Mất hơn 100.000 ha rừng do chuyển đổi đất

Mất hơn 100.000 ha rừng do chuyển đổi đất
TP - Chỉ trong vòng 5 năm (2007 đến hết 2011), rừng Tây Nguyên đã biến mất 130.000 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên, độ che phủ sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn 37%. Rừng Tây Nguyên mất chủ yếu do lãnh đạo các tỉnh này quyết định chuyển đổi rừng sang đất nông nghiệp hơn 101.000 ha.

> Có thể 'đóng cửa' rừng tự nhiên trên toàn quốc để ngăn chặn phá rừng

Phá rừng trồng cao su ở Gia Lai
Phá rừng trồng cao su ở Gia Lai.

Mất rừng trước mắt các Ban quản lý

Trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên có 53 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) đang được giao quản lý 951.192 đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng phòng hộ chiếm 432.405 ha và 278.328 ha đất rừng sản xuất (chủ yếu là rừng tự nhiên).

Mặc dù tổng diện tích rừng giao cho các BQL lớn như vậy, song theo Tổng cục Lâm nghiệp, hầu hết diện tích rừng các BQLRPH được giao chưa rà soát, đo đạc và cấp sổ đỏ, nguồn kinh phí cho quản lý bảo vệ rừng chủ yếu dựa vào ngân sách, hằng năm đều cấp thiếu so với ngân sách.

Từ thực trạng này, rừng bị mất, bị chuyển đổi ngay trước mắt mà BQL rừng không biết, hoặc làm ngơ. Ví như tại huyện Chư Prông, Gia Lai, cuối năm 1998 UBND tỉnh giao cho BQLRPH Ia Puch 11.041 ha đất có rừng, 98 ha đất trống, 6.439 ha đất trồng cây lâm nghiệp và 248 ha đất khác để quản lý bảo vệ khoanh nuôi, tập trung ở xã Ia Puch.

Thế nhưng, từ năm 2002 đến năm 2010, UBND huyện Chư Prông đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng trăm hộ gia đình, cá nhân thuộc lâm phần BQLRPH Ia Puch, tổng diện tích 280 ha, trong số này có gần 150 ha là đất có rừng.

Nhiều khu rừng dân phá, huyện mạnh tay cấp bìa đỏ như Tiểu khu 918 diện tích 59 ha rừng, Tiểu khu 922 gần 42 ha, Tiểu khu 917 gần 27 ha… Ngay cả Bí thư Huyện ủy Chư Prông cũng nhảy vào trồng cao su trên đất do BQLRPH Ia Puch quản lý, sau đó được UBND huyện cấp bìa đỏ.

Năm 2005, BQLRPH Ayunpa, Gia Lai lập phương án giao khoán rừng tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa-Gia Lai, trong đó rừng IIB có 154 ha, rừng IIIA1 có 1.201 ha, rừng IIIA2 125ha, trữ lượng gỗ bình quân lên đến 101m3/ha. Rừng này được giao cho 51 hộ nhận chăm sóc bảo vệ.

Phương án này không được UBND tỉnh Gia Lai cho phép triển khai nhưng ông Trần Đình Thanh, Trưởng BQLRPH Ayunpa, đã chia hết rừng cho các hộ.

Người dân thay vì bảo vệ phát triển rừng đã đua nhau phá rừng làm rẫy, trồng cây nông nghiệp, mua bán... Theo xác minh của PV, có cả cán bộ xã Pờ Tó, người vốn thuộc BQLRPH Ayunpa và Cty Mía đường Ayunpa nhảy vào trồng mía trên đất rừng.

Xé lẻ dự án, lách nghị quyết Quốc hội

Ngày 29-6-2006, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 11 đã biểu quyết, sau đó Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án công trình quan trọng quốc gia phải thông qua Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1-10-2006.

Trong đó, “dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, thuộc dự án công trình quan trọng cấp quốc gia cần được Quốc hội phê chuẩn”.

Thế nhưng, từ năm 2007, để thực hiện chủ trương mở rộng, phát triển diện tích cao su tại Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch, giao cho các doanh nghiệp thăm dò hơn 700 dự án với tổng diện tích gần 216.000 ha đất lâm nghiệp có rừng chuyển đổi sang các cây trồng khác, chủ yếu là cao su.

Để tránh phải trình Quốc hội xem xét, ngày 4-3-2008, UBND tỉnh Gia Lai có công văn số 465 gửi các doanh nghiệp “lập dự án đầu tư, mỗi dự án diện tích được phép chuyển đổi sang trồng cao su không lớn hơn 1.000 ha”.

Từ công văn trên, nhiều cánh rừng rộng lớn được chia nhỏ cho các doanh nghiệp, hoặc cùng một doanh nghiệp chia nhiều tiểu khu liền kề ra nhiều dự án... Cho đến nay, chưa có một báo cáo tổng thể nào đánh giá tác động môi trường của việc chuyển đổi hàng trăm ngàn ha rừng ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, hậu quả của việc mất rừng thì những người dân Tây Nguyên và người sống ven sông suối có lưu vực ở Tây Nguyên cảm nhận rất rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG