Công an bị tố đánh dân tàn nhẫn qua lời nhân chứng

Công an bị tố đánh dân tàn nhẫn qua lời nhân chứng
Khi nạn nhân bị đánh bất tỉnh, nằm co giật giữa đêm khuya, lực lượng Cảnh sát cơ động nhận tin báo đã tới đưa đi cấp cứu kịp thời.

Công an bị tố đánh dân tàn nhẫn qua lời nhân chứng

> Phó Công an xã bị tố hành hung dân
> Công an lên tiếng vụ 'đánh dân chấn thương sọ não'

Khi nạn nhân bị đánh bất tỉnh, nằm co giật giữa đêm khuya, lực lượng Cảnh sát cơ động nhận tin báo đã tới đưa đi cấp cứu kịp thời.

Giấy chuyển viện BV Chợ Rẫy đề nghị chuyển anh Sĩ sang BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM. Ảnh: Phan Cường
Giấy chuyển viện BV Chợ Rẫy đề nghị chuyển anh Sĩ sang BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM. Ảnh: Phan Cường.

Yêu cầu trả lại công bằng

 Chúng tôi tiếp nhận tin báo từ người đi đường, đến nơi trước cổng trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ thì thấy một thanh niên nằm bất động, lên cơn co giật, mình đẫm ướt nên bèn khiêng lên xe. Lúc này có hai người dân theo xe để làm chứng. 

Thượng sỹ Võ Quốc Hiếu - CSCĐ

Có mặt dưới chân cầu vượt An Sương, quận 12, phóng viên gặp được nhân chứng quan trọng, đó là lực lượng Cảnh sát cơ động - CA TP.HCM (người dân TP.HCM quen gọi là "141 thành phố").

Thượng sĩ Võ Quốc Hiếu - lái xe, cho biết: "Lúc đó là ca trực của ca trưởng Thiếu úy Dương Minh Hậu, chúng tôi tiếp nhận tin báo từ người đi đường khoảng từ 4 giờ sáng 13/8, đến nơi trước cổng trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (số 224 Phan Văn Hớn, KP6) thì thấy một thanh niên nằm bất động, lên cơn co giật, mình đẫm ướt nên chúng tôi khiêng anh lên xe. Lúc này có hai người dân theo xe chúng tôi để làm chứng".

Tại Phòng khám đa khoa Cộng Hòa (39 Phan Văn Hớn), chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - nhân viên phòng khám, cho biết nạn nhân được chở đến bằng xe Cảnh sát cơ động, khi đến với tình trạng bất tỉnh, hôn mê nên phòng khám chỉ sơ cấp cứu. Sau đó Cảnh sát cơ động mới gọi điện thoại người thân anh Sĩ đến.

Phòng khám dùng xe cấp cứu chở anh Sĩ đi đến Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi điều trị tiếp.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Sĩ được chẩn đoán chấn thương đầu, đa chấn thương cơ thể, đặc biệt vùng mặt và thái dương phải bị bầm, tụ máu, tay chân bị trầy xước...

Sau khi điều trị tại BV Chợ Rẫy, anh Sĩ được chỉ định đến BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM để điều trị tiếp nhưng vì tài chính khó khăn, eo hẹp thời gian (anh đi nấu bếp cho các quán ăn, nhà hàng ẩm thực - PV) nên anh viết đơn xin chuyển đến BV vệ tinh gần nơi cư trú để điều trị. Mọi chi phí, thuốc thang, công sức... đều tự tay anh và vợ sắp cưới tự lo liệu.

 Anh Khiêm trả lời PV VTC News. Ảnh: Hạnh Phương
Anh Khiêm trả lời PV VTC News. Ảnh: Hạnh Phương.

"Chi phí thuốc thang, tiền này tiền kia đã tốn gần 10 triệu đồng. Nhưng cái quan trọng là tôi yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ sự việc để trả lại công bằng, sự thật cho tôi, cho người dân thấp cổ bé họng" - Anh Sĩ bức xúc.

Anh Thái Minh Khiêm (SN 1986, tạm trú quận 11, quê Cà Mau) - nạn nhân vụ tai nạn giao thông nói trên, kể lại: "Chúng tôi đi làm bếp về khuya, khi đi qua ngã ba Phan Văn Hớn - Trường Chinh thì xảy ra tai nạn giao thông, tôi và bạn gái ngồi sau may mắn chỉ bị thương tích nhẹ, xe máy tôi bị hư hỏng nặng.

Bạn tôi là Phan Sĩ thấy tài xế có dấu hiệu bỏ chạy thì phóng lên chặn xe lại, yêu cầu tài xế xuống xe, và Sĩ định lao vào đánh tài xế thì bị tôi ngăn cản.

 Họ đánh nghe ghê lắm. Tiếng người kêu cứu, có người chạy trốn trong khi quần áo bị xé rách tả tơi, rượt nhau chạy ầm ầm, tiếng lùng sục khắp nơi. Lúc đó cả một đoạn đường bị náo động nhưng không ai dám xông vào khuyên can bởi không khéo bị vạ lây. 

Một người chứng kiến sự việc

Khi lực lượng bảo vệ dân phố xuất hiện khuyên hai bên thương lượng. Giằng co một hồi cũng thương lượng xong. Nhưng sau đó xuất hiện CSGT, một người mặc thường phục (trong nhóm CSGT) xưng là cảnh sát trật tự 113 yêu cầu kiểm tra giấy tờ tôi. Thấy vậy tôi đòi người này xuất trình thẻ ngành thì anh ta lớn tiếng quát nạt, hăm dọa tôi.

Kiêm kể tiếp: "Lúc sau, thấy cả nhóm người kéo đến lao vào đánh Sĩ, tôi lấy máy điện thoại ra quay vài giây thì một CSGT bước đến giật lấy điện thoại, la lớn "mày quay cái gì, tao tịch thu điện thoại mày luôn".

Vừa dứt lời, nhóm người lao đến đánh tôi, xé rách áo. Họ rượt đuổi, tôi sợ quá chạy bán sống bán chết vào nhà một dân trong hẻm trốn thoát. Các bạn tôi nhìn thấy vậy nên cũng hoảng sợ tản ra chạy trốn khỏi hiện trường".

Chị Nguyễn Thị Thúy An (SN 1991, quê Đồng Tháp, tạm trú Q.Tân Bình) - bạn gái Khiêm, cho biết: "Sau khi thấy anh Khiêm bị đánh bỏ chạy, em phản ứng lại thì anh áo đen hăm dọa nếu can thiệp vào sẽ bị ăn đòn nên em không dám làm gì".

"Chính em là người đứng ra ký nhận vào tờ giấy "đã nhận lại điện thoại của anh Khiêm" do CSGT tên Linh yêu cầu và em cũng là người ký nhận vào giấy hẹn ngày giờ lên làm việc vụ tai nạn giao thông giữa xe anh Khiêm và xe tải tại cơ quan CSGT Q.12 do lúc đó anh Khiêm bị truy đuổi đánh nên không thể có mặt ký nhận được" - Thúy An nói tiếp.

Trong nhóm bạn đi cùng với Sĩ và Khiêm, có anh Trần Chí Tâm (SN 1987, quê Bình Thuận, tạm trú Q.11), Tâm là người đứng bên ngoài chứng kiến, không hề có động thái phản ứng nào nhưng cũng bị vạ lây. "Tôi nghĩ nếu mình nhảy vào can thiệp thì cũng bị đánh nữa, nên tôi đứng quan sát theo dõi, tuy nhiên lúc tôi chạy xe trên đường về nhà nghỉ ngơi thì có hai người mặc đồ thường chạy xe theo, người ngồi sau dùng khúc cây gỗ đánh mạnh vào đầu tôi, may mà có nón bảo hiểm che đỡ nên chỉ bị choáng, ê ẩm một lát rồi hết" - anh Tâm nói.

"Lúc Khiêm bị đánh rồi bỏ chạy trốn rất lâu, Khiêm có nhờ điện thoại gọi cho tôi bảo đói bụng và mệt quá nhưng tôi không dám đến chỗ Khiêm chở đi vì có nhóm người đang truy lùng Khiêm ở đầu hẻm. Đến khi thấy vắng người đó thì tôi mới đến chở Khiêm về" - Tâm nói.

Anh Tâm nhận định nguyên nhân xảy ra vụ đánh nhau, thứ nhất là do bảo vệ dân phố và người đàn ông mặc áo thun đen đòi chúng tôi xuất trình giấy tờ, chúng tôi không chấp thuận; thứ hai, trong khi vụ việc xảy ra có hai người mặc thường phục đi chung với bảo vệ dân phố (có thể là dân thường) tham gia "a dua" vào đánh hội đồng, hành hung chúng tôi (ngoài bảo vệ dân phố và một đàn ông mặc áo đen đi chung CSGT đánh anh Sĩ và Khiêm).

Chị Nguyễn Thị Kim Thủy (SN 1991, quê Đồng Nai) - vợ anh Tâm, đang mang bầu 5 tháng thấy tình hình đánh nhau như vậy cũng chỉ biết đứng nhìn không dám có động thái phản ứng gì.

Chị Thủy Tiên - vợ sắp cưới Sĩ, cho biết, bản thân có phản ứng lại nhưng vì họ đông quá lại hăm dọa đòi đánh nên cũng chỉ biết đứng nhìn. "Họ đánh anh Sĩ mấy lần, sau đó còng tay đưa về công an phường. Em nghĩ chắc họ đưa về phường hỏi thăm vụ việc thế nào, rồi đến sáng cũng sẽ cho về nên em cùng mấy bạn an tâm ra về ngủ, không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy" - Chị Tiên bức xúc.

Chiếc xe lực lượng CSCĐ 141 CATPHCM (màu xanh) nằm dưới chân cầu vượt An Sương (Q.12) chở anh Sĩ đi cấp cứu trong đêm. Ảnh: Phan Cường
Chiếc xe lực lượng CSCĐ 141 CATPHCM (màu xanh) nằm dưới chân cầu vượt An Sương (Q.12) chở anh Sĩ đi cấp cứu trong đêm. Ảnh: Phan Cường .

Côn đồ núp bóng bảo vệ dân phố?

Hầu hết các nhân chứng đều cho rằng, xảy ra tai nạn giao thông là do lỗi của tài xế xe tải, phóng nhanh vượt ẩu khi đến khúc cua đã máng phải xe máy, kéo xe máy lê một đoạn. Tài xế xe tải dự định cho xe bỏ chạy bị anh Sĩ chạy lên cản đầu xe.

Thay vì dừng xe, tắt máy để nói chuyện thì tài xế xe tải lại cho xe lùi lại nên nhiều người đi đường cho rằng tài xế có ý định tông tiếp nạn nhân và thay đổi hiện trường nên yêu cầu tài xế xuống xe. Khi vừa xuống xe, tài xế bị hăm dọa và bị đánh tới tấp. Cặp đôi thanh niên (anh Khiêm và bạn gái) bị tai nạn hất sang lề vỉa hè, trầy xước cơ thể, xe máy hư hỏng.

Vụ việc tạm lắng sau khi xuất hiện nhóm bảo vệ dân phố đóng chốt gần khu vực xảy ra tai nạn đến hiện trường. Với đề nghị hai bên tài xế xe tải và xe máy nên tự thương lượng đưa ra giá đền bù thích hợp để giải phóng hiện trường.

Tuy nhiên, do việc thương lượng chưa thỏa thuận được (bên xe máy ra giá 5 triệu đồng, bên xe tải chỉ đưa ra 1 chiếc nhẫn và 200 ngàn đồng tiền mặt, theo tài xế xe tải tổng giá trị khoảng 3 triệu đồng) nên hai bên tiếp tục xảy ra lớn tiếng với nhau. Lúc này, bảo vệ dân phố mới điện thoại đến công an phường xuống hỗ trợ, đồng thời báo CSGT quận 12 xuống hiện trường làm việc.

Nghe thông tin từ công an, CSGT chuẩn bị xuống hiện trường hai bên mới đồng ý giá thương lượng, chuẩn bị giải phóng hiện trường. Cả nhóm chưa kịp đi thì lực lượng CSGT có mặt đề nghị giữ nguyên hiện trường, sau đó xảy ra vụ việc lùm xùm như đã nói trên.

Nói về trường hợp anh Phan Sĩ bị đánh, đa phần những người chứng kiến đều bất bình. Một nhân chứng cho biết: "Họ đánh dân như vậy không được, không ai có quyền đánh như vậy. Ai sai lỗi gì đều có luật pháp trừng trị, không thể đánh con người ta như vậy".

Nhân chứng nhớ lại: "Họ đánh nghe ghê lắm. Tiếng người kêu cứu, có người chạy trốn trong khi quần áo bị xé rách tả tơi, rượt nhau chạy ầm ầm, tiếng lùng sục khắp nơi. Lúc đó cả một đoạn đường bị náo động nhưng không ai dám xông vào khuyên can bởi không khéo bị vạ lây".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhóm đánh dân mà cụ thể là đánh anh Sĩ, nổi bật nhất đó là một người tên Hưng (còn gọi là Hưng "mập"). Qua xác minh của phóng viên, Hưng "mập" tên đầy đủ Nguyễn Hoàng Hưng - bảo vệ dân phố đóng chốt gần cầu Tham Lương (Q.12).

Hưng bị nhiều người phản ánh là một bảo vệ dân phố nhưng luôn xem mình như một công an, tính hách dịch, nhìn thấy ai ghét là đánh không cần phải trái, đúng sai... Có người còn gọi Hưng "mập" là côn đồ núp danh bảo vệ dân phố.

Trong đêm xảy ra vụ việc, chính hai bảo vệ dân phố là Phạm Mạnh Hùng và Nguyễn Hoàng Hưng là người trực tiếp chở anh Sĩ đến trụ sở công an phường Tân Thới Nhất (nằm trên đường Phan Văn Hớn, quận 12) - cách hiện trường xảy ra tai nạn giao thông vài cây số.

Sau đó, anh Sĩ được bàn giao cho công an, người trực đêm lúc đó tên là Minh - cảnh sát khu vực.

Mặc dù phóng viên đã cung cấp cho lãnh đạo công an phường số điện thoại, thông tin về anh Phan Sĩ nhưng cho đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì đối với anh Sĩ như hỏi thăm hay triệu tập lập biên bản vụ việc... làm rõ theo đơn tố cáo mà báo chí phản ánh trực tiếp với công an.

"Nếu tôi sai phạm tại sao công an không mời tôi lên làm việc mà lại có dấu hiệu im lặng? Tôi mong muốn vụ việc của tôi phải được đưa ra ánh sáng, ai sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nỗi đau thể xác tôi chịu đựng được nhưng nỗi đau tinh thần, mất niềm tin vào công lý, vào cuộc sống, tôi không thể nào chịu đựng nổi" - anh Sĩ nói.

Ngày 22/8, anh Khiêm được tài xế xe tải đền bù tiền thuốc và tiền sửa chữa xe máy bị hỏng tổng cộng trên 7 triệu đồng. Đáp lại, vật "làm tin" anh Khiêm giữ là 1 chiếc nhẫn (hơn 1 chỉ vàng 18k) được trả lại cho tài xế xe tải.

Theo Phan Cường
VTC

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG