Thôn Tu Nim (Sơn Động, Bắc Giang):

Giáp Tết, nhiều nhà hết gạo

Giáp Tết, nhiều nhà hết gạo
TP - Cả năm quần quật kiếm sống, những người nghèo ở Tu Nim (Lệ Viễn, Sơn Động, Bắc Giang) chỉ mong Tết có bốn món: cơm nếp, bánh chưng, vài lạng thịt lợn và một con gà để cúng tổ tiên. Để rồi sau đó họ lại phải đối mặt với nỗi lo hết gạo ăn hằng ngày.

Thôn Tu Nim nằm vắt ngang những ngọn núi thuộc dãy Yên Tử. Nhìn thế đất xưa, có ông thầy địa lý đã phán: Đất ấy chó ăn đá, gà ăn sỏi thì làm sao phát được. Không biết lời phán ấy có vận vào ngôi làng, chỉ biết đời sống nơi đây vô cùng khó khăn.

Không có nghề phụ, những người dân tộc Sán Dìu ở đây chỉ trông chờ vào hơn ba chục mẫu ruộng nằm trên mấy ngọn đồi. Số ruộng ấy chỉ làm được một vụ không ăn chắc. Khi chúng tôi đến đất đang nứt nẻ chân chim, cuống rạ xỉn cả cánh đồng.

Ông Mễ Văn Sệnh, bí thư chi bộ thôn, bùi ngùi: “Năm nay cái đói lại đến sớm rồi. Vụ vừa rồi, hai phần ba diện tích lúa bị bệnh vàng lùn xoắn lá, hỏng cả. Phần còn lại thì năng suất chỉ còn 70 phần trăm so với mọi năm. Có nhà toan gỡ gạc lại bằng việc trồng ngô đông nhưng đã gần sáu tháng rồi vẫn chẳng có mưa, chắc cũng lại hỏng thôi”.

Men theo những con đường nhỏ ngoằn nghoèo hằn những vết chân trâu lởm khởm, chúng tôi đến thăm gia đình bà Mễ Thị Liên đúng lúc mâm cơm vừa được đặt xuống, với bát nước mắm và một lọ ớt ngâm. Bên cạnh là một nồi cháo trắng. Bữa trưa của bà đó! Mà không phải hôm nay mới vậy, đã hàng tháng nay rồi.

Nhà có hai mẹ con, người con trai đi làm xa, bà ở nhà trông vào một sào ruộng. Vụ vừa rồi lại mất mùa, thu hoạch được khoảng 1,2 tạ thóc. Ă n dè, bây giờ vẫn còn khoảng 50 cân. Nếu cứ nấu cháo chắc đủ đến Tết - bà nhẩm tính.   

Cách nhà bà Liên không xa là nhà của vợ chồng ông Trần Tiến Mó. Căn nhà trống hoác, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ. Rót chén nước lạnh ngắt, ông chân thành mời tôi ở lại dùng bữa cơm trưa với gia đình “vì các cháu hôm nay đi làm mệt nên cứ đòi nấu cơm”.

Bữa cơm dọn ra, một món canh đỗ tương lõng bõng nước. “Nhà có chín miệng ăn mà chỉ trông vào bốn sào ruộng. Năm vừa rồi lại mất mùa nên tôi chưa biết sẽ phải chạy ăn thế nào trong mấy tháng tới” - Ông Mó phân trần.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Sệnh cười buồn: “Chỉ có bữa tối là bữa chính thì các gia đình mới được ăn cơm còn bữa sáng và bữa trưa chỉ có cháo mà thôi. Ở đây người ta còn phân chia ra hai loại cháo: cháo ngon là cháo đặc còn cháo thường là cháo loãng. Tất cả đều là cháo trắng. Bữa trưa nào mà được ăn cơm thì những bữa sau phải tính toán thật kỹ. Cả thôn có hơn 70 hộ thì quá nửa là hộ đặc biệt khó khăn như thế”.

Giáp Tết, nhiều nhà hết gạo ảnh 1
Đã hết gạo trong những ngày Tết. Ảnh: Xuân Trường

Cái khó, cái nghèo cứ ở Tu Nim bao nhiêu năm nay nhưng Tết vẫn phải cố gắng đủ đầy. Bỏ lại sau lưng những lo toan hằng ngày, sáng mồng Một Tết, trong mỗi nhà dù nghèo đến đâu vẫn có một mâm cơm ít nhất là bốn món: xôi nếp, bánh chưng, thịt lợn và thịt gà để cúng tổ tiên. Nhà nào có thanh niên đi làm xa về thì có thêm chút bánh kẹo, chai rượu trắng. Mà rượu ở đây phần lớn được nấu từ ngô hoặc sắn, nặng và chóng say.

Hoa Tết là mấy cành đào rừng phơn phớt. Vậy là đủ. Sau bữa cơm đầu năm, những người già thì tụ tập ở đầu làng hoặc trong nhà văn hoá thôn nói chuyện phiếm. Thanh niên thì túm tụm chơi mấy trò như đánh khăng, kéo co, quay sảng, hát soóng coọng…

Nhưng dường như các trò chơi bây giờ ngày càng thưa vắng dần. Để làm “cái gì vui vui” trong ngày Tết mà không có tiền thì cũng khó. “Giao thừa năm ngoái, tôi xin được ủy ban xã mấy trăm nghìn tổ chức cho các cháu thanh thiếu niên trong bản chơi mấy trò dân gian mà các cháu thích lắm, kéo đến chật cả nhà văn hóa, dù mỗi giải thưởng chỉ 5-10 nghìn đồng” - Ông Sệnh kể…

Mồng Sáu Tết, người dân trong thôn, nhất là cánh thanh niên lại từng đoàn vượt núi xuống trung tâm huyện để nhìn ngắm phố phường, đi chợ đầu năm lấy may. Hầu như tất cả đều đi bộ vì đường núi và cũng chẳng có mấy nhà sắm được xe máy. Vất vả cả năm nhưng cái Tết của người Tu Nim lại dài hơn các nơi khác và thường kéo đến tận ngày 15 tháng Giêng mới dứt. Rồi người Tu Nim lại lẩn quất nỗi lo: Sau Tết cả nhà sẽ ăn gì…  

Cận Tết năm nay, khi cái đói cận kề thì nhiều gia đình Tu Nim lại lo lắng chẳng biết lấy gì đón Tết.

Năm 2009, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 68,2 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn Tết với tổng kinh phí hơn 53,3 tỷ đồng theo Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh đã huy động tại địa phương hỗ trợ tiền ăn Tết cho hơn 27,4 nghìn hộ với kinh phí gần 4,2 tỷ đồng; cấp 1.000 tấn gạo cứu đói trước và sau Tết Nguyên đán cho 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam.

Năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức tốt các hoạt động thăm và tặng quà các gia đình chính sách xã hội, người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa... Thực hiện tốt cuộc vận động "Tết vì người nghèo" để mọi nhà, mọi người đều có Tết.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.