Vợ Dương Chí Dũng không đồng ý kê biên nhà

Vợ Dương Chí Dũng không đồng ý kê biên nhà
TP - Ngày xét xử thứ ba, hầu hết các luật sư đều cho rằng thân chủ mình vô tội, và quay sang “truy” các kiểm sát viên về những cáo buộc thiếu căn cứ. Trong khi đó, vợ Dương Chí Dũng không đồng ý kê biên nhà.

> Dương Chí Dũng xin đọc thơ trước Tòa

Mở đầu phiên tranh tụng chiều qua, 14/12, thẩm phán Ngô Thị Ánh (chủ tọa phiên tòa) đề nghị đại diện cơ quan công tố nêu rõ hướng đề nghị xử lý đối với các vật chứng có trong vụ án, đặc biệt là hai căn nhà của Dương Chí Dũng.

Theo đó, kiểm sát viên bổ sung: “Tiếp tục kê biên hai căn nhà như cáo trạng đã thể hiện để đảm bảo thi hành án”.

Nghe xong, chủ tọa phiên tòa quay sang hỏi ý kiến bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dương Chí Dũng) về nội dung trên.

Bà Phương cho hay, đây là khối tài sản có được từ việc vay mượn mẹ đẻ, mẹ chồng và tiền riêng của mình trong quá trình buôn bán, làm ăn, do vậy, không đồng ý với kết luận của Viện kiểm sát.

Luật sư nói “án oan”! 

Hầu hết các luật sư đều cho rằng thân chủ mình vô tội, và quay sang “truy” các kiểm sát viên về những cáo buộc thiếu căn cứ. Kết thúc phần tranh tụng căng thẳng, Tòa quyết định tuyên án vào 14h ngày 16/12. 

Trong phần tranh luận, các luật sư liên tục cho rằng, những cáo buộc từ phía cơ quan công tố là thiếu cơ sở, đồng thời khẳng định nhiều bị cáo vô tội. Không khí phiên tranh tụng khá “nóng”, buộc HĐXX nhiều lần phải dừng lời luật sư để nhắc nhở.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Khang, một luật sư lên tiếng, Viện KSND Tối cao quy kết bị cáo này phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là thiếu cơ sở. Theo phân tích của luật sư, ở tội danh này, chủ thể đặc biệt là một yêu cầu bắt buộc, đó phải là người có chức vụ, quyền hạn. “Trong khi đó, ông Khang không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc chào mời hay thương thuyết việc mua bán ụ nổi 83M” – vị luật sư lên tiếng.

Ba luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng
Ba luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng.

Cũng bào chữa theo hướng “vô tội” cho các bị cáo, luật sư Ngô Ngọc Thủy nói thêm, trên thực tế cũng như hồ sơ vụ án, không có bất cứ tài liệu nào chứng minh số tiền 1,66 triệu USD được chuyển về cho Vinalines. “Điều này có nghĩa bị cáo Dương Chí Dũng không chiếm đoạt số tiền do mình quản lý. Bởi đây là khoản mà Cty AP - Singapore gửi về Cty Phú Hà” – luật sư Thủy phân tích.

Cũng theo luật sư, việc nói ông Dũng nhận 10 tỷ “lại quả” là dựa vào lời khai của ông Trần Hải Sơn (cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), và đây là lời khai một chiều, thiếu cơ sở. Nếu nói bị cáo Dũng cùng các bị cáo khác nhận tiền tham ô hơn 28 tỷ đồng, vậy căn cứ nào chứng minh điều đó?

Nó thể hiện ở văn bản, hay tài liệu nào? Luật sư Thủy đề nghị Viện kiểm sát công bố những tài liệu này và cho rằng “Tham ô trong Nhà nước được hiểu như đi ăn trộm tài sản của Nhà nước. Vậy ở đây Vinalines không kêu mình bị mất trộm, vậy có hành vi tham ô hay không?”.

Với nội dung bào chữa tương tự, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) khẳng định, ông Sơn khai đã giao cho ông Phúc 10 tỷ “lại quả” là thiếu căn cứ. “Ai là người đại diện cho Vinalines đứng ra đàm phán với Cty AP trong khoản tiền “lại quả” hơn 1,66 triệu USD.

Các các yếu tố, như lịch trình bay, danh sách điện thoại… thể hiện hướng di chuyển, ngày giờ, cũng như những giao dịch giữa ông Sơn và ông Phúc đã được làm rõ hay chưa?” - luật sư Thiệp đặt câu hỏi đối với kiểm sát viên.

Dương Chí Dũng nói lời sau cùng

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Dũng tỏ ra rất hối hận về những chuyện đã qua, đồng thời có lời xin lỗi nhân dân cũng như các ban ngành. “Bị cáo không vì động cơ cá nhân, chỉ là quá nhiệt huyết, năng nổ với nghề”. Và trong lúc cao hứng, ông Dũng muốn đọc bài thơ tự sáng tác trong quá trình bị giam giữ, nhưng bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu dừng.

Kiểm sát viên: “Mua ụ nổi 83M là trái pháp luật”

Theo quan điểm của Viện kiểm sát, quá trình thẩm vấn và tranh luận, các luật sư có sự nhầm lẫn về tài sản công và tư. “Mọi tài sản của Vinalines đều thuộc về Nhà nước.

Mọi nguồn tiền từ việc đi vay, hay chuyển giao từ các tổ chức tín dụng vào Vinalines sẽ thuộc tài sản Nhà nước” - công tố viên nhấn mạnh. Nói về việc mua ụ nổi 83M, các kiểm sát viên tái khẳng định, đó là một giao dịch trái pháp luật, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG