Mỹ nhân buôn voi

Mỹ nhân buôn voi
TP - Trên khắp Tây Nguyên nếu ai đó cắc cớ hỏi xưa nay có bao giờ đàn bà lại làm nghề buôn voi, giới Gru (thợ săn voi giỏi) sẽ đáp ngay, có một người duy nhất. Đó là bà Sao Thong Chăn.

Bà là một phụ nữ xinh đẹp mang hai quốc tịch, được thưởng Huân chương Kháng chiến với số phận lạ lùng.

Đòn ghen

Ngôi nhà nhỏ khuất sau tán cây trứng cá mát rượi của bà nằm bên đường vào khu du lịch Buôn Đôn. 86 tuổi, bà vẫn minh mẫn, tinh anh và đặc biệt hài hước khi bày ra trước mắt tôi nhiều giấy tờ tư liệu có giá trị rất độc đáo để minh chứng cho câu chuyện đời mình.

Sao Thong Chăn sinh năm 1923 tại Păc-Xế, lớn lên trong một gia đình khá giả ở xã Tha Hay, thị xã Chăm Pa Sắc, tỉnh Chăm Pa Sắc, Lào . Năm 15 tuổi, Sao cùng người yêu trốn sang Việt Nam để tránh sự phản đối quyết liệt của dòng tộc về cuộc tảo hôn với người kém môn đăng hộ đối.

Vợ chồng băng rừng tìm đến bản Đôn, nơi có anh con bác ruột danh tiếng lẫy lừng về nghề săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi rừng khắp các nước Đông Dương, Vua Voi KhunJuNôp.

Thương em gái sớm lụy vì tình, Vua Voi tận tình chỉ bảo và tạo điều kiện cho vợ chồng cô định cư lại Bản Đôn. Thời bấy giờ nơi đây được xem là thủ phủ của tỉnh Đăk Lăk, với những phiên chợ  mua bán voi rừng tấp nập.

Nhạy bén sắc sảo, cô Sao sớm nắm bắt những kinh nghiệm cần thiết và tự tạo cho mình một cách làm riêng. Tập quán của nghề săn voi không cho phép phụ nữ tham gia vào quá trình săn bắt. Cô Sao tự tạo uy thế cho mình bằng việc trở thành một bầu voi uy tín.

Ban đầu cô chỉ đầu tư lương thực, dụng cụ, chi phí cho cánh thợ săn để được chia phần trong số voi săn được. Sau cô chủ động tổ chức luôn cả đoàn săn, thuê Gru, nuôi và quản lý luôn cả hậu phương, để họ yên tâm đi dài ngày trong rừng thẳm.

Khi đoàn Gru dong chiến lợi phẩm trở về, cứ mỗi con voi con săn được cô trả công cho mỗi thợ săn số tiền tương đương một con trâu lớn. Mỗi voi con, sau vài tháng thuê người chăm sóc thuần dưỡng, cô bán sang tay trị giá từ 30-50 con trâu.

Không chỉ bán voi rừng, cô còn cưỡi voi đi khắp khu vực lùng mua voi nhà. Mỗi con voi mua đi bán lại đẻ ra khoản lãi tương đương dăm ba con trâu hoặc năm, mười con bò. Vào tuổi đôi mươi, cô Sao trở thành một nữ lái voi giàu có, nức tiếng khắp vùng. 

Sống với nhau mãi không có con, vợ chồng cô Sao nhận lần lượt bốn bé gái về làm con nuôi. Nhan sắc của cô Sao ngày càng lộng lẫy, không chỉ làm cánh đàn ông buôn làng say sưa mà còn khiến sĩ quan binh lính Pháp - Mỹ- Ngụy nghiêng ngó.

 Không ai, ngoài thượng cấp của cô biết cô là một nữ cán bộ địch vận lợi hại của cách mạng. Thậm chí  chồng cô lắm phen thấy vợ mình đi đêm về hôm, hoặc nói cười lơi lả với cánh lính đánh thuê đã nổi đóa nện vợ bầm dập ra trò.

Mặc ai nói ngả nói nghiêng, cô Sao vẫn bền chí âm thầm thực hiện phần việc cách mạng giao. Với lợi thế đặc biệt của nghề buôn voi, cô cưỡi voi đi ngang dọc khắp núi rừng, băng từ tỉnh này sang tỉnh nọ, thậm chí đi xuyên biên giới qua Lào hay Campuchia cũng chẳng ai mảy may nghi ngờ. Trong những chuyến đi ấy, cô vừa làm nhiệm vụ thông tin liên lạc vừa tiếp tế lương thực vật dụng cho cán bộ chiến sĩ .

Buôn voi xuyên biên giới

Mỹ nhân buôn voi ảnh 1

Pháp đi, Mỹ đến, tuổi đời tuổi nghề dày thêm, bà Sao vẫn tiếp tục được giao công tác địch vận. Số voi buôn bán qua tay bà cũng ngày càng nhiều hơn. Đồng hương ở xứ được gọi là đất nước Triệu Voi mua của bà bốn con voi.

Nhờ bán ba con voi cho đoàn săn của vua và nhờ xinh đẹp, giỏi tiếng tây, giỏi nhảy đầm và uống rượu, bà từng có dịp được yết kiến Bảo Đại và tháp tùng thứ phi Mộng Điệp đi tắm tiên ở một bến sông Sêrêpôk.

Để chủ động nguồn voi cho các đơn đặt hàng không ngừng tăng, bà lập hẳn đoàn săn với 12 con voi chiến quen xua voi dữ để bắt voi non. Một nhà buôn uy tín ở Sài Gòn là ông bà Phong Lợi đã liên hệ, thương thảo với bà để mở đường xuất voi sang tận Nhật, Pháp, Singapore .

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà nhiều lần tặng những con voi khỏe mạnh, ngà dài để cách mạng dùng làm phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí. Có lần voi bà tặng bộ đội bị trúng đạn chết trên đường hành quân, cán bộ cắt đôi ngà trả lại, bà cảm động đem ngà ấy bán đi lấy tiền mua nhu yếu phẩm, thuốc men tặng lại cho thương binh.

Vợ càng đẹp, càng đi đêm nhiều, ắt chồng càng ghen. Những trận đòn ghen chí chết đã đẩy vợ chồng bà ngày càng xa nhau và họ chính thức ly dị vào năm  1968.

Bảy năm sau, bà tái giá với một người Chăm cũng giỏi nghề nuôi voi, là ông Đàng Nhảy, về sống ở buôn Alê A thị xã Buôn Ma Thuột. (Hiện nay ông Đàng Năng Long, con trai của ông Nhảy vẫn nối nghiệp nuôi voi và đang là người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên, năm con.) Đất nước thống nhất, vợ chồng bà vẫn tiếp tục buôn voi, nhưng chủ yếu là “buôn giùm cho nhà nước”.

Bà từng ký nhiều hợp đồng với ngành lâm nghiệp để mua 10 con đem ra Hà Nội (năm 1976-1977), chuyển bốn con khác ra lâm trường ở Nghệ An năm 1984. Bà còn nhận lời mua gom giúp nhà nước năm con voi để tặng Cuba .

Ông Đàng Nhảy và con cháu của bà cũng vinh dự được đưa voi đi suốt cuộc hành trình xuyên đại dương, theo xe tải chở voi ra cảng Đà Nẵng rồi xuống tàu biển vòng sang Tây Ban Nha để đến Cuba.

 Năm 1985, bà mua giùm cho Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh ba con voi để đưa đi Đức, sau đó mua tiếp ba con nữa cho hồ Kỳ Hòa và vườn thú Mỹ Tho. Theo trí nhớ của bà và con gái út Pansa Ta Ly, con voi cuối cùng trong quãng đời buôn voi của bà được chuyển đến tỉnh Gia Lai vào năm 1995. 

Một trong những niềm tự hào của bà là việc cặp ngà voi nặng 46 kg tuyệt đẹp bà chỉ nhận tượng trưng 1.000 đồng vào năm 1978 để mua giúp tỉnh Đăk Lăk. Cặp ngà này đang để ở “Trung ương Hà Nội, ai ra đó cũng thấy cặp ngà voi của Tây Nguyên”. 

Cặp ngà đẹp ấy có giá thực gần bằng hai con voi . Với cả quãng đời dài cống hiến thủy chung cho cách mạng, bà Sao Thong Chăn, mỹ nữ buôn voi duy nhất và cuối cùng trên Tây Nguyên đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. 

- Danh nhân lịch sử Ama Khê, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk (sau khi ông mất, tỉnh đã chọn tên Ama Khê đặt cho một con đường nội thành Buôn Ma Thuột) xác nhận, từ năm 1964 đến nhiều năm sau bà Sao liên tục là cán bộ binh địch vận để lôi kéo lực lượng Mỹ- Diệm- Thiệu tại Bản Đôn.

Ngoài ra, bà còn tặng cách mạng gạo, võng, thuốc tây, sữa đặc, áo mưa, cá khô, kẹo, thuốc lá cùng “nhiều hàng hóa vô số kể khác” để ăn tết xuân 1965. Suốt thời kháng chiến, bà Sao làm cơ sở cho cách mạng rất tích cực và không xảy ra điều gì đáng tiếc.

- Y Tăn Êban (Ama Thiệu) cán bộ lão thành cách mạng ở xã Krông Ana huyện Buôn Đôn xác nhận, bà Sao sinh năm 1923.  Năm 1963 khi ông Y Tăn hoạt động cách mạng ở vùng Bản Đôn đã móc nối gây dựng bà Sao làm cơ sở cách mạng.

Bà Sao đã cho cách mạng mượn hai con voi đực lớn (mỗi con đều có hai ngà) để làm phương tiện vận chuyển hàng hóa vũ khí trong lúc kháng chiến còn khó khăn gian khổ. hai con voi này đều mất tích trong chiến tranh.

- Giấy biên nhận: Ty Lâm nghiệp Đăk Lăk nhờ bà Sao Thong Chăn ở buôn Alê A xã Ea Tam thị xã Buôn Ma Thuột mua một đôi ngà voi dài 1,4m. Hiện nay Ty chưa có tiền chờ xin ý kiến UBND tỉnh giải quyết . Ty đã nhận đủ đôi ngà voi, có trách nhiệm bảo vệ. Nếu mất, phải đền cho bà Sao Thong Chăn 8.000đ... Trưởng Ty: Nguyễn Thống.

- Ông Hoàng Văn Trắc - Cục trưởng - Cục Kiểm lâm Đăk Lăk xác nhận: Thành tích thiết thực nhất của vợ chồng ông bà Đàng Nhảy- Sao Thong Chăn ở buôn AlêA: Sau ngày giải phóng đã cung cấp nhiều voi cho tỉnh nhà, tỉnh bạn, đặc biệt là cung cấp hai con voi cho Hội đồng Bộ trưởng tặng nhà nước và nhân dân Cu Ba...

- Hợp đồng mua bán voi cho Ty Lâm Nghiệp: Ngày 8/9/1976, Phó Ty Lâm nghiệp Đăk Lăk Lê Văn Nên thảo luận với bà Sao Thong Chăn, ghi nhớ: Bà Sao đồng ý đi vào các buôn làng trong tỉnh Đăk Lăk để mua và bán cho Ty Lâm nghiệp 10 con voi. Thời gian giao nhận voi từ ngày ký hợp đồng đến ngày 31/12/1976. Để bà Sao có chi phí giao dịch, thuê người giữ voi, ăn uống, đặt cọc trong quá trình tìm mua voi, Ty tạm ứng cho bà bốn nghìn đồng chẵn...

- Ngày 31/3/1984, bà Sao hợp đồng bán con voi cái lớn tốt tên H’Bló cho Sở Lâm nghiệp Đăk Lăk dùng để kéo gỗ với giá 330.000đ .

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.