Gia cảnh khốn cùng của nghịch tử mê game giết mẹ

Vì mê game, thanh niên bất hiếu Lê Văn Toàn đã cướp mạng mẹ
Vì mê game, thanh niên bất hiếu Lê Văn Toàn đã cướp mạng mẹ
Ông bố sống với con “như sống với hổ”, cả tháng trời không dám hé răng, mắt chẳng bao giờ dám nhìn thẳng. Người mẹ thường xuyên bị con đấm đá và cuối cùng bị đâm chết vì vài ngàn đồng chơi game.
Vì mê game, thanh niên bất hiếu Lê Văn Toàn đã cướp mạng mẹ
Vì mê game, thanh niên bất hiếu Lê Văn Toàn đã cướp mạng mẹ.

Nạn nhân trong vụ án đau lòng này là bà Trần Thị Mười (51 tuổi, ngụ ấp 2, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu). Bà Mười là con út trong gia đình có 10 người con. Người chị sụt sịt than khóc không hiểu sao gia đình “khổ quá trời”.

Dì út vốn chịu nhiều thiệt thòi, lớn lên lấy chồng nghèo, cuộc sống đói nghèo. Vợ chồng không nhà cửa, ruộng vườn, được nhà ngoại chia cho một mảnh đất nhỏ dựng nơi ở tạm và hai công ruộng canh tác làm ăn.

Biết đời mình khổ, học hành không đến nơi đến chốn, ông bà gắng sức cho hai đứa con theo đuổi đường học. Tuy nhiên, cô con gái học hết phổ thông thì đòi nghỉ lấy chồng ở Cà Mau, thằng con trai đầu lòng học đến lớp 10 cũng phải dừng giữa chừng vì tối ngày mải chơi game.

Chồng bà Mười rầu rĩ kể, do không muốn sống mãi cảnh nghèo nàn, vợ chồng quyết định chuyển đổi mô hình kinh tế, “mạnh dạn” đem bán hai công ruộng là tài sản duy nhất lấy vốn nuôi heo thịt.

Thất bại. Mất hết vốn liếng, gia đình lâm vào cảnh bi đát. Không còn đường nào, vợ chồng bán luôn căn nhà và mảnh đất đang sống, đùm gói dạt xuống thị trấn giáp biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) làm nghề đi biển.

Nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cuộc sống bấp bênh trôi dạt chẳng đâu vào đâu, được khoảng 5 năm thì gia đình lại đưa nhau quay lại quê cũ, thuê nhà trọ 200 nghìn đồng/tháng để ở.

Chồng làm nghề bốc vác và bất cứ việc gì được thuê, vợ buổi sáng đi giúp bán tại một tiệm cơm, được trả công 30 nghìn đồng/buổi, chiều cũng ai thuê gì làm nấy.

“Đã nghèo còn gặp cái eo”, cách đây khoảng hai năm, thằng con trai nổi máu đi biển nên lặn lội trở lại Sông Đốc. Toàn (21 tuổi, ngụ ấp 2, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị bắt giữ khi cùng bạn bè đánh cá xa bờ vượt sang bên biên giới Malaysia, cha mẹ nghèo lại phải vay mượn cả chục triệu đồng chuộc con về.

Từ đó Toàn thường xuyên ra quán đánh điện tử và không chịu làm bất cứ nghề gì. Hắn vòi vĩnh mẹ bằng đủ mọi cách, bà Mười thương con lại trích ra một khoản trong số tiền chợ ít ỏi đưa cho con đi ăn tiêu. Được một thời gian, Toàn tiều tuỵ về thể xác, người gày tong teo, đen nhẻm.

Theo ông bố, Toàn không giao du với ai, tính lầm lì ít nói, ngoài thời gian chơi điện tử ra chỉ mắc võng trong nhà nằm cả ngày không chán. Khoảng gần một năm trở lại đây, hắn có nhiều biểu hiện trầm cảm và “thần kinh có vấn đề” nên cục tính, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chính cha mẹ mình.

Ông bố vốn là người hiền lành chẳng dám nói con nửa lời, lâu ngày sinh ra sợ con, nhiều khi mấy tháng trời không nói qua nói lại một câu, cũng chẳng dám nhìn thẳng mặt con.

"Nhìn nó gầy nhưng mặt hung dữ lắm”, hàng xóm nhận xét. Với người cha đã vậy, với mẹ không khá hơn. Cứ khi nào biết mẹ có tiền mà xin không cho, đứa con sẵn sàng chửi bới đấm đá đấng sinh thành.

Người chủ nhà trọ sống ngay gần đó bất đắc dĩ trở thành nhân chứng nhiều vụ con trai bạo hành cha mẹ. Ông kể, khoảng 3 ngày trước vụ án, Toàn từng hành hung mẹ.

