đó mới lầm lũi cất bước lên chiếc xe chở phạm.

Theo Thanh Tâm
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.