Hơn 15.000 phạm nhân được đặc xá

Hơn 15.000 phạm nhân được đặc xá
TP - Sáng 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ họp báo, công bố các quyết định của Chủ tịch nước đặc xá cho 15.523 phạm nhân nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

> 15.523 phạm nhân được đặc xá
> Công khai, minh bạch từng trường hợp được xét đặc xá

Trao quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013. Ảnh: Tiến Hưng
Trao quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013. Ảnh: Tiến Hưng.

Trong số đó có 15.446 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và 77 phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện theo quy định được hưởng đặc xá năm 2013. Theo đó, các quyết định đặc xá có hiệu lực ngay từ ngày hôm qua (29/8).

Các phạm nhân đã nộp hơn 180 tỷ đồng

Cung cấp thêm thông tin, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong số phạm nhân được hưởng đặc xá có 16 phạm nhân thuộc 6 nước, vùng lãnh thổ; 4 phạm nhân phạm tội an ninh quốc gia; 3 trường hợp đặc biệt có nhân thân tốt, thân nhân gia đình liệt sỹ, có công với cách mạng và 1.842 phạm nhân nữ.

“Đối với người bị kết án phạt tù về các tội về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Theo báo cáo của các trại giam, trại tạm giam, các phạm nhân được đặc xá năm 2013 đã nộp phạt, bồi thường tổng số tiền hơn 181 tỷ đồng, 6.414 USD, 9.450 NDT. Phạm nhân nộp nhiều tiền nhất hơn 3 tỷ đồng, người ít nhất là 50 nghìn đồng” - Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Giúp đỡ hoà nhập cộng đồng

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước nói: Đặc xá năm 2013 một lần nữa khẳng định và thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tiến bộ, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Công an, từ năm 2009 – 2011, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội chỉ chiếm 0,83%. Có hơn 100 gương sau khi trở về địa phương đã hòa nhập tốt và có vị trí trong xã hội. Điều này cho thấy công tác quản lý, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả cao.

Quá trình xét, quyết định đặc xá cho các phạm nhân được thực hiện chặt chẽ, chính xác, công khai, công bằng, đảm bảo dân chủ. Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù họ là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, nếu họ có đủ điều kiện theo quy định đều được đặc xá”- ông Giang Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Giang Sơn, qua các đợt đặc xá cho thấy, đây là những cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm mà họ đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Để đạt mục đích giáo dục, cải tạo và đưa phạm nhân trở về cùng cộng đồng xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá trở về hoà nhập cộng đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.