Hỗn chiến bãi ngao: Sông Yên mong lặng sóng

Hỗn chiến bãi ngao: Sông Yên mong lặng sóng
TP - Vụ hỗn chiến làm 3 người chết, 9 người bị thương nơi cửa sông Yên (thuộc xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khiến cho những làng quê vốn nhộn nhịp tay chèo, tay lái cào ngao bỗng yên ắng lạ thường.

> Bắt khẩn cấp 7 người vụ hỗn chiến tranh bãi ngao
> Sẽ sớm khởi tố vụ án đánh nhau tranh chấp bãi ngao

Mâu thuẫn vì ngao

Từ khoảng năm 1995, tại các địa phương có vùng triều, bờ bãi ở các cửa sông bắt đầu đưa ngao vào nuôi. Ban đầu, chẳng mấy ai để ý đến việc nuôi ngao lỗ, lãi thế nào, đến khi lợi nhuận được nhìn thấy bằng những ngôi nhà cao tầng đã xuất hiện những “ông trùm ngao” ở các vùng. Có nhiều kiểu “trùm ngao”. Trùm thu mua, trùm thầu bến bãi, lại có “trùm cai bãi”, bất chấp là bãi khai thác chung hay bãi đã có hợp đồng giữa chính quyền, hình thành một nhóm người sẵn sàng va chạm khi xảy ra những tình huống bất lợi cho mình…

Trung bình mỗi lao động cào ngao tự nhiên thu nhập khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/ ngày, đợt ngao nhiều thu nhập cả triệu đồng/ngày. Ngao tự nhiên to, có giá trị cao từ 35.000 – 50.000 đồng/kg.

Thanh Hóa có nhiều huyện nuôi thả ngao và có ngao tự nhiên, trong đó Hậu Lộc được coi là một trong những huyện có bãi nuôi ngao lớn. Đầu năm 2011, một nhóm người bất ngờ tấn công, đánh chém 5 người trên một chòi canh ngao ở 2 xã Đa Lộc và Hưng Lộc khiến 1 người chết, 4 người bị thương, nguyên nhân cũng vì tranh chấp bãi ngao.

Trước và sau vụ việc này, nhiều đơn thư khiếu nạn, phản ánh liên quan đến việc nuôi trồng, khai thác ngao xuất hiện tại các vùng Nga Sơn, Hậu Lộc, chủ yếu tố nhau lấn chiếm, hợp đồng thuê không đúng quy định, dựng chòi canh, cắm cọc trái phép… Khi các hợp đồng bãi ngao được cơ quan chức năng kiểm tra, phân mốc rõ ràng, việc lấn chiếm trái phép gần như chấm dứt.

Tuy nhiên, ở những vùng trên nguồn ngao tự nhiên không nhiều. Ngược lại, cuối sông Yên, giáp cửa biển, nơi xảy ra vụ hỗn chiến hôm 7/7, có nguồn thu lớn là ngao tự nhiên ở lòng sông, nơi tàu thuyền đi lại, là vùng khai thác chung. Theo nhiều người dân, chính lợi ích kinh tế đã dần hình thành nên sợi dây “liên kết” của một nhóm người chuyên đi khai thác ngao, và họ cũng có nhiều cách hành xử khác người.

Kiểu “liên kết” mới

Qua điều tra của Tiền Phong, nhóm người trên chuyên khai thác ngao ở khu vực chung, hoạt động có gây quỹ để giải quyết các phát sinh như chi phí cho đại diện nhóm khi phải làm việc với cơ quan chức năng. Nhóm này có những quy định ngầm mà thành viên nào không tuân thủ coi như phải bỏ nghề.

Dù là vùng khai thác tự do nhưng người lao động cũng không được tự do vào khai thác. Một số người dân cho biết, nhiều lao động nghèo muốn vào khai thác nhưng không tham gia nhóm hội sẽ bị cấm cửa, thậm chí hành hung.

Một vùng khai thác ngao tự nhiên ở cửa sông Yên nhiều năm nay đã trở thành vùng cai quản riêng của một nhóm người có “máu mặt” ở 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Một thứ “liên kết” mới dần hình thành để chia sẻ lợi ích cá nhân, thứ “liên kết” giẫm đạp lên tình làng nghĩa xóm, có thể vi phạm cả pháp luật; đẩy người dân nghèo chân chính ra khỏi khu vực mưu sinh nhiều đời nay của họ.

Án mạng được báo trước?

