Heo nái xổng chuồng, kiện tới tối cao

Heo nái xổng chuồng, kiện tới tối cao
TP - Một con heo nái xổng chuồng, cuốn theo cả trăm hộ dân quanh vùng vào diễn biến bi hài của cuộc tranh chấp hy hữu.

Tòa sơ thẩm đồng tình với người mất heo, còn tòa phúc thẩm xử thắng cho kẻ thủ tiêu con heo vật chứng khiến cả xóm thúc nguyên đơn kiện tới cùng vì cán cân công lý.

Bà Khâm “tháp tùng” bà Gái ( phải, cầm ảnh) đến báo Tiền Phong trình bày
Bà Khâm “tháp tùng” bà Gái ( phải, cầm ảnh) đến báo Tiền Phong trình bày.

Bà Đỗ Thị Gái (SN 1964, giáo viên tiểu học) sau ly hôn chuyển về cư trú ở tổ dân phố Đoàn Kết (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk). Ba cậu con trai đều làm và học xa nhà, bà mượn gian chuồng bỏ không của ông hàng xóm, mua lại con heo nái của anh Trãi gần nhà về nuôi cho đỡ hiu quạnh. Thương bà hiền lành chịu khó, mỗi khi bà bận công tác, láng giềng tốt bụng lại chăm heo giùm.

Lứa heo con đầu tiên vừa được bà Gái bán hết thì khuya 5/5/2012 heo mẹ động cỡn nhảy khỏi chuồng. Bốn giờ sáng bà Gái dậy tìm heo, hốt hoảng vạch từng bụi cây, góc vườn. Hàng xóm động lòng sốt sắng tỏa ra tìm giúp. Đặc điểm nhận dạng con heo xổng được chuyền tai nhau thuộc lòng: Heo nái da trắng có đốm đen gần tai, lưng gẫy, chân nhỏ, bụng sệ, nặng cỡ một tạ …

Nửa tháng sau, có người mách “Em thấy con heo của chị trong chuồng heo bà Thọ”. Bà Gái vội sang nhà bà Nguyễn Thị Thọ cách vài căn phía đối diện, thấy trong chuồng có 3 heo nái, con trong cùng y hệt con heo lạc của bà, nhưng bà Thọ khăng khăng bảo đó là heo bà Thọ. Năn nỉ bà Thọ trả heo không được, bà Gái trình báo sự việc lên chính quyền.

Tối 21/5/2012, tại nhà bà Thọ, dưới sự chứng kiến của ông Lê Anh Tuấn công an thị trấn, ông Lê Thái Trãi nhân chứng thề độc: Con heo nái trắng đốm đen trong chuồng bà Thọ đúng là heo tôi đã bán cho bà Gái! Bà Thọ cãi: Con heo đã thả đực 2 tháng, 13 vú, 9 đốm ở mông, 2 đốm đều 2 tai là heo của tôi ! Rốt cuộc, các bên đành nhất trí lập biên bản tạm giữ con heo.

Biên bản ghi rõ “Trong thời gian xác minh con heo phải để tại nhà bà Thọ không được di chuyển đến địa điểm khác”. Ký dưới biên bản phần “Đại diện chính quyền” có ông Nguyễn Văn Vượng trưởng thôn, ông Phạm Huy Tiến trưởng tổ bảo vệ dân phố.

Bị “tạm giữ”, heo nái vẫn “bốc hơi”

Ngày 27/9/2012, TAND huyện Lắk mở phiên xét xử công khai vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản, nguyên đơn bà Đỗ Thị Gái, bị đơn bà Nguyễn Thị Thọ, 20 nhân chứng đôi bên có mặt, hơn trăm người dân đến theo dõi phiên tòa.

 Tôi ủy quyền cho Kiểm sát viên Nguyễn Tiến Dũng thụ lý, ký giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ kiện. Hiện chúng tôi đang chờ rút hồ sơ từ tòa tỉnh về để xem xét mọi việc cho thấu đáo .

Trần Đình Khánh
Vụ trưởng Vụ 5 - Viện KSNDTC

Tại tòa, bà Thọ khai đã đổi một cặp heo con cho em trai tên Báu ở thôn Đông Giang xã Buôn Tría để lấy con heo nái đốm, việc này có anh Diệu, chị Tuyết, chị Huyền, bà Quất biết. Nhưng các nhân chứng đều khẳng định họ không biết, thậm chí bà Quất chưa tới nhà bà Thọ lần nào. Anh Báu khai dùng heo đực nhà anh phối giống cho con nái đốm, nhưng ông Nguyễn Bá Hoa trưởng thôn Đông Giang khẳng định anh Báu chưa bao giờ nuôi heo đực.

Bà Thọ khai con heo nái đốm đẻ sáng 10/7, tới 4 giờ 30 ngày 11/7 heo chết, bà gọi nhờ em gái là Nguyễn Thị Mai nhắn mấy người mua heo sọt từ nơi khác đến mua heo chết rồi báo với ông Vượng trưởng thôn. Nhưng ông Vượng khẳng định bà Thọ chỉ gọi cho ông lúc 7 giờ 46 để nói “heo em đẻ rồi”, ông dặn bà Thọ báo ngay cho công an và tòa án xuống lập biên bản làm việc. Song khi nhà chức trách tới thì con heo đốm đã biến mất.

Theo nhiều người dân địa phương, đây là khu vực đông dân cư, vậy mà lối xóm xung quanh và người dậy sớm tập thể dục đi đầy đường chẳng ai thấy có tốp mua heo sọt nào vô nhà bà Thọ cân heo chở đi. Hơn nữa, những người mua heo sọt ở vùng này đều từ địa phương khác tới, họ không bao giờ mua heo chết, cũng không thể có mặt tại huyện Lắk trước 8 giờ sáng…

Diễn biến đối chất tại tòa đầy kịch tính, khi lần lượt những lời khai tiền hậu bất nhất của bà Thọ và các em bà Thọ bị nhiều nhân chứng phủ nhận.

Thẩm phán Thái Duy Thắng chủ tọa phiên tòa khẳng định: Các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra và xét xử đều cho thấy con heo nái đốm trong chuồng bà Thọ đúng là heo của bà Gái. Do heo bà Gái không có chửa, mà chị em bà Thọ đã lỡ bịa chuyện phối giống nên tới ngày heo không đẻ được phải dựng tiếp màn kịch heo đẻ để tẩu tán vật chứng. Tài sản tranh chấp tuy không lớn nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến dư luận tại địa phương. Tòa tuyên bà Thọ phải trả án phí, bồi thường cho bà Gái 4,1 triệu đồng trị giá con heo và 600 nghìn đồng chi phí định giá.

Kiện đến tòa thượng thẩm

Bà Thọ chống án lên tòa tỉnh, dù không được mời nhiều nhân chứng vẫn phóng xe máy năm chục cây số lên tỉnh để cổ vũ bà Gái. Tại phiên phúc thẩm, tòa tỉnh không cho các nhân chứng phía bà Gái phát biểu ý kiến.

Bản án phúc thẩm ghi do “cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo đã có thai hay chưa, thuộc loại heo lai gì, có bao nhiêu vú…”, nên căn cứ xét xử “không có cơ sở vững chắc”; tuyên bác đơn khởi kiện của bà Gái.

Dân chúng phẫn nộ ký tên chi chít dưới những lá đơn khiếu nại của bà Gái gửi cơ quan báo chí, và ủng hộ bà Gái kiến nghị lên cấp Tối cao yêu cầu xử Giám đốc thẩm vụ này. Tháng 1/2013, Tòa Dân sự TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao hồi âm đã nhận được đơn, cho bà Gái biết vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ 5-Viện KSNDTC.

Hàng xóm lên tiếng

Bà Khâm, cán bộ Bảo vệ thực vật huyện Lắk: “Tôi biết rất rõ con heo chị Gái mất thế nào. Hôm tòa huyện xử, dân đến hơn một trăm người lắng nghe cả buổi, tòa tuyên xong ai nấy vỗ tay rầm rầm hoan nghênh. Bà Thọ hăm dọa sẽ thắng ở tòa tỉnh, chẳng ai tin, ngờ đâu sự thật bị bẻ cong dễ thế”.

* Bà Thắm, giáo viên hưu trí, cán bộ Mặt trận thôn: “Bản án huyện hoàn toàn công minh, còn bản án tỉnh khiến dân bức xúc kinh khủng. Chính tai tôi với rất nhiều người nghe bà Thọ tuyên bố trước sân tòa huyện: Chúng mày đừng vội cười, tao có người quen làm to trên tỉnh, chờ đó mà coi! Mỗi lần chúng tôi xuống cơ sở, dân đều níu lại hỏi: Tòa tỉnh nhân danh công lý mà xử như vậy, còn gì đáng cho dân tin nữa không? Họ bảo: Mấy triệu đồng giá con heo cũng to, nhưng không quan trọng bằng cách dân nhìn bà Thọ đảng viên cư xử”.

* Ông Tiến, Tổ trưởng tổ Bảo vệ dân phố: “Hôm lập biên bản tạm giữ, chúng tôi đã dặn bà Thọ rất kỹ là phải giữ nguyên vật chứng để xem xét. Vậy mà bà Thọ vẫn dựng chuyện để phi tang con heo! Chỉ cần chi tiết đó thôi đã đủ thể hiện bản chất sự việc rồi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG