Thanh lý hợp đồng hay cưỡng đoạt tài sản?

Thanh lý hợp đồng hay cưỡng đoạt tài sản?
TP - Ngày 23-1, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm bà Phạm Thị Mai, ông Võ Thanh Tùng về hành vi cưỡng đoạt tài sản và cố ý hủy hoại tài sản, vụ án đang thu hút sự chú ý của dư luận địa phương.

> Bỏ lọt tội phạm trong vụ đòi nợ thuê?
> Chân dung những tội phạm khét tiếng bị bắt 2012

Vụ án có 2 bị can, 2 bị hại và 39 người liên quan, cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng ban hành gần một năm trước, TAND tỉnh Sóc Trăng đã hoãn xử một lần.

Hợp đồng mua bán

Phiên toà bắt đầu với phần thẩm vấn về hợp đồng bán cá tra, giữa bị cáo Phạm Thị Mai (ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) với DNTN Vạn Hưng của bị hại Huỳnh Dù Táng (ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), ký tháng 9-2009, trị giá nhiều tỷ đồng.

Đến cuối năm 2010, DNTN Vạn Hưng còn nợ bà Mai 1,63 tỷ đồng, không có tiền trả nên xin bán nhà máy cho bà Mai để trừ nợ.

Ngày 20-1-2011, DNTN Vạn Hưng ký hợp đồng “bán nhà máy đông lạnh” với bà Mai, giá 5,5 tỷ đồng, và chuyển tiền nợ cá tra thành tiền đặt cọc.

Hôm sau, hai bên ký thêm phụ lục hợp đồng, thoả thuận dành một tháng cho DNTN Vạn Hưng tìm đối tác bán giá cao hơn, nếu không tìm được lúc đó sẽ thực hiện hợp đồng đã ký. Hợp đồng và phụ lục hợp đồng được chứng thực ở UBND xã sở tại.

Đến hẹn, chủ DNTN Vạn Hưng không tìm được mối bán nào khác và theo cáo trạng thì “cố tình lánh mặt”.

Còn theo kết luận điều tra, qua điện thoại, chủ DNTN Vạn Hưng nói với bà Mai cứ theo hợp đồng mà tháo dỡ nhà máy.

Trong chục ngày, bà Mai đã thuê người tháo dỡ nhà máy và không thể đưa qua cổng nên phá tường để đưa ra ngoài, số máy móc trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Bà Mai bị truy tố về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, và vì phá mảng tường trị giá hơn 6 triệu đồng nên bị thêm hành vi “hủy hoại tài sản”. Ngày 9-12-2012, bà Mai bị bắt tạm giam.

Còn bị cáo Võ Thanh Tùng cũng ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) bán cá tra cho DNTN Vạn Hưng, bị nợ gần 400 triệu đồng, đòi mãi không được.

Hôm ấy, thấy nhà máy của DNTN Vạn Hưng đã bị bà Mai dỡ nhiều thiết bị, ông Tùng liền thuê người dỡ một số món đồ trị giá hơn 72 triệu đồng, nên cũng bị truy tố về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Tài sản của ai?

Vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi nhiều người đặt câu hỏi: Hành vi của bà Mai là thực hiện theo hợp đồng hợp pháp và đã được chủ doanh nghiệp DNTN Vạn Hưng đồng ý, hay là cưỡng đoạt tài sản?

Luật sư bào chữa cho bà Mai viện dẫn Bộ luật Hình sự để nhận định tội cưỡng đoạt tài sản phải có yếu tố đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần người khác, nhưng trong vụ án này, CQĐT không chứng minh được bà Mai đe dọa bà Táng.

Một vấn đề khác, tại thời điểm bà Mai tháo dỡ nhà máy, ai là chủ sở hữu tài sản này? Cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vụ việc Huỳnh Dù Táng ký hợp đồng bán DNTN Vạn Hưng cho Phạm Thị Mai đang được TAND thị xã Vĩnh Châu thụ lý giải quyết”.

Luật sư của bà Mai nêu quan điểm, chỉ khi nào bản án dân sự tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản có hiệu lực pháp lý, mới xác định được chủ sở hữu tài sản của DNTN Vạn Hưng; và khi đó mới xác định được bị hại trong vụ này, cũng như hành vi của bà Mai có vi phạm luật Hình sự hay không.

Bị hại Huỳnh Dù Táng không có mặt tại toà nhưng có “Đơn xin giảm trách nhiệm hình sự” gửi Hội đồng xét xử, tự nhận nguyên nhân của vụ việc là do bản thân bà “thực hiện thanh lý chậm trễ hợp đồng”. Bà Táng đề nghị giảm nhẹ hình phạt với bà Mai “hoặc không truy tố về tội hình sự”.

Hôm nay, ngày 24-1, phiên toà tiếp tục.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.