Vụ cháy quán bar ở Zone 9: Xóm nghèo rơi lệ

Vụ cháy quán bar ở Zone 9: Xóm nghèo rơi lệ
TP - Có 6 nạn nhân tử vong trong vụ cháy quán bar thì có tới 2 cặp vợ chồng nghèo. Hôm qua, làng Quảng Yên (xã Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) chìm trong đau thương khi đón 5 người con xấu số về an táng.

> Lộ diện chủ bar bị cháy ở Zone 9
> Zone 9 được bảo vệ nghiêm ngặt để điều tra
> Hai cặp vợ chồng chết thảm trong vụ cháy ở Zone 9

Hai cặp vợ chồng cùng tử nạn

Một ngày sau vụ hỏa hoạn tại khu ăn chơi Zone 9 trên đường Trần Thánh Tông, Hà Nội làm 6 người thiệt mạng, chiều 20/11 PV Tiền Phong tìm về làng Quảng Yên (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Trong 6 nạn nhân, có tới 5 người cùng làng Quảng Yên, trong đó có 2 cặp vợ chồng.

 Chúng nghèo, nhưng rất mực yêu thương nhau. Cả nhà đều trông cậy vào vợ chồng nó, giờ mất đi tôi cũng mất chỗ dựa, con nó mất nơi nương tựa.

Nguyễn Thị Lượt

Vừa bước chân tới đầu làng, chúng tôi đã bị bao trùm bởi bầu không khí tang tóc cùng với cảnh nghèo xác xơ của ngôi làng. Gia đình các nạn nhân nằm liền kề nhau trên một con đường đất đá lởm chởm chỉ cách nhau vài bước chân, khiến không khí đau thương nhân lên gấp bội.

Căn nhà lụp xụp, diện tích chừng 10m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Bảy (SN 1976) và anh Nguyễn Phú Trì (SN 1973) chật cứng bà con lối xóm. Trên bàn thờ có 2 bát hương, gia đình chưa kịp làm di ảnh. Ngồi trước bàn thờ 2 con, bà Nguyễn Thị Lượt (77 tuổi, mẹ anh Trì) cho biết: “Gia đình nghèo, cháu lớn đã bỏ học, đi làm phụ giúp bố mẹ. Cháu gái thứ 2 mới học lớp 8, bố mẹ mất rồi, chắc tới đây cũng bỏ học luôn”.

“Chúng nghèo, nhưng rất mực yêu thương nhau. Cả nhà đều trông cậy vào vợ chồng nó, giờ mất đi tôi cũng mất chỗ dựa, con nó mất nơi nương tựa” - bà Lượt gạt nước mắt, tiếp.

“Sao tôi không được chết thay vợ chồng nó”

Gần nhà anh chị Bảy - Trì, căn nhà vợ chồng nạn nhân Nguyễn Văn Chí (SN 1979) - Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981) tang thương trong những tiếng khóc thảm. Bà Phạm Thị Điểm (69 tuổi, mẹ anh Chí) ngất lên ngất xuống khiến ai cũng nghẹn lòng.

“Nếu được chết thay vợ chồng nó, tôi cũng sẵn lòng” - bà Điểm khóc ngất
“Nếu được chết thay vợ chồng nó, tôi cũng sẵn lòng” - bà Điểm khóc ngất.

Trong dòng nước mắt chảy tuôn tràn trên gò má hốc hác, bà Điểm nức nở: “Khổ lắm, nhà nghèo, con nhỏ, nên 2 vợ chồng nó rủ nhau ra ngoài Hà Nội kiếm sống. Khi có công ăn việc làm là Chí về gọi bà con hàng xóm tham gia. Vợ chồng nó mới làm chưa đầy một tháng thì tai họa ập xuống. Cháu tôi còn quá nhỏ, ai lo bây giờ? Nếu được chết thay vợ chồng nó, tôi cũng sẵn lòng”. Nói rồi bà Điểm lại lịm đi.

Được biết, vợ chồng anh Chí, chị Hạnh có hai con, một trai, một gái. Cháu lớn 12 tuổi, nhỏ 8 tuổi. Anh Nguyễn Văn Tri (26 tuổi, vừa là anh, vừa là trưởng họ trong gia đình) nói trong đau thương: “Vì họ hàng kinh tế quá eo hẹp, nên chỉ có thể hỏa thiêu cho cô chú ấy. Hơn nữa, một làng có 5 người chết, đưa về mai táng thì tang thương quá. Trước mắt, dòng họ góp tiền để 2 con nhỏ của Chí - Hạnh được tiếp tục đến trường”.

Tại gia đình nạn nhân Nguyễn Phú Hải (SN 1992), bà Phạm Thị Lan (46 tuổi, mẹ Hải) nằm bất động trên giường. Được biết, Hải là con trai duy nhất của bà Lan. Anh Trần Văn Thành (31 tuổi, anh họ nạn nhân) than thở: “Nhà nghèo, bố lâm bệnh và bị mất cách đây hơn 10 năm, khi học hết cấp 2 Thành đã bỏ học đi làm phụ giúp mẹ. Mẹ nó bị thoát vị đĩa đệm, teo một chân hơn năm nay. Giờ nó mất đi, ai lo cho mẹ nó đây”.

Chưa khởi tố vụ án

Thượng tá Nguyễn Việt Cường, Phó Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, chúng tôi đã tiến hành bảo vệ và thực hiện công tác khám nghiệm để làm rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn.

Theo nhận định của ông Cường, nguyên nhân gây cháy là do thợ hàn bất cẩn trong quá trình thi công, những nạn nhân chết do ngạt khí. “Tuy nhiên, chúng tôi còn phải chờ kết quả giám định chính xác nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn” - ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, đây là vụ hỏa hoạn chứ không phải vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nên sau khi khám nghiệm, giám định hiện trường xong, cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án. “Việc quan trọng nhất hiện nay là tập trung khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn. Sáng 20/11, chúng tôi đã bàn giao thi thể để các gia đình có nạn nhân xấu số mai táng theo phong tục địa phương” - ông Cường nói.

Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, nổ

Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy, khi phát hiện ra sự cố cháy tại tòa nhà, văn phòng cần ấn nút báo động cháy, nhanh chóng ngắt cầu dao điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, nước, vải ướt. Thông báo cho mọi người và gọi cứu hỏa.

Khi sơ tán ra khỏi đám cháy không được sử dụng thang máy mà dùng thang bộ, bám vào tay vịn. Vì thế, khi sinh sống, làm việc trong tòa nhà nên để ý các đường, lối, sơ đồ thoát nạn. Nếu có nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà thì phải tuân thủ theo hướng dẫn.

Sơ tán khỏi đám cháy cần cúi thấp người, trường hợp khói quá nhiều nên bò qua đám cháy. Để chống nhiễm khói, lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi, có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Ngoài ra, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo.

Trường hợp lửa làm cháy quần áo, phải dừng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi. Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên đóng các cửa trên đường lan truyền để hạn chế sự lan tràn của lửa, khói.

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách làm cho nhân viên cứu hỏa nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.