Từ năm 2010, UBND xã Quảng Nham cho kiểm tra, đo lại số diện tích nuôi ngao trên địa bàn, đồng thời ký hợp đồng mới với các chủ hộ nuôi ngao, nhằm thực hiện nghiêm việc đóng thuế, cũng như đảm bảo ANTT tại địa phương. Từ đây, lợi ích của một nhóm người bị chia sẻ. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều người có “máu mặt” ngang nhiên cắm cọc ngăn sông Yên, cấm người khác vào vùng khai thác ngao chung.

Theo một cán bộ xã Quảng Nham (xin được giấu tên), chính quyền các cấp cần tăng cường quản lý diện tích vùng triều nuôi ngao; phân định rõ diện tích cho người dân thầu hằng năm, có biện pháp bảo vệ những hộ dân nuôi ngao, mạnh tay xử lý những đối tượng “bảo kê”, chặn đường mưu sinh của người dân nghèo tại vùng khai thác chung.

Một nhóm người dân làm nghề cào ngao tự nhiên buộc phải tố lên chính quyền địa phương. Đầu tháng 3/2013, chính quyền xã Quảng Nham huy động lực lượng, phối hợp với cơ quan chức năng nhổ cọc cắm trái phép, giải phóng lòng sông Yên. Đầu tháng 4/2013, lại xảy ra vụ va chạm trên sông Yên, chính quyền địa phương kịp thời có mặt nên rất may không có ai bị thương. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tháo dỡ hơn 100 cọc luồng cắm trái phép trên sông, tổ chức họp với 22 hộ dân yêu cầu phải tháo dỡ cọc trái phép.

Sông Yên lại nhộn nhịp bè cào ngao. Chưa được bao lâu, giữa tháng 4/2013 lại xảy ra vụ một nhóm người cào ngao tự do xâm phạm, khai thác trái phép bãi ngao có hợp đồng của 3 hộ dân ở thôn Tân, xã Quảng Nham, gây thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Công an huyện Quảng Xương vào cuộc, chưa xử lý xong vụ này thì xảy ra vụ hỗn chiến ngày 7/7 làm 3 người chết, 9 người bị thương.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Tân, xã Quảng Nham) nói: “Những người ngang nhiên khai thác ngao trong bãi của chúng tôi lại chính là những anh em, bạn bè, làng xóm thân cận. Tôi không nghĩ vì ai đó quá đói, quá nghèo mà làm bậy. Tôi đã làm nghề nuôi ngao hơn 10 năm nay, chưa khi nào cảm thấy bất an như những năm gần đây. Người dân lao động bình thường không được phép vào bãi ngao tự do để khai thác nếu không tham gia nhóm hội. Chồng tôi chết sớm, 3 mẹ con tôi nương tựa vào nhau. Ngày xảy ra sự việc bãi ngao, chúng tôi cũng bị một nhóm người ngang nhiên lấy ngao giữa ban ngày, tôi phải quỳ lạy xin mọi người đừng phá cướp”.

Xã làm đúng trách nhiệm?

Làm việc với PV Tiền Phong chiều 10/7, ông Mai Minh Phụng (Chủ tịch UBND xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia) nói: “Toàn xã có hơn 30 ha nuôi ngao được xã ký hợp đồng cho 30 hộ khai thác. Từ trước đến nay, xã không nhận được đơn từ phản ánh việc có cá nhân hay nhóm người nào bảo kê, cấm dân ra vùng khai thác ngao tự do hay ép giá. Tuy nhiên, trên địa bàn cũng có các sự việc như trộm ngao, cắm cọc trái phép trên sông Yên… Chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm của mình. Chúng tôi không tiên lượng được mâu thuẫn lợi ích từ con ngao có thể dẫn đến vụ án nghiêm trọng như vừa rồi”.

Vụ việc đánh nhau trên sông Yên chỉ diễn ra chừng 15 phút, nhưng làm cả khúc sông Yên náo loạn. Nhiều cán bộ của 2 xã có mặt trên 2 bờ sông, nhưng chẳng ai có thể trở tay khi chỉ một nhát dao hay một cục đá cũng đã lấy đi tính mạng của một người ở giữa sông. Có hay không sự chủ quan của chính quyền địa phương trong vụ việc, khi một người dân bình thường cũng tiên lượng được một vụ hỗn chiến sẽ xảy ra như một điều tất yếu?

Những cái chết và thương tích vì con ngao còn âm ỉ tại địa phương, là nỗi khiếp sợ của người dân. Trên dòng sông Yên mấy ngày nay không một bóng người cào ngao. Người dân địa phương đang mong ngóng trở lại những ngày bình yên bên sông Yên, để bà con lao động chân chính được mưu sinh trên dòng sông đầy nguồn lợi hải sản tự nhiên.

­­

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG