Diễn biến li kỳ vụ 10 'hiệp sĩ' bị công an triệu tập

Diễn biến li kỳ vụ 10 'hiệp sĩ' bị công an triệu tập
TP - Dư luận đang xôn xao vụ việc 10 “hiệp sĩ” Bình Dương bị Công an quận 12, TPHCM triệu tập để làm rõ vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra vào đêm 17-8.

> 10 'hiệp sĩ' bị công an triệu tập

Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (áo trắng) trong một lần giúp dân bắt cướp
Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (áo trắng) trong một lần giúp dân bắt cướp.

Từ cuộc điện thoại kêu cứu

Trong bản tường trình gửi cơ quan chức năng, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, sáng 17-8, anh nhận được điện thoại của một người đàn ông tên Đinh Đắc Lộc tha thiết cầu cứu các “hiệp sĩ” đi bảo vệ để chuộc lại chiếc xe ô tô Innova bị một người thuê xe chiếm đoạt cách đây một năm.

Đến giữa tháng 8-2012, có một người gọi điện cho Lộc nói đang giữ chiếc ôtô, nếu muốn chuộc xe phải đưa 240 triệu đồng. Lộc cũng cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết.

Vẫn theo tường trình của “hiệp sĩ” Hải, tối cùng ngày, anh huy động 9 thành viên của CLB chia thành 2 nhóm đi giúp Lộc. 21 giờ đêm, đối tượng đòi tiền chuộc xe hẹn Lộc tại ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức, TPHCM), sau đó chuyển địa điểm về một tiệm cho thuê đồ cưới tại quận 10.

Tại đây, Lộc đi một mình vào tiệm, sau đó chạy xe theo đối tượng vào quán cà phê, gặp 3 người (2 nam, một nữ). Khi đi ra, Lộc nói đã đưa tiền theo yêu cầu của các đối tượng và đi cùng các “hiệp sĩ” tới chỗ lấy ôtô.

Một nhóm “hiệp sĩ” theo Lộc đi lấy xe, nhóm còn lại bám theo đôi nam nữ đang giữ tiền của Lộc, đề nghị họ về trụ sở công an giải quyết. Vẫn theo tường trình của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, do cán bộ trực ban Công an phường Trung Mỹ Tây, quận 12 từ chối tiếp nhận sự việc, các “hiệp sĩ” ra về, để lại Lộc cùng 2 đối tượng đòi tiền chuộc xe cùng tang vật.

Đến vụ “cưỡng đoạt tài sản”

Đến ngày 23-8, Công an quận 12 nhận được đơn của anh Nguyễn Văn Hiệp (43 tuổi, ở huyện Hóc Môn) trình bày, tối 17-8 anh Hiệp đang chở em vợ là Huỳnh Thị Mai Phương bất ngờ bị một nhóm thanh niên ép xe vào lề đường, móc thẻ đỏ xưng là công an, khống chế lấy 230 triệu đồng, là số tiền chị Phương mang theo để trong cốp xe.

Ngày 6-9, Công an quận 12 đã triệu tập 10 “hiệp sĩ” Bình Dương để điều tra làm rõ vụ “cưỡng đoạt tài sản”.

Ngay sau đó, các “hiệp sĩ” liên lạc lại với Lộc từ số máy đã gọi cầu cứu các “hiệp sĩ” ngày 17-8 ra làm chứng, nhưng số thuê bao này đã... khóa máy.

Sáng 5-10, trung tá Tăng Văn Liệt, Đội trưởng CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận 12 cho biết, sự việc trên khá nhạy cảm và hiện chưa xác minh xong. Công an quận 12 đã gửi báo cáo lên cấp trên về vụ việc trên và chờ ý kiến chỉ đạo.

Có cấu thành tội phạm?

Vấn đề đặt ra, nếu các “hiệp sĩ” chỉ đơn thuần là “giữa đường thấy chuyện bất bình” thì giới hạn của công dân trong việc phòng chống tội phạm ra sao?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, Điều 82 Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép bất kỳ người dân nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất.

Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Về trường hợp của các “hiệp sĩ” Bình Dương, luật sư Hậu nói: “Nếu những lời khai của các “hiệp sĩ” là đúng sự thật, tôi cho rằng trong vụ việc này đang có sự hiểu nhầm.

Bởi vì, các “hiệp sĩ” chỉ “yêu cầu” chứ không bắt giữ đôi nam nữ được cho là đang giữ tiền cùng các bên liên quan về trụ sở công an phường Trung Mỹ Tây giải quyết.

Thế nhưng cán bộ trực ban không thụ lý vụ việc, nên các “hiệp sĩ” mới ra về, còn ông Lộc và đôi nam nữ vẫn ở lại công an phường”.

Về hành vi cưỡng đoạt tài sản, luật sư Hậu cho biết: Theo Điều 135 Bộ Luật hình sự, tội cưỡng đoạt tài sản là việc một ai đó đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Về mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Điều quan trọng là người phạm tội phải có mục đích chiếm đoạt tài sản khi đó mới có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Đối chiếu với các tình tiết của sự việc, ông Hậu cho rằng các “hiệp sĩ” không có mục đích cưỡng đoạt tài sản trong vụ việc trên; cũng không đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của đôi nam nữ nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Trong vụ việc này có nhiều yếu tố chưa rõ, đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ” - luật sư Hậu nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG