Dễ như ‘khoắng đồ’ chốn công sở!

Dễ như ‘khoắng đồ’ chốn công sở!
Là một trong những loại tội phạm có tỷ lệ tăng cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây trên địa bàn thành phố Hà Nội - theo thống kê của Phòng CSHS, tuy nhiên khi điểm lại những vụ việc đã xảy ra, trộm đột nhập có thủ đoạn gây án không mới. Có chăng, chúng phạm tội táo tợn hơn, và ý thức cảnh giác của người dân ngày càng… đi xuống.

Dễ như ‘khoắng đồ’ chốn công sở!

> Tên trộm ngủ quên trong ngân hàng

> Ô sin ăn trộm của chủ, gửi tiết kiệm 150 triệu đồng 

Là một trong những loại tội phạm có tỷ lệ tăng cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây trên địa bàn thành phố Hà Nội - theo thống kê của Phòng CSHS, tuy nhiên khi điểm lại những vụ việc đã xảy ra, trộm đột nhập có thủ đoạn gây án không mới. Có chăng, chúng phạm tội táo tợn hơn, và ý thức cảnh giác của người dân ngày càng… đi xuống.

Trong giờ hành chính, phòng bảo vệ của UBND phường G, quận Long Biên không một bóng người
Trong giờ hành chính, phòng bảo vệ của UBND phường G, quận Long Biên không một bóng người .
 

Nơi nào dễ mất đồ nhất?

Một trinh sát Phòng CSHS CATP Hà Nội nhận định: “Trong khối cơ quan công quyền, nhiều sơ hở nhất là trụ sở các ủy ban nhân dân xã, phường”! Vì đặc thù diện tích chật chội, nhất là các phường nội thành, nên đa phần ủy ban phường không bố trí được phòng riêng cho nhân viên bảo vệ. Trong giờ hành chính, phòng Văn thư thường “kiêm” luôn bảo vệ, kèm tấm biển hướng dẫn khách đến làm việc. Tuy nhiên, khách hay… kẻ gian khá dễ dàng không thực hiện hướng dẫn này, bởi phần lớn nhân viên Văn thư thường bận túi bụi. Qua vị trí của Văn thư – Văn phòng sẽ là phòng của các bộ phận, và với kẻ gian, phòng làm việc nào vắng chủ sẽ bị biến thành “con mồi”.

Sơ hở này đã bị kẻ gian lợi dụng hôm 27-6 vừa qua, tại trụ sở UBND phường C., quận Long Biên. Vụ trộm xảy ra trong khoảng thời gian từ 9 đến 10h sáng. Bị hại là một đồng chí Phó chủ tịch phường, và theo tường trình với cơ quan công an, diễn biến vụ trộm cho thấy, đối tượng đã “tăm tia”, chọn đúng thời gian khoảng 10 phút vị Phó Chủ tịch chạy sang phòng Chủ tịch bàn công chuyện. Chiếc máy tính xách tay để trong căn phòng không khóa cửa đã bị kẻ gian lấy đi. Trụ sở phường C. là dãy nhà 3 tầng mới xây, rất khang trang. Sáng 1-7, PV ANTĐ đã thực địa cơ quan công quyền này. Qua “chốt” bảo vệ với lý do vào bộ phận Văn thư, chúng tôi đã thoải mái đi lên các tầng của ủy ban phường. Việc xác định phòng nào khả năng có nhiều đồ đạc giá trị đối với kẻ gian là không khó.

Quá trình tìm hiểu vụ mất trộm tại phường C., chúng tôi ghi nhận một vụ mất trộm khác tại trụ sở UBND phường G., cũng thuộc quận Long Biên, đêm 25, rạng sáng 26-6. Điểm xảy ra vụ trộm là phòng Địa chính, tài sản bị mất là 2 chiếc máy tính xách tay. Cũng trong đêm đó, kẻ gian còn đột nhập phòng làm việc của Chủ tịch phường G., lục soát nhưng không lấy được gì. Tìm đến trụ sở phường G., chúng tôi bắt gặp cán bộ phường đang tất bật thuê thợ gia cố một số phòng. Hỏi chuyện kẻ gian đột nhập theo lối nào, ai cũng… lắc. Khối nhà 3 tầng – trụ sở phường – chỉ có một lối ra vào. Đêm đến, cửa khóa từ bên trong và có nhân viên bảo vệ ứng trực. Sáng 26-6, khi vụ trộm được phát hiện, cửa tầng 1 vẫn khóa, nhân viên bảo vệ vẫn… an toàn. Vậy mà cửa sổ phòng Địa chính trên tầng 2, rồi khóa cửa tủ, ngăn kéo bàn đều bị cạy tung. Quan sát một vòng quanh trụ sở phường G., chúng tôi nhận thấy vẫn còn một lối vào nữa mà không cần qua cửa chính là vượt qua bức tường cao hơn 1 mét, không cắm thủy tinh hay dây thép gai, rồi trèo tiếp lên tầng 2. Với người thường thì khó, nhưng với kẻ gian, động tác vượt tường, leo tầng ấy không quá vất vả, nhất là khi nhân viên bảo vệ đang ngủ dưới tầng 1.

Tang vật, phương tiện của một ổ nhóm trộm đột nhập bị cơ quan công an thu giữ
Tang vật, phương tiện của một ổ nhóm trộm đột nhập bị cơ quan công an thu giữ.
 

Ý thức kém, phòng ngừa yếu

Trong hồ sơ những vụ trộm đột nhập cơ quan công quyền “đình đám” ở Hà Nội thời gian qua được Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội lưu giữ, phải kể đến các vụ đột nhập trụ sở một số cơ quan Nhà nước, thuộc quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình. Một trụ sở xảy ra 2 vụ trộm đột nhập cách nhau chỉ 2 tháng, tài sản bị mất gồm đồ dùng điện tử cá nhân và tiền mặt. Khoảng thời gian giữa 2 vụ trộm nêu trên, trụ sở một cơ quan khác đã bị kẻ gian “viếng thăm”, lấy đi số tiền lên đến cả trăm triệu đồng của một cá nhân.

Đánh giá lại điều kiện – sơ hở - khiến kẻ gian lợi dụng phạm tội tại trụ sở 3 cơ quan trên, chỉ huy Đội Giám định dấu vết, Phòng KTHS chỉ rõ, nơi thì tường rào rất thấp nên không khó để kẻ gian đột nhập. Có trụ sở đã lắp camera có thể quan sát được cửa ra vào và quanh tường rào. Tuy nhiên, camera không tự quay, tự quan sát được nếu không có nhân viên điều khiển. Vị trí quay chủ đạo của camera cố định… cửa ra vào. Trong khi thực tế, rất ít kẻ gian chọn lối cửa chính để đột nhập. Khi đã qua mặt được nhân viên bảo vệ và camera, kẻ gian dễ dàng vào được các phòng và tha hồ lục soát. “Ỷ vào camera mà không tính toán hết vị trí quan sát, nhất là không có hệ thống báo động, sẽ vô tác dụng trước trộm đột nhập”, đại diện Phòng KTHS khẳng định.

Bên cạnh sự sơ sài về hệ thống, thiết bị bảo vệ, ý thức của nhiều lãnh đạo cơ quan công quyền, nhiều nhân viên bảo vệ còn đáng “báo động” hơn. Một sự so sánh đơn giản: đối với mỗi hộ gia đình, khi biết có một khe hở hay lỗ thủng nhỏ mà côn trùng hay chuột bọ có thể chui vào, chủ nhà sẽ lập tức tìm cách bịt lỗ thủng, khe hở ấy. Nhưng vẫn chủ nhà ấy khi đến cơ quan, ý thức phòng ngừa kẻ gian – dù có thể biết rõ nguy cơ xảy ra – lại không được cụ thể hóa thành hành động. Nhiều người xem việc cơ quan bị mất trộm là việc của… cơ quan và của cán bộ, nhân viên liên quan trực tiếp chứ không phải chuyện của mình. “Nếu mỗi người có ý thức hơn, coi công sở như chính nhà mình cần bảo vệ, thì công tác phòng ngừa trộm cắp công sở sẽ tốt hơn rất nhiều”, suy nghĩ của đại diện Phòng KTHS như sự chia sẻ kinh nghiệm đề phòng loại tội phạm táo tợn này…

(Còn nữa)

Theo Hoàng Quân
Anninhthudo

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG