Đời xiếc nữ

Đời xiếc nữ
TP - Xiếc được coi là loại lao động đặc biệt nguy hiểm, nặng nhọc và độc hại. Với nữ nghệ sỹ xiếc, càng nguy hiểm bội phần khi họ đối mặt đủ loại tai nạn, bệnh tật ngay giữa chừng xuân và đe dọa cướp đi của họ tất cả. Nhưng lạ, họ vẫn sẵn sàng dành tất cả cho sân khấu tròn...

Hơn 30 tuổi, Tuyết Hoàn vẫn chung thủy với căn phòng tập thể của Liên đoàn Xiếc Việt Nam giáp ranh Công viên Thống Nhất. Căn phòng nhỏ trước là nơi tá túc của bốn - năm nghệ sỹ độc thân. Trai một phòng, gái một phòng. Các bạn của Tuyết Hoàn lần lượt lấy chồng, rời căn phòng tập thể.

Mười sáu năm trước, đoàn xiếc từ Hà Nội lên Hòa Bình diễn, họ mang theo cả giấy thông báo tuyển sinh của trường trung học Xiếc Việt Nam. Không hiểu vì thấy quá hấp dẫn hay lý do nào đó, bố mẹ Tuyết Hoàn đưa con gái 11 tuổi vào trường xiếc ngay sau khi đoàn rời thị xã.

Mới ngày nào chưa biết cái chi chi, càng học cô càng yêu bộ môn nghệ thuật của sân khấu tròn. Tiếng nhạc vang trên lầu, khán giả ở khắp nơi, ánh sáng tập trung vào khoảnh sân vành vạnh. Chỉ còn diễn viên và đạo cụ.

Người ta yêu xiếc ở tính chân thật của nó, nơi nghệ sỹ không thể giấu mình ở bất kỳ góc khuất nào, với bất kỳ khiếm khuyết nào, mà phơi bày tất cả sức khỏe, độ dẻo, sự khéo léo trước muôn vàn cặp mắt.

Với đu bay, đu quăng, các nghệ sỹ phải quan sát và tính toán sao cho khi buông tay rơi tự do họ bắt được thang dây vừa được đẩy sang hoặc cánh tay của bạn diễn vừa giơ ra.

Với đế trụ, nghệ sỹ chỉ được phép nhìn vào một thứ duy nhất là thanh sắt trụ khi họ đang bị quay vùn vụt giữa không trung trên thanh sắt thẳng đứng. Nếu nhìn vào khán giả, họ sẽ chóng mặt nôn ọe hoặc hỏng tư thế đẹp mà họ đang cố kiến tạo trên đỉnh thanh sắt.

"Muốn công việc làm thêm mang lại lợi nhuận, mình phải đầu tư thời gian và tâm sức cho nó. Nghĩa là, sự tập trung cho nghệ thuật xiếc không còn trọn vẹn. Trong khi đó, xiếc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Khi đung đưa trên cao, nghệ sỹ xiếc không thể nghĩ về lỗ hay lãi, không thể nghĩ chứng khoán hôm nay lên hay xuống, vàng thấp hay cao, chỉ nghĩ về sự chính xác dẻo dai của bản thân."

Nghệ sĩ xiếc Tuyết Hoàn

Nhìn Đặng Hải đang vừa kẹp thang dưới chân vừa làm trụ cho Chi đứng trên một cái thang khác - cái thang bắc lên vai anh, Tuyết Hoàn bảo: "Mỗi ngày diễn viên xiếc phải tập ít nhất hai tiếng đồng hồ để giữ kỹ thuật và làm cho cơ thể không bị quên động tác. Đó là nhu cầu tự thân của diễn viên. Không ai bắt buộc cả. Tiền ư? Không có.

"Chỉ khi tập cho tiết mục mới thì mới được trả 20.000 đồng cho mỗi ngày tập. Còn tiền thanh sắc, khoảng ba tháng chúng em lĩnh một lần".

