Sắp xử vụ 'bầu' Kiên, Dương Chí Dũng

Sắp xử vụ 'bầu' Kiên, Dương Chí Dũng
TP - “Vụ án Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) sẽ được xét xử tại Hà Nội sớm”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói với PV báo Tiền Phong bên hành lang Quốc hội hôm qua.

> Vụ án Dương Chí Dũng: Bài học về công tác cán bộ!
> Khó thu hồi 1.000 tỉ thiệt hại từ vụ Vinashin

Thưa ông, cử tri đang rất quan tâm và có phần lo ngại việc xử 10 đại án tham nhũng sẽ “đầu voi đuôi chuột”, ĐBQH cũng sốt ruột vì tốc độ quá chậm.

 “Tham nhũng xảy ra rồi mới đuổi theo để khởi tố, điều tra, xét xử thì tôi thấy không ổn. Cái đó chỉ là biện pháp tạm thời, phải làm thế nào để người ta không thể tham nhũng”. 

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân
Tối cao Trần Văn Độ

Hiện nay, 6 vụ đã có kết luận điều tra, 4 vụ đã hoàn tất cáo trạng và tống đạt cáo trạng. Trong 6 vụ, đã ủy quyền công tố cho 2 cơ quan thi hành tố tụng của Hà Nội, TPHCM. Ở Hà Nội sẽ xét xử vụ Dương Chí Dũng (Vinalines), vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn, vụ Nguyễn Đức Kiên ở ngân hàng ACB. Trong 3 vụ ở Hà Nội thì vụ ngân hàng ACB và vụ Dương Tự Trọng đã bàn giao cho tòa án.

Còn TPHCM sẽ xét xử 3 vụ: vụ Vifon, Cty cho thuê Tài chính 2. Hai vụ này, theo thống nhất với tòa, phiên tòa sẽ được mở ra vào đầu tháng 11. Còn vụ thứ ba là Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng Giao dịch của Ngân hàng Công Thương) đã hoàn tất cáo trạng. Thời gian cụ thể tòa án sẽ quyết định. Phiên tòa sẽ được mở trong quý IV/2013.

Làm nhanh nhưng phải chính xác

Đối với những vụ án còn lại, lộ trình xử lý sẽ như thế nào?

Mỗi một vụ án có yêu cầu chứng minh khác nhau và khả năng đáp ứng của cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát khác nhau. Nhưng tinh thần chung là sẽ tập trung điều tra, phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan điều tra và công tố, khẩn trương chuyển hồ sơ cho tòa án, có thể kết thúc điều tra và xét xử. Những vụ còn lại khả năng phải sang năm 2014 mới có thể đưa ra xét xử được.

Tại sao những vụ án này phải để lại chậm hơn, cơ quan tố tụng có gặp phải khó khăn gì trong quá trình điều tra?

Những vụ này có khó khăn chung của yêu cầu chứng minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng có chức vụ. Vụ án lớn yêu cầu chứng minh rất nhiều. Ngoài ra, nhiều vụ có yếu tố nước ngoài, nhưng sự hưởng ứng cơ quan tố tụng nước ngoài có những nước tốt, có nước thì còn vài chỗ hạn chế. Chúng ta đưa ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi, nhưng khả năng đáp ứng của họ cũng có mức độ.

Một việc nữa là đòi hỏi của dư luận rất cao đối với các vụ án này, vừa phải chính xác, vừa phải triệt để, lại vừa phải nhanh, khẩn trương. Đây thường là những yêu cầu trái nhau. Cho nên tinh thần là chúng ta sẽ cố gắng hết mình, phối hợp với nhau thật chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và quần chúng nhân dân.

Tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng

Do chậm trễ trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thường rất thấp?

Thực ra, đối với các vụ án kinh tế và tham nhũng nói chung, không phải chỉ đến bây giờ mà từ lâu rồi, cũng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước, khả năng thu hồi tài sản thường không bao giờ đáp ứng được yêu cầu. Tức là không bao giờ thu được 100%, kể cả sau này cũng thế, đây là một thực tế.

Những vụ án khi phát hiện thì trên thực tế sự việc đã xảy ra nhiều năm rồi, không chỉ xảy ra trong quá trình điều tra. Điều tra, truy tố, xét xử chỉ là giai đoạn chứng minh thôi. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo chung là phải cố gắng thu hồi được càng nhiều càng tốt.

Trong tương lai, theo tôi, cũng cần có thay đổi về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, để làm tăng thêm khả năng truy thu tài sản. Chúng ta đang có hạn chế, những tài sản được chứng minh là hình thành bất hợp pháp, từ con đường phạm tội thì mới được thu hồi. Sắp tới, tôi nghĩ phải khắc phục điều này.

Cảm ơn ông.

Báo cáo trước Quốc hội sáng 28/10, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện truy tố 6 vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng. TAND TPHCM sẽ xử 2 vụ vào đầu tháng 11; 4 vụ còn lại sẽ được xét xử trong quý IV, có vụ sẽ xử ngay trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 6.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính từ đầu năm 2013, tội phạm tham nhũng tăng 12,9% về số vụ; tội phạm tham nhũng xử án treo giảm 3% so với cùng kỳ.

 

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG