Cựu trưởng phòng cảnh sát điều tra hầu tòa

Cựu trưởng phòng cảnh sát điều tra hầu tòa
Tạm giữ nhiều tiền và tài sản của đương sự nhưng các cựu sĩ quan công an đem gửi tiết kiệm lấy lãi, nhập quỹ riêng của đơn vị, chia nhau tiêu xài.

> Hôm nay, xét xử 'người hùng' trong vụ án Năm Cam
> Bắt thêm một cựu trung tá công an

Ngày 20/6, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử vụ 3 cựu sĩ quan công an bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Bị cáo Trần Văn Nên (nguyên phó phòng CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang) tiếp tục vắng mặt lần thứ 4 vì đang điều trị bệnh tâm thần ở Biên Hòa (Đồng Nai).

Luật sư của 2 bị cáo Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng CSĐT) và cựu thủ kho vật chứng Phạm Văn Út đề nghị HĐXX tiếp tục xin hoãn xử vì vắng mặt nhân chứng Phạm Thị Ánh (Giám đốc Công ty TNHH Thành Phát), đồng thời triệu tập nguyên giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang Nguyễn Chí Phi nhưng không được chấp nhận.

Theo cáo trạng, tháng 10/2002, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố gần 40 người liên quan vụ án buôn lậu của Hùng "Xì Tẹc" tại Công ty TNHH Thành Phát, thành phố Mỹ Tho. Quá trình điều tra, cảnh sát tạm giữ của các bị can trên 12 tỷ đồng và 249.000 USD. Thấy số tiền lớn, Trưởng phòng CSĐT là ông Ngô Thanh Phong bàn bạc với cấp phó Nguyễn Văn Nên thống nhất gửi tiết kiệm tại ngân hàng mang tên hai điều tra viên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn, lãi thu được nhập quỹ cơ quan.

Cuối tháng 5/2004, khi vụ án sắp kết thúc, ông Phong chỉ đạo thuộc cấp rút toàn bộ số tiền đã gửi tiết kiệm về nhập kho vật chứng, khi ấy lãi thu được gần một tỷ đồng.

Một tháng sau, tiền vật chứng chưa được chuyển cho cơ quan thi hành án nên lãnh đạo Phòng CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ông Phạm Văn Út (thủ kho vật chứng) đứng tên cá nhân gửi tiết kiệm 12,1 tỷ đồng dưới hình thức mua kỳ phiếu có kỳ hạn 3 tháng để lấy lãi 199 triệu đồng. Đến cuối tháng 9/2004 tổng tiền lãi thu được lên đến 1,16 tỷ đồng, ông Út trực tiếp quản lý.

Điều tra của VKSND Tối cao xác định, số tiền lãi nhập quỹ riêng tại Phòng CSĐT Công an Tiền Giang được sử dụng chủ yếu theo sự chỉ đạo của Phong và Nên. Trong đó, ông Phong nhiều lần chi tiếp khách trên 100 triệu đồng, cho sử dụng cá nhân không rõ mục đích gần 59 triệu, chi 100 triệu đồng mua 4 xe máy đồng thời đề nghị ông Nguyễn Chí Phi (khi đó là Phó giám đốc Công an Tiền Giang) duyệt cấp biển số trắng để 4 cán bộ lãnh đạo phòng sử dụng.

Ngoài ra, Phòng CSĐT còn duyệt cấp cho ông Phi một xe máy nhưng do vị này đã có xe công nên chi 25 triệu đồng tiền mặt. Các dịp lễ, Tết, chỉ huy phòng duyệt chi cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mỗi người 500.000 đồng, chi cho ông Phi 5 triệu đồng.

Đến tháng 10/2004, Phòng CSĐT chuyển thành Văn phòng Cơ quan CSĐT, ông Phong và ông Nên quyết định chia hết quỹ riêng còn tồn hơn 320 triệu đồng. Theo đó, 4 chỉ huy phòng và Phó giám đốc Phi mỗi người nhận thêm 23 triệu đồng; 58 cán bộ, chỉ huy đội tùy theo thâm niên công tác mỗi người nhận từ 2,2 đến 8 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, tháng 12/2005, bị can Phạm Thị Ánh (vợ Trần Thế Hùng, tức Hùng "Xì Tẹc") nộp 10 tỷ đồng. Ông Phong với cương vị là Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT đã chỉ đạo kế toán mở tài khoản gửi tiết kiệm thu về 199 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, trong 3 lần cơ quan điều tra gửi tiền vật chứng để lấy lãi 1,36 tỷ đồng, ông Phi được chia 80 triệu đồng. Còn lại ông Phong, ông Nên và thuộc cấp chia nhau, chiếm hưởng 623 triệu đồng.

Theo VKSND Tối cao, hành vi của ông Phong, Nên và Út "không chỉ trái với thông tư về việc hướng dẫn bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng trong quá trình giải quyết án hình sự mà còn làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn một tỷ đồng". Vì vậy, 3 ông này bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Với 2 điều tra viên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn, cơ quan điều tra cho rằng tuy mang tiền đi gửi tiết kiệm và đứng tên tài khoản từ năm 2002 đến 2004 (thu lãi 968 triệu đồng) nhưng do thành khẩn khai báo, không hưởng lợi nhiều hơn các cán bộ bình thường trong đơn vị. Hơn nữa, họ "chỉ thực hiện theo chỉ đạo của thủ trưởng" nên không phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần xử lý kỷ luật để giáo dục, phòng ngừa.

Cuối năm 2012, TAND tỉnh Tiền Giang đưa vụ án ra xét xử nhưng phiên tòa bị hoãn vì ông Nên có đơn xin vắng mặt điều trị bệnh. Hai lần mở lại sau đó cũng bị hoãn với lý do tương tự nên lần này HĐXX không hoãn nữa, tách phần truy cứu ông Nên ra để xét xử khi bị cáo này hết bệnh.

Tại tòa hôm nay, ông Phong thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng. Tuy nhiên, cựu trưởng phòng CSĐT cho rằng chỉ là thực hiện theo chủ trương chung và cấp phó Nguyễn Văn Nên mới là người trực tiếp gây ra sai phạm. Còn Út thừa nhận thực hiện dưới chỉ đạo của Phong, Nên.

Dự kiến chiều 21/6 HĐXX tuyên án.

Theo Duy Khang
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.