Nguyễn Ngọc Anh ngồi cạnh nói thêm: "Nếu hai ngày không tập thì biết tay nhau ngay. Tập lại sẽ dễ bị đau và phải tập lâu hơn rất nhiều mới trở lại nhịp độ cũ".

Đời xiếc nữ ảnh 1
Một buổi tập hàng ngày của nghệ sỹ Liên đoàn Xiếc. Ảnh: Trần Thanh

Diễn giữa hiểm nguy

Chồng đang lưu diễn Đà Nẵng, Ngọc Anh mang con trai ba tuổi cùng đi tập với mẹ. Cậu bé lúi húi đòi chơi mấy chiếc vòng lắc khởi động của mẹ. Khi thấy chiếc bàn nặng gần mười ký quay tít trên đôi bàn chân mẹ, cậu "ui cha" không dám lại gần.

Đó là tiết mục tung hứng bàn trên chân mà Ngọc Anh đảm nhận. Trước đây, cô diễn đu quăng, đu đôi không biết mệt, nhưng khi lập gia đình và có tý tuổi, Ngọc Anh rời không trung xuống đất tung hứng. "Em 29 tuổi, diễn đu quăng không thể như hồi trước được nữa. Gân cốt không dẻo bằng, khi chẳng may rơi xuống khó hồi phục hơn".

Tai nạn nghề xiếc có thể đến từ vô vàn nguyên nhân: thiết bị không an toàn, sức khỏe không đảm bảo, người diễn không tập trung, nghệ sỹ phối hợp với nhau không tốt...

Cả Ngọc Anh và Tuyết Hoàn đều coi tai nạn nghề nghiệp là chuyện khó tránh khỏi. Tuyết Hoàn chỉ vết sẹo dài trên cánh tay - đó là dấu vết một lần ngã từ trên cao của cô khi tập đu. "Còn nhiều vết khác nữa" - Tuyết Hoàn nói.

Bị thương, điều trị, chờ khỏi vết đau là quy trình cho những người bình thường, còn với xiếc không bao giờ được chờ cho vết thương lên da non. Đơn giản là chờ đến khi đó, nghệ sỹ không thể tập trở lại nữa, không thể hành nghề nữa.

Nghề khắc nghiệt như thế, nếu được lựa chọn lại, em sẽ làm gì? Câu hỏi bông lơn, nhưng không ngờ Tuyết Hoàn nói chậm từng chữ: "Em vẫn sẽ chọn ngành xiếc".

Giữa đất kinh kỳ này, chắc em phải làm thêm gì đó mới sống được? Tuyết Hoàn đáp: "Em không làm gì. Chỗ ở đã có căn phòng tập thể của rạp xiếc. Còn đi lại thì quá gần, không phải mất xăng dầu đi xe từ nhà đến cơ quan như các bạn khác".

Với cô gái này, tập luyện là nhu cầu bản thân, và xem các bạn mình tập cũng là nhu cầu. Sáng, Hoàn tập hai tiếng, chiều cũng lên rạp tập một - hai giờ. Cao ráo, trắng trẻo, nhưng cô chưa chịu yêu ai ngoài xiếc. Tuyết Hoàn lý giải về chuyện không làm thêm dù thời gian rảnh mỗi ngày khá nhiều:

Muốn công việc làm thêm mang lại lợi nhuận, mình phải đầu tư thời gian và tâm sức cho nó. Nghĩa là, sự tập trung cho nghệ thuật xiếc không còn trọn vẹn.

Trong khi đó, xiếc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Khi đung đưa trên cao, nghệ sỹ xiếc không thể nghĩ về lỗ hay lãi, không thể nghĩ chứng khoán hôm nay lên hay xuống, vàng thấp hay cao, chỉ nghĩ về sự chính xác dẻo dai của bản thân. Thiếu một chút dẻo dai, họ có thể bong gân, thương tật, thiếu một chút chính xác họ có thể mất nghiệp.

Cứ đến 35- 40 tuổi, nghệ sỹ xiếc bắt đầu phải ngồi không và chờ sổ hưu. Ở tuổi đó, gân cốt của họ bắt đầu rã rời, tỷ lệ mắc bệnh về xương khớp, tuyến yên, bàn và mu chân, loãng xương, mất kinh... rất cao.

Họ không thể tiếp tục diễn, và liên đoàn không thể bố trí kịp cho họ một vị trí thích hợp khi số người trẻ tuổi chờ hưu quá đông. Những nghệ sỹ may mắn sẽ được liên đoàn phân công một chân bảo vệ, một chân soát vé, một chân tạp vụ. Số còn lại đi tìm nghề khác mang theo nỗi nhớ sân khấu tròn nôn nao.

Lứa nghệ sỹ trẻ có ý thức hơn về thực tế buồn ấy. Nguyễn Ngọc Anh nói cô đang nghĩ đến việc đi học đạo diễn sân khấu: "Muốn theo nghệ thuật thì phải đi học tiếp chứ. Ngày xưa em học chuyên văn Trần Phú. Bạn bè toàn làm báo và truyền hình. Mỗi em lao vào xiếc, thế có trái khoáy không" - cô cười trìu mến nhìn đứa con trai đang lắc vòng: "Nhưng nếu con em theo nghề xiếc, em sẽ không ngăn cản".

Ngọc Anh có cô bạn cùng nghề, cùng đoàn, đó là Nguyễn Ngọc Bích. Hai chị em học hai năm tại Rạp xiếc T.Ư, rồi thành diễn viên, rồi cả hai đều lấy chồng là diễn viên xiếc. Bích kể, cả hai yêu thích xiếc từ nhỏ, đều được gia đình hoàn toàn động viên cho theo nghề này.

"Nghĩ đến thu nhập thì không ai theo được nghề xiếc anh à. Vừa rồi vì thiếu người trông con, cũng một phần vì thu nhập nên chồng em đã bỏ hẳn nghề xiếc để ra ngoài làm kinh doanh". Nhớ nghề và thương vợ, anh thường có mặt trong những buổi tập, buổi diễn của vợ.

Vừa điều hành chuyện mua vé máy bay, quyết toán sổ sách qua điện thoại, anh vừa dõi theo bóng vợ lúc lỉu trên cao khi Ngọc Bích tập đế trụ. Ngọc Bích từng sở trường màn patin, cô cũng không lạ với đu lụa. Nhưng bây giờ khi leo lên cao, Ngọc Bích vẫn sợ.

Cuối năm ngoái, tại hội thảo về an toàn lao động trong nghệ thuật xiếc, múa, điện ảnh, NSND Tâm Chính thổ lộ, cả nhà bà từ vợ chồng, con trai, con dâu, cháu chắt đều theo xiếc "dù lứa trẻ chúng nó phản đối tôi rất ghê. Chúng nó không muốn theo nghề của bố mẹ ông bà. Nhưng nhìn lại thu nhập và sự khắc nghiệt của nghề, lắm lúc tôi cũng thấy chúng nó nói phải".

Một công trình nghiên cứu trong nước nêu số liệu: nhịp tim trung bình khi luyện tập xiếc là gấp đôi lúc nghỉ, nhịp tim tức thời của các tiết mục trên cao là gấp ba lúc nghỉ, nói chung là gây căng thẳng cao độ đối với chức năng hệ tim mạch.

Hơn 12 giờ trưa, Chi, Vân, Tuyết Hoàn, Ngọc Bích vẫn mài miệt tập cùng những chân trụ vững chãi của đoàn xiếc. Trông họ mảnh khảnh be bé như những nữ sinh vừa ra trường. Không tin nổi họ là những điểm sáng hút hồn trong những buổi tối giữa rạp hát hình cầu...

Theo khảo sát từ năm 2005 - 2009, trung bình số tai nạn ngành xiếc là 305 vụ/năm. Các nhà khoa học về an toàn lao động cho rằng tần suất tai nạn 305 phần nghìn là quá cao. Xiếc được xếp vào loại lao động đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại.
MỚI - NÓNG