Thấy mẹ vừa đi làm về, thằng con “nắm thóp”, biết có tiền nên chặn lại đòi tiền đi chơi. Bị mẹ từ chối không cho, lại còn gọi lại khuyên bảo mấy câu. Toàn chẳng nói chẳng rằng, tung chân đá mẹ mấy cái. Bà mẹ chạy ra ngoài sân, thằng con bất hiếu vẫn đuổi theo vung con dao nhỏ đâm vào tay mẹ. Đúng lúc đó, hàng xóm nghe náo loạn liền chạy vào can ngăn.

Bà Mười bị chảy máu nhưng vết thương lần đó không đáng kể. “Tôi là người hay can ngăn và khuyên nhủ này nọ nên nó ghét tôi lắm”, ông chủ trọ nói. Ông này kể tiếp trên dưới chục lần đã chứng kiến cảnh con trai đánh mẹ, chính bản thân ông cũng trở thành nạn nhân của tên côn đồ này.

Hôm đó ông đang ở nhà thì thấy hai mẹ con thuê trọ kế bên to tiếng với nhau, không biết bực chuyện gì mà Toàn đá chân vào tường, nhà ông ở bên này vẫn nghe rầm rầm. Ông liền chạy sang nói vài lời với Toàn rồi quay về, nhưng vừa bước ra ngoài sân đã bị hắn cầm dao rượt đuổi. Vợ ông tri hô kêu làng xóm, còn ông may chạy vào nhà đóng cửa lại mới được an toàn.

“Sau vụ đó, cô Mười không dám để dao ở trong nhà, sợ thằng con nổi khùng gây ra chuyện”, chủ trọ cho biết. Thấy sự việc bất thường, mấy chị em cô Mười bàn lại với nhau, ai cũng khuyên nên báo công an đưa Toàn đi trại giáo dưỡng hoặc giám định thần kinh để biết cách phòng tránh. Nhưng người mẹ thương con cứ khất lần mãi không thực hiện theo lời khuyên của mọi người, để cuối cùng hậu quả đáng tiếc đã xảy đến.

Sáng 18/4, bà Mười quyết định đưa Toàn đến cơ sở y tế khám bệnh vì thấy con quá tiều tuỵ. Bác sĩ chẩn đoán thanh niên này bị suy nhược thần kinh, bà mẹ thương con nên dồn hết tiền mua thuốc, Toàn miễn cưỡng đi cùng với mẹ, đến lúc xin tiền lại nghe mẹ nói không còn đồng nào, thằng con cứ càu nhàu trách mắng mẹ.

Về đến nhà vẫn hậm hực không nguôi, đến tối cơm nước xong hai người vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại. Khi đó người bố qua hàng xóm chơi, nhà chỉ có hai mẹ con.

Không biết mẹ con nói nhau chuyện gì mà bà Mười đang ở ngoài sân thì thằng con từ trong nhà lao ra, cầm theo con dao đâm khiến bà thiệt mạng.

Ông chủ trọ chứng kiến từ đầu đến cuối kể lại: “Tôi nghe rõ thấy tiếng bà mẹ cất lên ai oán van xin. Ban đầu là “con ơi sao đánh mẹ”, nhưng thằng con không dừng tay lại... Câu cuối cùng, bà ấy gọi chồng “anh ơi”, rồi lịm hẳn”.

“Sự việc diễn ra trong thời gian rất ngắn, khi mọi người chạy ra đã thấy bà Mười ngã gục”, vẫn lời nhân chứng.

Một người chạy xe ôm đi qua thấy vậy xuống can ngăn liền bị Toàn đâm chảy máu, ông này sợ quá phóng xe chạy thẳng.

Công an bắt hung thủ khi gã thẫn thờ đứng gần hiện trường.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, trưởng ấp 2 cho biết, cái chết của bà Mười khiến cả dân làng thương cảm, đau xót. Khổ sở hơn, gia đình không có tiền, cũng không có nhà để tổ chức tang lễ vì ở trọ, nay chủ trọ không đồng ý làm đám ma ở đó.

Dân làng bảo nhau xúm lại góp tiền của và tìm một điểm đất trống, dựng tạm cái lán để tổ chức đám tang tươm tất cho người phụ nữ xấu số. Người chồng muốn lập bàn thờ vợ cũng không biết đặt đâu, đành đưa gửi vào chùa nhờ thờ tự.

“Đám tang người dân đến chia buồn rất đông, ai cũng khóc thương cho số phận cô Mười. Hy vọng dưới suối vàng cô ấy cũng được an ủi phần nào và quên đi chuyện buồn về đứa con trai ngỗ ngược”, vị trưởng ấp nói.

Theo Minh Hữu
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.