Vụ 'Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng': Ai phải trả ai trên 33 tỷ đồng?

Vụ 'Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng': Ai phải trả ai trên 33 tỷ đồng?
TP - Đã hơn 2 năm từ ngày Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố Nguyễn Thị Hoa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tới nay cáo trạng mới hoàn tất, được Viện KSND tỉnh tống đạt tới gần 100 người liên quan.

> Đề nghị truy tố 'cò' Hoa và 7 bị can
> Đăk Lăk: Bắt 'cò' ngân hàng Nguyễn Thị Hoa

Lùng nhùng vòng xoáy lừa đảo

Căn cứ kết quả điều tra, ngành kiểm sát xác định trong vụ án này bị can Nguyễn Thị Hoa đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 33 tỷ của 58 chủ hộ có quan hệ vay vốn Agribank Đắk Lắk, thông qua mạng lưới “cò lừa” do Hoa thiết lập bằng quan hệ ngầm với một số công chức xã Hòa Thắng và cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Tân Lợi.

Vụ án đặc biệt phức tạp với khối hồ sơ bút lục trên 8.000 trang, 115 người được triệu tập lấy lời khai. Vụ án kéo dài dư luận hoài nghi, các bị hại khó khăn kinh tế, 4 cái chết vì uất ức của nông dân bị lừa, hàng chục điều tra viên “mắc kẹt” vào một vụ việc, 8 bị can dài cổ chờ ngày xét xử, riêng cò Hoa sau khi lộ dạng lừa đảo dù kịp mang bầu sinh con vẫn ngồi trong trại tạm giam tới nay đã hơn một năm rưỡi.

Hồ sơ vụ án ghi nhận, cò Hoa khởi nghiệp từ nghề mua bán nông sản, sau chuyển qua dịch vụ “đáo hạn ngân hàng”.

Lợi dụng sự giám sát lỏng lẻo phía ngân hàng và sự thiếu hiểu biết của nhiều hộ nghèo cần vay vốn, Hoa đã cùng các đồng phạm nhận hàng trăm “bìa đỏ” để làm hồ sơ “vay giúp” tiền ngân hàng, vừa nhận hoa hồng vừa chiếm đoạt các khoản tiền vay khống rồi đổ nợ cho người vay.

Cần làm rõ: Ai trả nợ cho ai?

Bản Kết luận điều tra và Cáo trạng đều dày cả tập, với chi chít các con số, tên người và nhiều trang mô tả hành vi. Tuy nhiên, từng khoản tiền ai phải trả cho ai trong tổng số trên 33 tỷ đồng mà cò Hoa đã chiếm đoạt theo kết luận của cáo trạng vẫn chưa được phân tích cụ thể.

Trong khối tài sản bị kê biên của cò Hoa, vật có vẻ giá trị nhất chỉ là một chiếc giường bằng gỗ pơ mu đáng giá vài chục triệu.

Theo các chuyên gia pháp luật, cơ quan tố tụng cần kết luận chính xác các khoản nợ liên quan: Khoản nào cò Hoa phải bồi thường, khoản nào ngân hàng phải có trách nhiệm chi trả cho dân, khoản nào người dân phải trả ngân hàng...

Cũng theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi cán bộ tín dụng định giá tài sản thế chấp theo hướng vống cao so với giá trị thực, tạo điều kiện cho cò Hoa giả mạo hồ sơ vay nhiều tiền để chiếm đoạt, phải là trách nhiệm pháp nhân Agribank đối với cán bộ thuộc quyền.

Nhà đất vốn giá rẻ vùng nông thôn ngoại thành ở xã Hòa Thắng như nhà ông Hà Văn Đức (một trong 4 nạn nhân đã chết ) trị giá 198 triệu, đã bị định giá 800 triệu.

Nhà ông Bùi Đình Tân 177 triệu định giá 600 triệu. Nhà ông bà Thành - Huệ 105 triệu định giá 1 tỷ … Liều đến mức nhà tình thương xây theo chương trình 134 cho hộ nghèo, mẹ già con tàn tật của anh Thuận cũng bị định giá 200 triệu đồng.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn - Đoàn Luật sư Đắk Lắk nhận định, nhiều khả năng vụ án sẽ còn kéo dài do tòa cần trả lại hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

Nếu không, khi Agribank tiến hành kiện các con nợ nhằm thu hồi tài sản, nhiều nạn nhân của vụ cò lừa sẽ bị thiệt thòi, oan sai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.