Đấu thầu thiết bị giáo dục: Trò buồn, thầy bực

Đấu thầu thiết bị giáo dục: Trò buồn, thầy bực
TP - Dư luận các trường học An Giang nhiều năm nay bức xúc về công tác đấu thầu thiết bị giáo dục. Lãnh đạo tỉnh khẳng định “nếu báo chí cung cấp thông tin, bằng chứng, chúng tôi kiên quyết xử lý”.

> Bùng nhùng chuyện vay nợ ở Cty thiết bị giáo dục I

Một trường mầm non sử dụng thiết bị do Cty Tuyết Nga cung cấp
Một trường mầm non sử dụng thiết bị do Cty Tuyết Nga cung cấp.

Gấp rưỡi giá lẻ, Gấp ba thời hạn

Những năm gần đây, việc phải mua máy vi tính quá đắt gây bức xúc cho nhiều thầy cô giáo và học sinh ở An Giang. Những chiếc máy tính này được trang bị cho các trường THPT và THCS An Giang, theo các gói thầu của Dự án “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có nhiều khó khăn”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo của Chính phủ.

Đây là máy tính lắp ráp tại Việt Nam, song đắt hơn máy nhập ngoại. Chẳng hạn máy tính để bàn FPT Elead T61i giá 11.170.000đ/chiếc, cài phần mềm Microssoft mất thêm 2.000.000đ, tổng cộng 13.170.000đ/chiếc.

Hàng trăm chiếc được mua theo giá này cho hàng loạt trường trên địa bàn tỉnh, mỗi trường một đến hai phòng máy, mỗi phòng 25 máy vi tính để bàn và 01 máy chủ.

 Chúng tôi hoan nghênh báo Tiền Phong điều tra việc này. Chúng tôi sẽ xem xét, cần thiết sẽ lập đoàn thanh tra để làm rõ và xử lý nghiêm, tránh thiệt thòi cho các em học sinh và làm trong sạch môi trường đầu tư của tỉnh.

Ông Huỳnh Thế Năng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Theo tìm hiểu, máy tính có xuất xứ và cấu hình tương tự tại những Cty có hệ thống cửa hàng bán lẻ uy tín ở TPHCM (như Hoàn Long, Phong Vũ) hay ở An Giang (như Cảnh Toàn), giá từ 7.219.000đ/chiếc đến 7.590.000đ/chiếc.

Còn giá cài đặt phần mềm Microssoft là cả một câu chuyện dài, bài viết này chưa có điều kiện đi sâu hơn.

Cán bộ quản lý trường mầm non ở An Giang lại bức xúc về việc nhà thầu cung cấp thiết bị cho họ không đảm bảo chất lượng và tiến độ, điển hình là gói thầu “Thiết bị giáo dục tối thiểu cho các trường mầm non của Sở GD&ĐT An Giang”, đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Tuyết Nga.

Theo hồ sơ mời thầu cũng như hợp đồng giữa nhà thầu này với Sở GD&ĐT An Giang, trong 02 tháng kể từ ngày ký hợp đồng (28/12/2011), Cty Tuyết Nga phải hoàn tất bàn giao gói thiết bị trị giá 6,1 tỷ đồng. Thực tế công việc kéo dài gần 6 tháng, biên bản thanh lý hợp đồng đến ngày 14/6/2012 mới được ký.

Theo phản ánh của nhiều hiệu trưởng mầm non, lý do chậm tiến độ là bởi nhà thầu cung cấp nhiều mặt hàng chất lượng không đúng như hàng mẫu họ chào thầu. Mặc dù được Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang “ưu ái” ký thêm phụ lục hợp đồng kéo dài việc giao hàng đến 10/5/2012, song do nhiều nhà trường tiếp tục yêu cầu đổi hàng, nên việc giao hàng vẫn chậm với “ân hạn” hơn một tháng.

Mời thầu hạn chế, chấm lỏng tay…

Theo điều tra của PV Tiền Phong, dư luận các trường học ở An Giang bức xúc về công tác đấu thầu thiết bị giáo dục không phải không có căn cứ, bước đầu đã có thể chỉ ra một số sai phạm.

Về các gói thầu máy vi tính, chủ đầu tư (Sở GD&ĐT An Giang) quy định nhà thầu phải có giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, “hàng Việt Nam chất lượng cao” là danh hiệu do người tiêu dùng bình chọn, không thuộc hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Nhà nước Việt Nam, không thể dùng làm tiêu chí để mời thầu.

Việc chủ đầu tư đưa ra quy định này vô hình trung đã loại ngay từ đầu hàng loạt nhà thầu, và không khó nhận ra ai có thể “lọt” qua cánh cửa hẹp. Việc này đã có dấu hiệu vi phạm Điều 18 Luật Đấu thầu: “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Về các gói thầu thiết bị giáo dục mầm non, do có phản ứng của nhiều trường, mới đây, Sở GD&ĐT An Giang đã thuê đơn vị ở ngoài tư vấn và trực tiếp chấm hồ sơ dự thầu.

Chẳng hạn, gói thầu giá trần hơn 7 tỷ đồng mở ngày 21/12/2012, đơn vị tư vấn là Cty cổ phần Vina Sun; gói thầu giá trần gần 11 tỷ đồng mở ngày 24/12/2012, đơn vị tư vấn là Cty cổ phần Trung Nam.

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Ngọc Khởi đấu cả hai gói thầu trên. Theo điều tra của PV, hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp này ở cả hai gói thầu đều sử dụng tài liệu giả mạo - đó là Phụ lục 01 kèm theo Hợp đồng mua sắm thiết bị giáo dục ký ngày 4/9/2012 giữa DNTN Ngọc Khởi và Sở GD&ĐT Cà Mau.

Về hình thức, tài liệu này không phải bản sao, và thiếu con dấu của Sở GD&ĐT Cà Mau. Về nội dung, danh mục hàng hóa nêu trong phụ lục hoàn toàn trái ngược với bản hợp đồng giữa DNTN Ngọc Khởi và Sở GD&ĐT Cà Mau. Những lỗi rõ ràng như vậy không hiểu sao “qua mắt” được cả hai đơn vị chấm hồ sơ thầu...

“Sở GD&ĐT An Giang lập ra tổ chuyên gia để chấm hàng mẫu, song kết luận của họ không được quan tâm. Lãnh đạo Sở chỉ căn cứ kết quả chấm hồ sơ của mấy đơn vị thuê bên ngoài” - một hiệu trưởng trường mầm non đề nghị không nêu tên nhận xét - “Chấm kiểu đó nên nhà thầu từng bị chúng tôi phản đối vì cung cấp hàng không đúng với mẫu chào, thậm chí xài tài liệu giả, lại tiếp tục trúng thầu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG