Bà Trần Thúy Liễu trong trại giam: 'Người tình' không đến thăm!

Bà Trần Thúy Liễu trong trại giam: 'Người tình' không đến thăm!
Thời gian quy định cho phạm nhân được tiếp xúc với người thân 30 phút như quá ngắn. Chị đã nói với tôi nhiều về vụ án gây xôn xao dư luận mà chị là bị cáo. Có những điều chị chưa từng nói ra.

Bà Trần Thúy Liễu trong trại giam: 'Người tình' không đến thăm!

> Vợ nhà báo Hoàng Hùng kể về năm tháng đầu tiên trong trại

> Tòa y án chung thân đối với bị cáo đốt chồng

Thời gian quy định cho phạm nhân được tiếp xúc với người thân 30 phút như quá ngắn. Chị đã nói với tôi nhiều về vụ án gây xôn xao dư luận mà chị là bị cáo. Có những điều chị chưa từng nói ra.

Thúy Liễu (ngồi) ngay trước lúc đi đầu thú
Thúy Liễu (ngồi) ngay trước lúc đi đầu thú.
 

Nhờ lao động mà khuây khỏa

Không như sự hình dung của tôi trên suốt quãng đường từ nhà đến Trại giam Thạnh Hòa, Thúy Liễu không quá tiều tụy, suy sụp như tôi tưởng. Mọi chuyện đã đi qua, chị như đã quen dần với thực tế dù quá phủ phàng. Nét mặt của chị đã tươi tỉnh hơn nhiều so với những lần tôi thấy chị ở các phiên tòa, chỉ có vóc dáng là ốm hơn nhiều so với lúc ở ngoài đời.

Chị cho biết, hồi trước ở ngoài đời chị thường cân nặng 64 – 65 ký, mới đây chị cân kiểm tra ở Trạm Y tế trong trại, còn chưa tới 58 ký. Có lẽ nhờ giảm cân (ngoài ý muốn) mà dáng chị trông cân đối hơn, chứ không “mập mạp” như ngày nào.

Cũng nhờ đó mà trông chị trẻ hơn, đẹp hơn, dịu dàng hơn, chứ không ra vẽ “mệnh phụ phu nhân” như đã từng. Dù ở tù, nhưng tôi để ý thấy chị không bỏ mặc dung nhan của mình, tóc chị vẫn mượt mà, da trắng, môi đỏ... chứng tỏ chị vẫn thường xuyên tự chăm sóc nhan sắc. Chị cho biết, suốt từ lúc bị tạm giam ở TP.Tân An đến giờ, sức khỏe chị bình thường, không đau bệnh gì, chưa từng đi bệnh viện.

Chị kể, chị đã quen dần cuộc sống trong trại giam, nhịp sống ngày nào cũng như ngày nào: Sáng sớm dậy tập thể dục, xong ăn sáng, thay đồ đi lao động, đến trưa về ăn trưa, nghỉ trưa, rồi lại đi lao động buổi chiều, đến khoảng 4 – 5 giờ chiều thì được nghỉ, tắm giặt, xong ăn chiều, xem ti vi, khoảng 10 giờ tối đi ngủ.

Cuộc sống trong trại tuy không được tự do, nhưng điều độ và chuẩn mực hơn nhiều so với cuộc sống khá phóng túng của chị khi ở bên ngoài. Hằng tuần chị được sinh hoạt tập thể, được nghe cán bộ quản giáo nhận xét, đánh giá về mình, rồi xếp loại phấn đấu. Chị cho biết, chỉ có tuần đầu tiên khi mới lên đây chị bị xếp loại “trung bình” vì tòa án báo lên chị chưa đóng xong án phí (mà theo chị là do có sự nhầm lẫn nào đó, chứ chị đã nhờ người thân đóng xong), còn các tuần sau này chị đều được xếp loại khá.

Các cán bộ quản giáo giải thích rằng, kết quả xếp loại hằng tuần là cơ sở để phạm nhân được xét giảm án sau này. “Lúc nào Liễu cũng cố gắng chấp hành nội quy, lao động tốt để sau này được giảm án. Đối với Liễu 1 ngày giảm án cũng quý”, chị tâm sự.

Chị cho biết, trong phòng giam của chị có khoảng 40 phạm nhân nữ, ở gần cửa ra vào có treo một tấm lịch lốc. Sáng nào dậy chị cũng giành tự tay bóc 1 tờ lịch, rồi đếm 1 ngày nữa đã đi qua. “Nhưng không biết đến bao giờ Liễu mới bóc tới tờ lịch cuối cùng, tới ngày cuối cùng, vì Liễu bị xử án chung thân... Điều mong ước lớn nhất của Liễu là trong đời sẽ còn có ngày về với các con, lo cho các con...”, chị vừa nói vừa khóc.

Trong trại giam, chị có một sự chờ đợi, đó là đến ngày cuối tháng để 2 cháu Hồng Nhung và Hồng Châu từ TP.HCM về Long An, rồi được các dì đưa lên trại giam thăm mẹ. Khi ở ngoài đời, có khi chị bỏ nhà đi suốt ngày mặc cho 2 con không ai chăm sóc, dạy dỗ. Nay ngồi trong tù, chị ước ao có được một ngày tự tay mình lo cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ, từng buổi đi học. Nhắc đến 2 đứa con, chị vừa khóc vừa như tươi tỉnh hơn.

Chị cho biết, cháu nhỏ Hồng Châu đang học nội trú (lớp 9) ở TP.HCM, kết quả học tập tốt, cháu còn có nhiều năng khiếu giống cha Hoàng Hùng. Cháu Hồng Nhung không thể tiếp tục theo học cho hết THPT, nhưng cũng đang chịu khó học nghề uốn tóc để bảo đảm ổn định tương lai. Từ ngày xảy ra tai họa gia đình, rồi chị bị tạm giam, nay thành án, các con đã nhiều lần đến thăm chị, nhưng chưa khi nào chúng có lời lẽ hay tỏ ra oán hận, căm ghét chị. Có lẽ các con trách chị thì ít, mà thương yêu chị thì nhiều.

Trại giam Thạnh Hòa – Phân trại số 3 nằm giữa vùng chuyên canh mía của huyện Bến Lức. Khi đến thăm chị, tôi thấy chung quanh trại giam có nhiều phạm nhân mặc đồ tù lao động trên các ruộng mía, công việc đồng áng khá vất vả. Thúy Liễu cho biết, chị không phải đi lao động trên đồng mía, mà được giao làm cỏ, quét dọn vệ sinh trong khuôn viên trại giam.

Công việc không mấy nặng nề, chỉ có điều phải thường xuyên ở ngoài nắng. Từ khi trở thành vợ Hoàng Hùng, chị hầu như không làm việc gì cụ thể, không tham gia lao động sản xuất, mọi mặt trong cuộc sống đều do một tay chồng lo liệu, chị chỉ việc chăm sóc con (lúc chúng còn nhỏ), còn lại là “ăn không ngồi rồi”, lê la các quán cà phê, thỉnh thoảng cùng các chiến hữu nữ vào quán nhậu, về sau này là đi casino...

Tôi cứ ngỡ, cả quãng thời gian dài không động đến chân tay, giờ lao động nặng nhọc chắc là chị khổ sở, ngán ngẫm. Nhưng không, chị cảm thấy khuây khỏa khi hằng ngày được lao động sản xuất, thấy cuộc sống của mình còn có ích, dù chỉ là làm sạch sẽ một khoảnh sân của trại giam. Thời gian chị lao động ở trại giam chưa lâu, nhưng tác dụng “cải tạo” con người qua lao động sản xuất ở trại đã thể hiện rõ, chị nói: “Cuộc sống có nhiều điều hay hơn là Liễu từng nghĩ, không hiểu sao lúc đó mình không nhận ra, để đến giờ thấy được thì đã quá muộn”.

