Về miền Tây, vui với lũ

Về miền Tây, vui với lũ
TP - Chắc chắn sẽ không có ĐBSCL tươi đẹp nếu không có những tháng lũ tràn đồng với “cuộc sống chung với lũ” dữ dội và thơ mộng.

Giữa tháng Mười này ở tỉnh Đồng Tháp, từ quốc lộ 30 rẽ vào tỉnh lộ 843 hướng thị trấn Tràm Chim (Tam Nông), đồng ruộng mênh mông nước.

Anh Trần Văn Coi, ngụ xã Tân Mỹ (Thanh Bình), vui vẻ khoe: “Năm nay nước không lớn nhưng cũng kiếm được khá. Làm lúa hè thu xong, bán hết lúa sắm ba dàn dớn vốn trên ba triệu, đến nay lấy lại đủ vốn rồi hà”.

Anh Ngô Văn Giàu, ngụ thị trấn Tràm Chim, kể: “Năm nào lũ lớn thì ban ngày hai vợ chồng tôi đi thả lưới, ban đêm thì đi giăng câu... năm nào lũ nhỏ thì chuyển qua ươm giống cây bạch đàn, qua ba tháng mùa lũ, gia đình tôi cũng kiếm được trên dưới bảy triệu đồng”.

Từ thị trấn Tràm Chim, chúng tôi theo tỉnh lộ 844 để vào huyện Tháp Mười. Ra khỏi địa phận xã Phú Cường, thấy nước lũ dập dờn bốn phía.

Ngồi trên chiếc ghe nhỏ có mái che, ông Huỳnh Văn Gừng, ngụ ấp 2, xã Hưng Thạnh, nheo mắt cười khà khà: “Mỗi khi lũ về là vợ chồng tui cùng các sắp nhỏ chuyển sang nghề lưới bắt tôm cá, mỗi ngày thu nhập thấp cũng ba trăm nghìn. Rảnh rỗi hái rau, bắt cua, ốc đem ra chợ bán, có thêm mớ nữa”.

Theo ông Gừng, ngoài câu, lưới, lờ, lọp quen thuộc, còn nhiều phương tiện bắt cá khác cũng có hiệu quả vì vùng này năm nào nước cũng ngập sâu. Ngay cả các loại rau đồng như bông súng, bông điên điển cũng còn rất nhiều. Sản phẩm mùa lũ từ đây được tập trung về chợ đêm xã Hưng Thạnh, rồi tỏa đi các nơi.

Sang tỉnh An Giang, gặp ông Nguyễn Văn Tám ở xã Khánh An (An Phú), vui cười ông kể: Sau vụ lúa hè thu, nước lũ về tràn đồng là lúc người dân xôn xao chuẩn bị xuồng, lưới, cần câu để ra đồng. Gia đình của ông Tám có năm miệng ăn, năm nay lũ về cả gia đình kéo nhau ra đồng giăng lưới thả câu từ đầu đêm đến rạng sáng, mỗi ngày thu vài chục ký cá rô, dăm chục ký cá linh.

Con lũ năm nay về sớm hơn mọi năm, giúp cho bà con sống chung với lũ có thêm thu nhập. Ông Tám nhận xét, mặc dù cá trong thiên nhiên mỗi năm mỗi ít, nhưng người dân sống bằng nghề đánh bắt cá mùa lũ cũng còn sống được, không phải ngồi không nhìn nước lũ tràn đồng.

Lũ về còn có nhiều nghề mưu sinh khác. Đi dọc theo các tuyến đê và kinh rạch, nơi nào cũng dễ bắt gặp những ghe xuồng chở đất mướn để đắp bờ bao, tôn sửa nền nhà.

Có nhiều người đi cắt cỏ cho bò hoặc bắt ốc bươu vàng, bán cho các hộ nuôi cá. Mùa nước nổi, chuột đồng và rắn bị động ổ nên chúng tìm đến những lùm bụi cao ráo để ẩn trú. Đây cũng là cơ hội giúp cho các tay săn rắn, bắt chuột kiếm tiền dễ dàng.

Dọc theo tuyến biên giới qua các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và An Phú của An Giang, ghe xuồng lúc nào cũng tấp nập. Đó là những phương tiện hữu hiệu nhất dùng chuyên chở bông súng, cua, ốc và các sản vật mùa lũ qua lại Việt Nam - Campuchia.

Có thể nói chợ An Phú và Vĩnh Hội Đông ở An Giang là những nơi tập trung nhiều nhất các loài động vật hoang dã như lươn, rắn, rùa. Chợ mùa lũ sầm uất, tươi rói sản vật hơn hẳn chợ ngày thường.  

Về miền Tây, vui với lũ ảnh 1
Đặt dớn bắt cá

Vất vả mưu sinh

Ở ĐBSCL có nghề đánh bắt cá mùa lũ bằng dớn. Dớn ngày xưa làm bằng tre, nay làm bằng lưới cước, được dăng dài 40-60m để cho cá lần theo đó đến cái miệng rộng khoảng 4 tấc vuông, chảy vào giỏ đựng. Dớn chủ yếu để bắt cá linh, một đặc sản vùng lũ của ĐBSCL. 

Thị trấn Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) là điển hình của một khu chợ xứ lũ. Rực rỡ những quầy hàng bán rau, bông súng ma trắng muốt, bông súng đồng tím ngát, bông điên điển vàng tươi, rau tai tượng, rau cù nèo xanh mượt mà...

Sôi động nhất là những quầy bán rắn, chuột, rùa. Thôi thì đủ loại rắn: bông súng, hổ hành, hổ ngựa, ri cá, ri voi, rắn trun, rắn nước... Chuột mùa lũ béo nung núc, nhảy chong chóc trong các lồng giỏ. Rùa cũng đủ loại: rùa vàng, rùa sen, rùa nắp, đều được giới thiệu là rùa nuôi.

Hiển nhiên, chợ mùa lũ không thiếu các loại cá. Chỉ riêng cá linh có hàng dãy dài và dưới bến luôn có hàng chục ghe lườn chở cá linh đậu san sát. Cá linh tươi ở đây rẻ nhất vùng ĐBSCL, 5.000 đồng/ký, đi về các đô thị giá đã tăng lên gấp chục lần. Hàng từ chợ Tràm Chim tỏa đi khắp ĐBSCL, lên TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ.

“Năm nay cá mắm hơi bèo mấy chú ơi!”, về vùng biên giới Phú Lộc (Tân Châu, An Giang) mùa lũ này thường nghe những tiếng than thở của bà con đánh dớn. Do lũ năm nay nhỏ, cũng có thể do việc đắp đập trên thượng nguồn sông Mekong để làm thủy điện mà vùng hạ nguồn cạn kiệt dần cả nước lẫn cá, tôm.

Đứng ở ngã ba kênh Phú Lộc nhìn ra xa, thấy dớn đặt ken đồng. Nơi ấy sóng lũ nhảy nhót rực sáng cả chân trời. Nhiều chiếc xuồng chày, câu lưới bồng bềnh trên sóng. Xã Phú Lộc như một ốc đảo, bao trùm bởi sóng nước bốn bên.

Phú Lộc (Tân Châu) và Khánh Bình, Khánh An (An Phú) là các cửa ngõ hứng lũ từ Campuchia đổ về. Hàng năm, từng đàn cá lớn xuôi theo dòng lũ bơi về Việt Nam.

Mấy năm trước, năm nào người dân các huyện đầu nguồn lũ cũng “trúng lớn” từ nghề đánh bắt cá linh. Nhiều người đã ăn nên làm ra từ nghề “trầm thủy” này. “Năm sáu năm trước, mặt cá linh non chạy cứng dớn, thu hoạch không xuể, bà con phải xổ lưới bỏ bớt”, nhiều người dân xã Phú Lộc hoài cổ. 

Anh Ngô Văn Tuấn, phó ấp Phú Quý, xã Phú Lộc kể, ở vùng này người dân sống bằng nghề đặt dớn cá, trên những cánh đồng mênh mông biển nước. Anh chỉ tay ra xa, những chiếc ghe lườn neo đậu lênh đênh giữa sóng gió ấy là trạm gác canh kẻo mất trộm cá, vừa là tổ ấm của những người làm nghề đặt dớn. “Nhìn thế đủ biết, người đánh dớn phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm”, anh Tuấn nói.

Vượt hơn hai cây số đồng nước, đến một chòm gáo đỏ mọc trên con đê làm ranh giới Việt Nam – Campuchia. Chiếc ghe lườn của ông Nguyễn Văn Tám ở xã Phú Lộc neo lẻ loi, bồng bềnh.

Ngồi trong chiếc ghe nóc lợp lá đã bị gió cào xơ xác, ông Tám nhìn về cánh đồng xa thuộc Campuchia, tâm sự: “Tôi đang làm ăn ở đó. Nghề đặt dớn tôi làm từ hồi chưa giải phóng, theo nghiệp cha truyền con nối. Những năm trước dân làm nghề này trúng mà ham. Mỗi ngày mỗi đổ, mỗi lần đổ cả tấn cá, thấy ngợp mắt. Lúc đó cá con nào con nấy bành bành chứ không như bây giờ…  Mỗi lần trút dớn chỉ vài ba ký cá nhỏ tí”. Rồi ông cất giọng ca buồn: “Trước đây đặt dớn làm giàu, bây giờ đặt dớn… tương chao mỗi ngày”.

Tính đón đầu luồng cá để gỡ gạc phần nào thua lỗ những mùa lũ trước, năm rồi ông Tám thuê tới ba miệng dớn. Theo đó, ông phải thuê 20 nhân công, chi phí mỗi ngày lên bạc triệu. Mỗi lần qua lại đường biên còn phải đóng thuế đồn biên phòng nước bạn.

Năm nay, đến lúc này đã giữa con nước lũ, cá mỗi ngày chỉ được vài chục ký đem ra chợ bán đủ tiền mua gạo ăn. “Tiền công cho người thuê làm, mỗi người mỗi tháng 700.000 đồng, chưa biết làm sao trả”, ông Tám thở dài.

Cái khó ló cái khôn

Trước thời thế đổi thay, gần đây người dân vùng ngập lũ ĐBSCL đã tính chuyện nuôi tôm cá trong mùa lũ. Ở “vương quốc cá lóc” xã Phú Thọ (Tam Nông, An Giang), nhiều người dân tính: Với một bè cá lóc hay cá lóc bông kích thước 3mx3,5mx2m thả chừng 1.000 con giống thì qua mùa lũ sẽ lời trên 4 triệu đồng, cao hơn làm 10 công lúa. Trong khi nhẹ công chăm sóc hơn nhiều, một phần nhờ nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ.

Xã Hưng Thạnh (Tháp Mười, An Giang) đã có thêm một “vua tôm càng xanh” nổi lên ba năm nay. Anh là Bùi Văn Nồng ngụ tại ấp 2A. Anh Nồng kể, với 7 ha ruộng, năm đầu tiên anh thả một triệu con tôm giống, cuối vụ thu hoạch 10 tấn, bán được trên một tỷ đồng, tính ra lời trên 200 triệu.

Năm rồi, cũng với diện tích đó, anh thả 900.000 con giống, thu được trên 10 tấn, lợi nhuận trên 400 triệu đồng. “Năm nay, tôi tiếp tục thả nuôi, hiện đàn tôm đang phát triển rất tốt, hứa hẹn một mùa bội thu nữa”, anh cho biết.

Không ở vùng ngập sâu nhưng người dân huyện Cao Lãnh cũng phát triển nuôi các loài cá. Anh Bùi Minh Quang ở ấp 3, xã Mỹ Thọ cho biết: Với 3 ha mặt ruộng, anh bao lưới cước, đăng tre và thả cá giống các loại như chép, mè trắng, mè vinh, rô phi. Vừa nuôi vỗ, anh vừa thu tỉa cá lớn để bán, thời gian thu tỉa kéo dài trong suốt mùa lũ.

Theo anh Quang, lợi thế mùa này là nhờ nguồn thức ăn tự nhiên phong phú và nguồn nước bạc nên cá lớn rất nhanh, chỉ cần thêm cám hoặc cua, ốc, không cần bổ sung thức ăn công nghiệp. Với 80 kg cá giống, mỗi năm anh thu hoạch trên ba tấn cá các loại, với giá dao động từ 16.500 đồng đến 18.000 đồng/kg như ở thời điểm hiện nay, anh lãi hơn 20 triệu đồng. “Mỗi khi lũ lên tụi tui làm không hết việc. Sáng chống xuồng đi thăm lưới, trưa về cho cá ăn, chiều lại tiếp tục giăng lưới”.

Hàng năm, khi lũ lớn từ thượng nguồn đổ về, anh Quang cũng như bao người dân ĐBSCL lại chộn rộn tính toán trong phập phồng hy vọng lẫn âu lo. Chim trời cá nước, không thể nói trước mọi điều. Nhưng cuộc sống chung với lũ đầy sáng tạo luôn luôn tiếp thêm cho vùng đất này những sinh lực mới.

MỚI - NÓNG