Bé 2 tuổi bị bà ngoại đánh phù não

Bé Khôi sau 3 ngày được điều trị. Ảnh: Phúc Hưng
Bé Khôi sau 3 ngày được điều trị. Ảnh: Phúc Hưng
Bà Sương thừa nhận đã bực tức khi cháu ngoại làm vỡ chai dầu gió nên đánh Khôi và lấy dầu bôi vào mắt bé.

Ngày 9/12, Công an huyện Giá Rai, Bạc Liêu đã triệu tập bà Thạch Thị Sương (64 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) để làm rõ thông tin bé Khương Nguyễn Minh Khôi (2 tuổi, cháu ngoại bà Sương) bị đánh gây thương tích nặng. “Bước đầu bà Sương thừa nhận đã đánh Khôi vì giận cháu làm bể chai dầu gió của bà”, một điều tra viên thông tin.

Theo điều tra ban đầu, Khôi là con của chị Khương Tuyết Nhung (36 tuổi), con gái bà Sương. Hơn một năm trước chị Nhung lên Sài Gòn làm thuê, gửi con lại cho mẹ nuôi giúp.

Chiều ngày 6/12, hàng xóm thấy trên người bé Khôi có nhiều thương tích nhưng bà Sương không đưa cháu ngoại đi khám. Thấy cậu bé có vẻ yếu, mọi người báo cho bà con họ hàng của cháu Khôi ở gần đấy, đưa bé lên trung tâm y tế khám. Đánh giá sức khỏe Khôi có phần nghiêm trọng, trung tâm y tế đã chuyển bé đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu, sau đó tiếp tục chuyển lên bệnh viện Cần Thơ.

Các bác sĩ cho biết, lúc tiếp nhận, cháu Khôi trong tình trạng lơ mơ, sưng nề hai mắt, bụng trướng, thở mệt, thiếu máu, da xanh, thành bụng và hai chân bầm tím; chụp CT phát hiện bé bị phù não.

Làm việc với cơ quan điều tra, bà Sương cho biết, hôm 6/12, Khôi làm vỡ chai dầu gió nên bà bực tức dùng tay đánh vào tay chân cháu ngoại. Ngoài ra, bà còn lấy dầu gió vung vãi trên đất bôi vào hai mắt cháu ngoại. Đây được cho là nguyên nhân khiến mắt Khôi sưng phù, không thể mở. Đối với những chấn thương vùng đầu, theo bà Sương là do Khôi tự ngã.

“Nó với tay lấy remote tivi rồi bị cắm đầu xuống đất. Lúc đó tôi đang nấu cơm sau nhà không nhìn thấy nhưng tôi đoán vậy. Do bị cái giường, cái tủ và chiếc xe máy cản lại nên tôi kéo bé ra không được. Sau đó tôi chui xuống sàn kéo nó ra, lúc đó không biết đầu nó có trúng vô tủ hay không nữa.  Giận quá nên tôi có đánh hai tay với hai chân nó”, bà Sương nói.

Hàng xóm của bà Sương cho biết, thường ngày tuy họ có nghe bà Sương la mắng Khôi nhưng ít khi thấy bà này đánh cháu ngoại. Thế nên khi sự việc xảy ra ai cũng bất ngờ. "Bà Sương sống có phần khép kín, ít giao tiếp với bà con chòm xóm. Cháu Khôi hàng tháng được mẹ gửi tiền về cho bà ngoại nuôi dưỡng", một người dân cho biết

Hiện, cháu Khôi đã dần hồi phục sau ba ngày được cứu chữa tích cực, có thể cầm bình sữa tự uống.

Do bé Khương Minh Khôi không có giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế nên UBND xã Phong Thạnh Đông A đã mời mẹ ruột bé lên UBND làm giấy khai sinh đồng thời hỗ trợ một triệu đồng để chữa trị cho bé.

Trong sáng 8/12, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Giá Rai cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện làm thẻ bảo hiểm cho bé.

“Mặc dù chưa đầy đủ thủ tục theo quy định do bé chưa có khai sinh nhưng chúng tôi đề nghị Bảo hiểm xã hội huyện làm thẻ cho bé để bé đủ điều kiện chuyển viện tiếp tục điều trị”, bà Nguyễn Cẩm Tú – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Giá Rai nói.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Theo Phúc Hưng - Phương Thảo

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.