Nhà báo Hoàng Khương: 'Chỉ biết dấn thân vào dòng sự kiện'

Nhà báo Hoàng Khương: 'Chỉ biết dấn thân vào dòng sự kiện'
TPO - Khoảng 8h sáng nay, TAND TPHCM đã khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đưa, nhận hối lộ để “giải cứu” xe vi phạm giao thông có liên quan đến nhà báo Nguyễn Văn Khương - PV báo Tuổi Trẻ.

> Đề nghị truy tố nhà báo Hoàng Khương
> Cuối tháng 8 xét xử vụ nhà báo Hoàng Khương

Nhà báo Hoàng Khương tại Tòa án nhân nhân TP.HCM sáng nay 6-9
Nhà báo Hoàng Khương tại Tòa án nhân nhân TP.HCM sáng nay 6-9.

Phiên tòa nhận được sự quan tâm của đông đảo báo giới tuy nhiên nhiều phóng viên đã gặp khó khăn khi vào phòng xử án tác nghiệp do không biết thông tin làm thủ tục dự khán.

Nhà báo Hoàng Khương (tức Nguyễn Văn Khương, SN 1973) khá gầy, sụt ký so với lúc mới bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy đã hoàn tất phần kiểm tra lý lịch các bị cáo và nhân chứng.

Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) là người bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Hoàng Khương tại phiên tòa, đề nghị lưu ý tư cách nhà báo của Hoàng Khương vì anh vẫn đang công tác tại báo Tuổi trẻ và vẫn chưa bị rút thẻ nhà báo. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập Ban biên tập báo Tuổi trẻ, nhưng công tố viên cho rằng không cần thiết.

Chủ tọa tạm hoãn phiên tòa 10 phút để hội ý sau đó chủ tọa phiên tòa có ý kiến chính thức, không triệu tập BBT báo Tuổi trẻ, luật sư có quyền trình bày quan điểm của báo. Về thẻ nhà báo của Hoàng Khương, cơ quan điều tra có đề nghị rút thẻ nhưng cơ quan chức năng không thực hiện và luật tố tụng không quy định về vấn đề này, nên phiên tòa vẫn tiếp tục.

Phiên tòa nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân...
Phiên tòa nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân...

Công tố viên công bố cáo trạng. Theo đó, tháng 7-2011, nhà báo Hoàng Khương cùng một số đồng nghiệp tại báo Tuổi Trẻ được phân công thực hiện tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông”. Trong quá trình tác nghiệp, Hoàng Khương đã phát hiện đường dây tiêu cực trong giải quyết xe vi phạm giao thông.

Từ các tư liệu thu thập được, Hoàng Khương viết hai bài điều tra “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “CSGT giải cứu xe đua trái phép”. Sau khi hai bài báo trên được đăng trên Tuổi Trẻ, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam CSGT Huỳnh Minh Đức vì nhận tiền hối lộ của hai chủ xe vi phạm để trả xe không đúng quy định (tổng cộng 18 triệu đồng).

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt giam Hoàng Khương vì cho rằng nhà báo Hoàng Khương có liên quan. Viện KSND TPHCM ra cáo trạng nhận định rằng việc làm của nhà báo Hoàng Khương là “vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí đơn thuần”, là phạm vào tội đưa hối lộ.

Nhà báo Hoàng Khương đã nhiều lần gửi khiếu nại rằng bản kết luận điều tra và cáo trạng cáo buộc quá nặng nề. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan tố tụng xem xét lại vụ việc.

... và sự quan tâm của giới truyền thông
... và sự quan tâm của giới truyền thông.

Cáo trạng của Viện KSND TPHCM cũng truy tố Huỳnh Minh Đức về tội “nhận hối lộ” theo khoản 2 điều 279 Bộ luật hình sự, Tôn Thất Hòa (giám đốc DNTN Duy Nguyên) về tội “làm môi giới hối lộ” theo khoản 2 điều 290 Bộ luật hình sự. Nhóm bị truy tố về tội “đưa hối lộ” gồm: Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Công ty TNHH TMDVVT Tân Hải Phong - chủ ôtô đầu kéo gây tai nạn giao thông), Trần Minh Hòa (chủ xe gắn máy bị bắt giữ vì tham gia đua xe), Nguyễn Đức Đông Anh (em vợ Hoàng Khương, bạn của Trần Minh Hòa) và nhà báo Hoàng Khương.

Bản cáo trạng kết luận: Huỳnh Minh Đức đã lợi dụng nhiệm vụ được giao và quyền năng của mình nhận tổng cộng 18 triệu đồng để trả hai xe vi phạm: 3 triệu đồng để trả xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn (bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”) và 15 triệu đồng để trả xe gắn máy của Trần Minh Hòa (bài “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”) trái quy định. Hành vi của Huỳnh Minh Đức đã cấu thành tội “nhận hối lộ”.

Trong lúc đọc cáo trạng, công tố viên (thuộc Viện KSND TPHCM) đã đính chính cáo trạng. Theo đó, cáo trạng chỉ ghi Điều 279, 289, 290 Bộ luật Hình sự, nay đổi thành Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành thẩm vấn hành vi phạm tội các bị cáo.

Trần Anh Tuấn (SN 1966) - Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Phong, bị truy tố về tội đưa hối lộ đã được HĐXX thẩm vấn đầu tiên. Ông Tuấn khai, khuya 23-6-2011, xe do ông làm chủ gây tai nạn nên nhờ Tôn Thất Hòa (SN 1955, nguyên giám đốc doanh nghiệp Duy Nguyên; bị truy tố tội làm môi giới hối lộ), giúp đỡ.

Sáng chủ nhật 25-6, Thất Hòa hẹn Huỳnh Minh Đức (SN 1976, nguyên CSGT quận Bình Thạnh, TPHCM) và ông Tuấn ra uống cà phê. Tại đây Đức có nói giá 3 triệu đồng và ông Tuấn đã đưa số tiền này cho Hòa, để Hòa đưa cho Đức.

Tòa gọi Trần Minh Hòa (SN 1991, người có xe bị giữ do đua xe). Hòa khai, do trước đó đua xe và bị giữ xe 10 ngày nên nhờ Đông Anh (em vợ Hoàng Khương, cũng là bị can trong vụ án) lấy xe ra sớm.

Trước đó, Đông Anh đã một lần giúp bị cáo xin xe bằng cách nhờ nhà báo Hoàng Khương gọi điện thoại cho công an phường. Xong việc Đông Anh bảo bị cáo đưa 21 triệu đồng sau đó giảm xuống còn 15 triệu.

Khoảng 2-3 ngày sau, Hoàng Khương yêu cầu Hòa đem xe đi để chỗ khác sợ công an thu hồi và dặn Hòa là có ai hỏi thì nói không biết Khương, chỉ nói là có người bạn lấy giùm, không nói có chuyện tiền bạc.

Tòa hỏi Tôn Thất Hòa nhưng bị cáo này khai không quen Minh Hòa. Do Hoàng Khương nói có đứa cháu bị giữ xe, nhờ Thất Hòa lo xin ra giùm nên ba người đã hẹn nhau ở quán nhậu. Tại đây Khương để tiền trước mặt Thất Hòa. Thất Hòa đưa cho Đức. Đức hứa 2-3 ngày sau nhận xe nhưng phải cả tuần sau mới nhận được.

Đông Anh khai, không đưa tiền cho ai hết. Bị cáo chỉ giới thiệu Minh Hòa với Khương. Bị cáo không đua xe chung với Minh Hòa, mà chỉ là bạn cùng xóm. Năm 2008, Minh Hòa bị Công an quận Gò Vấp bắt giữ xe do đua xe. Thời gian này, Công an TP.HCM quy định phải có bản kiểm điểm để công an phường xác nhận thường trú. Minh Hòa nhờ bị cáo nói với Khương để Khương gọi cho trưởng công an phường 9, quận Phú Nhuận xác nhận vào đơn cho Hòa là đang cư ngụ tại phường, sau đó Hòa đóng phạt và lấy xe ra.

Huỳnh Minh Đức khai, ngày 24-6-2011, Tôn Thất Hòa chủ động làm quen và nói có chiếc xe của đứa cháu đua xe đang bị công an giữ, nhờ Đức lấy ra giùm.

Tại quán nhậu, Khương lấy một cọc tiền đưa cho Thất Hòa bảo đếm lại. Tổng số tiền trong xấp tiền Khương đưa là 15 triệu đồng. Đức nhận 15 triệu và hẹn ngày 30-6 giao xe. Thất Hòa nhiều lần gọi điện và Khương cũng nhiều lần nhắc Đức cho lấy xe của Minh Hòa ra sớm. Đức hẹn ngày 3-7-2011 sẽ giao xe. Đúng ngày này, Đức lấy xe ra và nhờ người giao cho Thất Hòa và Khương. Ngày 4-7-2011, Hoàng Khương chủ động gọi cho Đức hỏi về chiếc xe, Đức đòi Khương phải đưa thêm 3 triệu vì các lỗi vi phạm nộp phạt nặng. Khương đồng ý nhưng chưa thực hiện.

Do Đức không trả giấy tờ xe nên Thất Hòa dọa nhà báo Hoàng Khương sẽ viết tiếp bài 2, nếu trả sẽ dừng lại, không viết vụ 15 triệu đồng. Ngày 10-7, Báo Tuổi Trẻ đăng bài 2 "Giải cứu xe đua trái phép" do Hoàng Khương viết.

Hoàng Khương khai với HĐXX, anh chỉ tác nghiệp, không có động cơ cá nhân, bản thân Hoàng Khương thực hiện loạt bài theo chủ trương của ban biên tập. Số tiền 15 triệu đồng không phải lo lót để lấy xe ra. Anh quen Thất Hòa trong vụ tai nạn giao thông ngày 23-6-2011 (vụ va chạm xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn và xe du lịch - PV). Hoàng Khương đã đưa biên bản vi phạm của Minh Hòa cho Thất Hòa, Thất Hòa đưa cho Đức.

Hoàng Khương nhờ người về nhà lấy tiền và đưa cho Thất Hòa để đưa cho Đức. Tại bàn nhậu, Đức hứa sẽ trả xe sớm.

“Bị cáo đã đánh giá sai động cơ của hành động. Bị cáo khẳng định đây chỉ là tác nghiệp báo chí nhằm tìm ra chính xác sự việc hành vi của Đức. 15 triệu đồng không phải lo lót mà là đóng phạt. Bị cáo có đến quán cà phê và quán nhậu nhưng chính Tôn Thất Hòa là người đặt vấn đề cứu xe” – Khương khai.

Tòa hỏi, tại sao bị cáo nói rằng làm việc mà không lấy tiền của tổ chức mình làm việc mà lại lấy tiền của Minh Hòa? “Chỉ muốn tìm hiểu quy trình xử lý xe vi phạm sai phạm thế nào để phục vụ cho bài viết” – Khương khai. Anh khẳng định không gọi cho Đức xưng mình là nhà báo.

Bên công tố hỏi tiếp: “Bị cáo khai nhờ Thất Hòa giúp tác nghiệp nhưng Thất Hòa khai không tham gia vào việc tác nghiệp và ghi âm giùm bị cáo”. Khương trả lời, luật báo chí không quy định phạm vi tác nghiệp của nhà báo nên bị cáo không tránh khỏi những tình huống khó khăn, chỉ biết dấn thân vào dòng sự kiện, không lường hết hậu quả của hành động trên mang lại.

Luật sư Phan Trung Hoài tham gia phần xét hỏi. Ông hỏi Thất Hòa: “Bị cáo có biết anh Khương đưa bị cáo máy ghi âm không?”. Thất Hòa nói, tưởng máy nghe nhạc, nếu biết máy ghi âm ông ta không nhận. Khương dặn ông khi nào vào nhậu, giới thiệu Khương là Hùng - lái xe của ông. Khi chơi với nhau, Khương hay nói Khương là Hùng.

Luật sư công bố bút lục cho thấy ông Hòa biết Khương đang tác nghiệp. Phần ghi âm có đoạn ông Hòa trao đổi với Đức “em phải biết rằng em đang nằm trong quy trình điều tra của nhà báo...".

Luật sư Hoài hỏi vợ của Tôn Thất Hòa: “Xuyên suốt quá trình lấy xe đua ra, chị có biết người đi cùng chị là nhà báo Hoàng Khương không?”. Chị này trả lời, có biết Khương là nhà báo.

Trả lời câu hỏi của luật sư, Hoàng Khương nói, anh được phân công làm tuyến bài về giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông. Anh lên kế hoạch phân tích, nguyên nhân của tai nạn giao thông là do CSGT xử lý sai phạm không đúng quy định. Anh gọi Thất Hòa về việc có biết vụ tai nạn giao thông nào không để tìm hiểu rõ ràng. Thất Hòa gọi khắp nơi và biết tối 23-6 mới xảy ra một vụ và dẫn tôi theo cùng để tìm hiểu. Tôi theo mục đích để tác nghiệp cho đề tài được giao. Tôi không có thời gian la cà tìm hiểu những vụ đó ngoài mục đích công việc.

Phiên tòa tạm dừng vào cuối giờ chiều. Đúng 8 giờ sáng mai (7-9-2012), phiên xử sẽ tiếp tục phần xét hỏi.

Theo Viết
MỚI - NÓNG