Đâu là động cơ đốt chồng?

Hiện trường vụ án
Hiện trường vụ án.
 

Nhắc về vụ án mà chị là bị cáo, Thúy Liễu cho biết chị chẳng phàn nàn điều gì, tòa đã xử đúng luật pháp, chị gây ra tội lỗi thì phải chịu trừng phạt. “Bây giờ mọi chuyện đã đi qua, chẳng ai có thể thay đổi được bản án, Liễu chẳng cần “thanh minh thanh nga” làm gì, nhưng em thề là em không bao giờ có ý định giết anh Hùng, ảnh chết là ngoài ý muốn...”.

Vụ án đã kết thúc, tình tiết vụ án đã được bị cáo Thúy Liễu khai tỉ mỉ trước các phiên tòa. Mọi chuyện dường như đã quá rõ ràng, mọi người đã hài lòng với bản án đã tuyên. Đối với tôi mọi chuyện cũng đã quá rõ ràng, duy chỉ còn 1 điều làm tôi mãi băn khoăn, định khi nào gặp chị hỏi cho ra lẽ, đó là: Động cơ thật sự nào đã làm chị đốt chồng?

Tại các phiên tòa, chị cho rằng mình đốt chồng vì những lý do: Bị Hoàng Hùng đánh đập, xúc phạm, nên đốt Hoàng Hùng để "cảnh cáo"... chứ thật lòng chị không chủ ý giết chồng, nạn nhân chết là ngoài ý muốn của chị. Thế nhưng, nếu chị muốn “cảnh cáo” chồng thì cứ công khai đốt rồi nói với Hoàng Hùng là: “Tôi đốt để cảnh cáo anh vì anh đã đánh đập, nhục mạ tôi, để sau này anh đừng làm như vậy nữa”, cớ sao lại bày ra chuyện dựng hiện trường giả như chúng ta đã biết?

Tôi đặt câu hỏi này ra với chị, chị chỉ im lặng, mím môi, nước mắt rưng rưng. Trước đây, tôi đã từng đặt ra giả thiết về động cơ đốt chồng của Thúy Liễu như sau: Chị đang mang nợ khá nhiều, có nguy cơ phải bán nhà trả nợ, đó là điều cả chị và Hoàng Hùng đều khó có thể chấp nhận. Trong khi, nếu 1 nhà báo vì chống tiêu cực mà bị ai đó lén lút trả thù, phải bị thương nằm bệnh viện, có khả năng sẽ được cơ quan, đồng nghiệp, những nhà hảo tâm giúp đỡ.

Với suy nghĩ đó, chị đã dựng lên 1 vụ “trả thù” như vậy để mong có được sự giúp đỡ của xã hội mà xử lý chuyện nợ nần trong hoàn cảnh túng quẩn không lối thoát. Sở dĩ trước tòa chị không dám nhận động cơ đích thực giết chồng, vì điều ấy nghe có vẻ nhẫn tâm quá! Tôi đã thẳng thắn nói với chị nhận định của mình về động cơ đích thực của vụ án chị đốt chồng. Chị lắng nghe, nước mắt rưng rưng, không phủ nhận mà cũng không xác nhận điều tôi vừa nói ra.

“Người tình” không đến thăm!

Ông Nguyễn Văn Tâm tại phiên tòa
Ông Nguyễn Văn Tâm tại phiên tòa.
 

Tôi đến trại giam thăm chị vào 1 ngày trung tuần tháng 10.2012, không phải vào dịp cuối tháng lúc các con chị thường đến thăm. Sau đó chị kể, khi nghe cán bộ quản giáo thông báo có người thân đến “thăm nuôi”, chị vừa thắc mắc vừa hồi hộp không biết ai đến thăm mình lúc này. Khi thời gian 30 phút cho “thăm nuôi” sắp hết, tôi hỏi chị một câu mà sau khi ra về mới thấy vừa thừa, vừa vô duyên: “Người ấy có đến trại thăm Liễu lần nào không?”.

Với đôi mắt buồn nhìn xa xăm, Thúy Liễu lắc đầu, nước mắt lại rưng rưng. Chuyện “quan hệ” giữa chị và ông Tâm chẳng còn gì phải giấu giếm, trước tòa chị đã thừa nhận chuyện ấy, ông Tâm cũng không chối cãi. Chỉ có điều, tôi vẫn chưa tin là anh Hoàng Hùng lại có thể “dửng dưng” để cho vợ mình đi “quan hệ” với người bạn của mình là ông Tâm.

Gặp lại chị, tôi không ngần ngại nói thẳng điều mà tôi chưa thể tin. Cũng với thái độ tự nhiên như lúc nãy, chị nói: “Bây giờ còn gì nữa mà giấu giếm, có ai làm thay đổi được bản án đâu mà không nói thật. Anh Hoàng Hùng hoàn toàn biết “chuyện ấy”, ảnh làm ngơ cho em muốn làm gì thì làm. Chỉ có đôi lần anh Hùng nhậu say về nhà (Hoàng Hùng rất ít khi nhậu say – NV), không kiềm chế được nên ảnh mắng chửi em, có lần ảnh đánh em...”.

Câu chuyện cuối cùng trong trại giam giữa tôi với Thúy Liễu là tình hình nợ nần của chị, về ngôi nhà quanh năm suốt tháng đóng cửa im lìm, trong ấy có bàn thờ của Hoàng Hùng. Thúy Liễu cho biết số nợ của chị không quá lớn như dư luận đồn đại, gia đình chị bên ngoài đã giúp thu xếp tạm ổn chuyện nợ nần.

Còn số phận của ngôi nhà nơi đang đặt bàn thờ Hoàng Hùng thì hãy còn quá sớm để chị nghĩ tới. “Nghĩ tới cảnh ngôi nhà suốt ngày đóng cửa im lìm, anh Hùng “ngồi” một mình trong bàn thờ, Liễu thấy xót xa quá!”, chị nói. Còn số nợ mà “người tình” của chị đã kiện đòi ra tòa, hiện nay đã giải quyết đến đâu? Tôi hỏi. Chị lại nhìn xa xăm, mắt thật buồn, nói nhỏ: “Thôi, cứ để tòa người ta giải quyết, họ quyết sao thì em chịu vậy”.

Thời gian “thăm nuôi” sắp hết, chị lại khóc, nhờ tôi chuyển lời đến tất cả bạn bè của anh Hoàng Hùng cho chị xin lỗi tất cả mọi người vì đã gây ra thảm cảnh cho anh Hùng. Đến thăm chị tôi không mua đồ “thăm nuôi” vì không biết chị cần gì, trong trại giam có thể sử dụng được thứ gì. Chị cho biết, trong trại giam có căng tin bán những đồ ăn, thức uống đơn giản.

Nếu muốn mua gì khác, trại giam cũng có người đi mua giúp các phạm nhân. Tôi gửi biếu chị 1 triệu đồng để chị cần gì thì mua, nhưng theo quy định phạm nhận không được nhận tiền trực tiếp, nên tôi phải đi gặp người có trách nhiệm đăng nộp. Định xin chụp ảnh chị làm kỷ niệm, hoặc nếu được thì đăng báo, nhưng theo quy định của trại, tôi không được chụp.

Chia tay chị, tôi trở về TP.Tân An. Đoạn đường từ Trại giam Thạnh Hòa về TP.Tân An chỉ khoảng 30 cây số, nhưng đối với Thúy Liễu là quá xa xôi, không biết tới bao giờ chị mới có thể về lại thăm mái nhà xưa. Tôi lại chạy xe ngang khu dân cư Đại Dương, nơi có ngôi nhà của Thúy Liễu và Hoàng Hùng vẫn đứng im lìm, bất động, xung quanh vẫn vắng vẻ, đìu hiu như gần 2 năm về trước, lúc mới xảy ra vụ án.

Theo Dòng Đời

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG