Cty Cổ phần Dầu khí MeKong: Tiêu cực ở nhiều chi nhánh

Cty Cổ phần Dầu khí MeKong: Tiêu cực ở nhiều chi nhánh
TP - Sau khi Tiền Phong phản ánh tiêu cực ở Cty Cổ phần Dầu khí MeKong (PV OIL MeKong), Giám đốc Cty Lưu Văn Nguyện có công văn giải thích một số thông tin.

“Thực sự phá sản”

Theo công văn của ông Nguyện, năm 2009, Chính phủ chấm dứt cơ chế bù lỗ cho các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu thì PV OIL Mekong mang nợ lớn, do trước đây nhập theo chỉ đạo để bình ổn thị trường, tồn kho từ năm 2008 chuyển sang 2009 số lỗ lớn mà chưa được xem xét.

Món lỗ ấy cùng với lỗ do kinh doanh kém, tìm hiểu của PV Tiền Phong, tổng cộng hơn 370 tỷ đồng. “PV OIL Mekong đã thực sự rơi vào tình trạng phá sản”, công văn viết. Do vậy, TCty Dầu VN đã chỉ đạo tái cấu trúc Cty, nhờ đó năm 2012 đã có lãi lũy kế khoảng 25 tỷ đồng.

Về thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt Cục Hải quan và Cục Thuế TP Cần Thơ ra quyết định truy thu, phạt khoảng 300 tỷ đồng. Theo công văn, 67 tỷ đồng thuế GTGT đã nộp cho Cục Hải quan TP Cần Thơ là thuế đầu vào của lượng xăng dầu nhập khẩu từ năm 2007 đến tháng 9/2008.

Nguyên do, lượng xăng dầu này tạm nhập tái xuất nhưng sau đó tiêu thụ nội địa và thuế GTGT sẽ có hai phần, GTGT nhập khẩu nộp cho Cục Hải quan, còn GTGT chênh lệch theo giá tiêu thụ nội địa thì nộp cho Cục Thuế. Nhưng PV OIL Mekong đã nộp toàn bộ thuế GTGT cho Cục Thuế, nên khi Hải quan truy thu thì sẽ xin hoàn lại ở Cục Thuế.

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với lượng dung môi mà PV OIL Mekong dùng pha chế xăng dầu trong giai đoạn 2008-2009, theo công văn, đây là khoản thuế nhà sản xuất dung môi phải nộp, nhưng Cục Thuế TP Cần Thơ xác minh chưa nộp nên buộc PV OIL Mekong phải nộp. Cty đã tạm nộp gần 68 tỷ đồng và đang đề nghị xem xét lại.

Nhiều tiêu cực

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyện thừa nhận “cơ chế cũ có vấn đề”. Trong giai đoạn tái cấu trúc, PV OIL Mekong phát hiện Chi nhánh Kiên Giang làm tổn thất 9,8 tỷ đồng, chủ động báo Công an TP Cần Thơ và Công an Kiên Giang điều tra. Cũng qua tái cấu trúc, phát hiện từ năm 2005 đến 2009, các cá nhân của Chi nhánh Kiên Giang đem hơn 382 tỷ đồng gửi ngân hàng (nhiều lần) lấy lãi chia nhau.

Nguồn tin từ Công an tỉnh Kiên Giang còn cho biết, đang xác minh số lượng xăng dầu do Chi nhánh Kiên Giang mua dung môi về pha chế những khi xăng dầu khan hiếm, để kiếm lời. Vi phạm này là nghiêm trọng, bởi chỉ PV OIL Mekong được phép pha chế xăng dầu tại Cần Thơ để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nhiên liệu.

Ngoài ra, Chi nhánh Tiền Giang cũng làm thất thoát hơn 300 triệu đồng, nay mới khắc phục được hơn 200 triệu. Chi nhánh Bạc Liêu làm thất thoát hơn 2 tỷ đồng, chưa có hy vọng thu hồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG