Kỳ án 'vườn mít': Ba ngành tố tụng khẳng định Lê Bá Mai có tội

Viện KSND Tối cao cho rằng việc giải quyết đơn thư khiếu nại kêu oan trong vụ án “vườn mít” đã được các cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy trình và bản án tuyên phạt Lê Bá Mai chung thân về hai tội “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em” đã có hiệu lực pháp luật.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao vừa ký văn bản gửi tới các đại biểu Quốc hội, báo cáo về quá trình giải quyết đơn thư đề nghị xem xét “kỳ án vườn mít” xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2004.

Kỳ án 'vườn mít': Ba ngành tố tụng khẳng định Lê Bá Mai có tội ảnh 1

Viện KSND Tối cao cho rằng Lê Bá Mai (áo trắng) có tội - Ảnh Trần Duy

Viện KSND Tối cao cho biết sau khi xét xử phúc thẩm, cơ quan này nhận được 13 đơn đề nghị xem xét lại vụ án của các ông Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lê Bá Triệu (bố Mai) và 4 luật sư (Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Việt Hà, Trịnh Thanh, Huỳnh Thế Tân).

Riêng bị án Lê Bá Mai, đến nay Viện KSND Tối cao không nhận được đơn nào kể từ sau khi xét xử phúc thẩm ngày 30.8.2013. Ngoài ra, cơ quan này còn nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hảo (quê quán ở huyện Tân Yên, Bắc Giang) nêu một số thông tin và đề nghị được làm chứng trong vụ án.

Để xem xét, thẩm định vụ án của Lê Bá Mai, một tổ chuyên viên liên ngành với sự tham gia của các cán bộ có kinh nghiệm của Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đã được thành lập. Cán bộ chuyên ngành từng ngành trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách độc lập, thận trọng. Tổ công tác cũng trực tiếp gặp nhưng người liên quan để xác minh.

Sau đó 3 ngành tố tụng T.Ư đã đã tổ chức cuộc họp để nghe tổ chuyên viên báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ và kết quả xác minh. Lãnh đạo liên ngành đã đi tới thống nhất rằng phiên tòa phúc thẩm ngày 30.8.2013 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM diễn ra công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

“Không có căn cứ theo quy định của pháp luật để xem xét lại bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”, văn bản của Viện KSND Tối cao nêu rõ.

Đối với lá đơn xin ra làm chứng minh oan cho Lê Bá Mai của bà Nguyễn Thị Hảo, Viện KSND Tối cao khẳng định đây không có gì mới. Quá trình giải quyết vụ án cơ quan điều tra đã làm việc với bà Hảo. Các cơ quan tố tụng không xác định bà Hảo là người làm chứng vì bà không phải là người trực tiếp biết về vụ án, không giải thích được một cách có căn cứ về những tình tiết của vụ án, lời trình bày của bà Hảo có nhiều mâu thuẫn và không có chứng cứ khác để kiểm chứng về những vấn đề bà Hảo nêu ra.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng đã có ý kiến cho rằng vụ án chưa được cơ quan tố tụng giải quyết thấu đáo.

Theo Thái Sơn

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG