Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng? - Những uẩn khúc

Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng? - Những uẩn khúc
TP - Số báo trước đã nêu, có ba nguồn căn cứ để cột tội Ngô Tiến Long vào hành vi “chủ mưu giết người”: Lời khai của can phạm Từ Đức Cường; Lời khai của một số nhân chứng và can phạm khác; bảng kê các cuộc điện thoại của các can phạm và nhân chứng.

>> Kỳ trước: Lộ mặt 'kẻ chủ mưu'?

Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng? - Những uẩn khúc ảnh 1
Ngôi nhà của chị Ngô Thị Hương, chị gái của bị cáo Ngô Tiến Long, nơi Từ Đức Cường khai đã cho đàn em đến nhận tiền

Lời khai phi thực tế!

Căn cứ đầu tiên quy kết nghi can Ngô Tiến Long “chủ mưu giết người” là lời khai của Từ Đức Cường, khi can phạm này ra đầu thú. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ lời khai của Cường, sẽ thấy có quá nhiều mâu thuẫn và quá nhiều điều phi thực tế.

Cường khai Long nhờ Cường đánh anh Công để “dằn mặt”, mục đích khá đơn giản, chỉ để “cho bõ tức”. Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ những việc Cường và đồng bọn đã làm, dễ thấy đây là vụ giết người có tính toán kỹ lưỡng, có tổ chức chặt chẽ, hoàn toàn không phải vụ gây hấn đánh lộn thông thường.

Từ chuẩn bị hung khí dao, kiếm, súng bắn đạn hoa cải, đến việc nghiên cứu trước hiện trường, lên phương án ai làm gì, xong việc rút chạy thế nào... đều cho thấy bọn Cường rắp tâm lấy đi mạng sống người khác. (Theo một nguồn tin riêng của Tiền Phong, trước khi thuê băng sát thủ Hải Phòng, Cường từng trực tiếp lùng mua súng bắn đạn hoa cải).

Thực tế chứng minh, sau khi bắn phát thứ nhất không trúng, hung thủ lập tức lên đạn bắn tiếp phát thứ hai, cho thấy bọn Cường quyết tâm tước đi bằng được mạng sống của anh Công.

Động cơ “giúp đỡ anh Long” của Cường hoàn toàn không thuyết phục. Nhiều tuần liền Cường thức khuya, dậy sớm, hết sang Hải Phòng lại xuống Cẩm Phả, tốn tiền hao sức, hứng chịu hiểm nguy, làm bằng được cái việc “anh Long nhờ” trong khi Cường chẳng lợi lộc gì?!

Theo tài liệu điều tra, sau khi bắn anh Công, Cường không gọi điện báo ngay cho anh Long biết (nhiều ngày sau, nhóm sát thủ cần thêm tiền để đi trốn, Cường mới gọi cho anh Long), điều này dĩ nhiên không phù hợp diễn biến tâm lý của một người vừa gây trọng án do người khác nhờ thực hiện.

Chuyện tiêu xài tiền của Cường trong thời gian tổ chức giết anh Công rất bất hợp lý. Cường chi tiền đi lại Hải Phòng, Cẩm Phả, thuê phòng nghỉ trọ, trả tiền ăn uống cho cả nhóm sát thủ và những người giúp sức như Hiếu, Hưởng, rất tốn kém.

Theo lời khai của Hiếu, thời gian ấy Cường rất túng thiếu, phải cầm máy điện thoại cho hiệu cầm đồ, rồi vay thêm tiền Hiếu để chi tiêu. Thế nhưng, Cường hoàn toàn không yêu cầu Long phải chu cấp tiền, tất cả đều do Cường tự nguyện chi ra cho Long (?!).

Rồi trước khi đi trốn, Cường lại bất ngờ có được một nguồn tiền nào đó rất dồi dào (không phải do anh Long chi), đủ trả khoản vay của Hiếu, còn cho thêm Hiếu 1,5 triệu đồng...

Mâu thuẫn với các lời khai khác

Do tâm lý chối tội hoặc không nhớ chính xác, lời khai của can phạm có thể chứa đựng mâu thuẫn. Chúng chỉ được chấp nhận là chứng cứ, nếu chúng có những tình tiết cơ bản phù hợp với các lời khai của can phạm và nhân chứng khác, và phù hợp với các chứng cứ khách quan trong vụ án.

Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng? - Những uẩn khúc ảnh 2
Các bị cáo tại phiên toà ngày 2-4-2010

Trong vụ án này, lời khai của Từ Đức Cường không chỉ phi thực tế, nó còn mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng Nguyễn Thái Sơn, can phạm Nguyễn Trung Hiếu.

Cường khai Cường nhờ Sơn đến nhà chị gái của Long để lấy tiền. Có lẽ khi khai như vậy, Cường quên mất là Sơn không dùng máy điện thoại cầm tay!

Sơn khai thực tế hơn, Sơn đang chơi bi-a thì Hiếu tìm đến, đưa điện thoại của Hiếu cho Sơn nghe, qua đó Sơn mới biết Cường nhờ Sơn đi lấy tiền.

Hiếu thì khai, Hiếu hoàn toàn không đưa điện thoại của Hiếu cho Sơn để Sơn nói chuyện với ai cả; sự việc đơn giản là có một lần lâu lắm rồi, Hiếu (làm nghề xe ôm) đang chờ khách thì Sơn đến thuê Hiếu chở đến phường Hà Trung...

Sau khi bắn phát thứ nhất không trúng, hung thủ lập tức lên đạn bắn tiếp phát thứ hai, cho thấy bọn Cường quyết tâm tước đi bằng được mạng sống của anh Công.

Như vậy, xuất phát điểm việc Long chuyển cho Cường 15 triệu đồng “phí dịch vụ”, đã có rất nhiều mâu thuẫn giữa các lời khai, khó có thể chấp nhận. Đi sâu vào câu chuyện này, còn có hàng loạt mâu thuẫn tiếp theo.

Tránh các chi tiết lan man rườm ra đến nhằng nhịt của vụ việc, PV Tiền Phong chỉ xin đưa ra một ví dụ. Tại nhà chị gái của Long, nhân chứng Trần Thị Cẩm khai nhìn thấy hai người chở nhau bằng xe máy đến trước cổng, một người đỗ xe bên kia đường chờ, người còn lại sang bên này, đứng ngoài cổng nói chuyện với Cẩm về việc nhận hộ Cường 15 triệu đồng.

Lời khai này của Cẩm hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai của Hiếu, bởi Hiếu khai Hiếu chỉ chở Sơn đến đầu phường Hà Trung rồi chờ ở đầu xóm, Sơn vào nhà nào thì Hiếu hoàn toàn không biết.

Ra trước phiên tòa ngày 2-4-2010, nhân chứng Trần Thị Cẩm thay đổi lời khai. Trước tòa, Cẩm khẳng định Cẩm hoàn toàn không chuyển tiền cho ai “theo yêu cầu của chú Long”, Cẩm cũng không hề quen ai là Từ Đức Cường.

Việc Cẩm thay đổi lời khai là một tình tiết quan trọng trong việc cởi tội cho bị cáo Long, sẽ được các PV Tiền Phong trình bày kỹ hơn ở số báo sau.

Điều đáng nói là, ngay trong lời khai của Cẩm mà các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm dùng để cột tội Long cũng ẩn chứa những điều phi thực tế, điển hình là việc Cẩm khai Cẩm đưa đủ 15 triệu đồng, nhưng gồm những loại tiền mệnh giá gì thì Cẩm không biết.

Tại tòa, luật sư Tô Năng Như (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh, bào chữa cho bị cáo Ngô Tiến Long) phát biểu: “Tiền có đồng, cá có con. Khi đếm tiền, người bình thường còn biết mệnh giá, huống chi chị Cẩm đã học qua trung cấp kế toán, được giao làm thủ quỹ công ty, có thể nào lại không biết?!”.

Đến đây, bạn đọc có thể đặt câu hỏi: Tuy những lời khai cột tội Ngô Tiến Long mâu thuẫn như vậy, song vì sao chúng lại phù hợp với list điện thoại của các can phạm và nhân chứng?!

Bản gốc list điện thoại  ở đâu?!

List điện thoại là bảng thống kê các cuộc gọi đi của một số máy nào đó, được lưu giữ trong máy chủ của đơn vị kinh doanh dịch vụ điện thoại. Thông thường, list điện thoại sẽ cho biết số máy được gọi, thời điểm bắt đầu cuộc gọi, thời lượng cuộc gọi...

Những số liệu này phản ánh các cuộc gọi đi của người sử dụng dịch vụ một cách khách quan, “không thêm không bớt”, vì vậy trong điều tra hình sự, nó được coi là chứng cứ có giá trị để chứng minh.

Theo nhiều luật sư tham gia vụ án Từ Đức Cường và đồng bọn, ngoại trừ duy nhất Từ Đức Cường, trong hồ sơ không thấy có list điện thoại của các bị can và nhân chứng khác. Ngay cả list điện thoại của Từ Đức Cường, các luật sư cũng không thấy có bản gốc, mà chỉ có list điện thoại rút gọn.

Tài liệu điều tra không hề giải thích list điện thoại rút gọn khác với bản gốc ở những điểm nào? List điện thoại rút gọn này do ai lập? Có gì để đảm bảo độ khách quan của nó?

Được coi là chứng cứ quan trọng để cột tội bị can đang kêu oan Ngô Tiến Long, song bản kết luận điều tra và cáo trạng chỉ nêu chung chung rằng lời khai của Từ Đức Cường phù hợp với list điện thoại của Cường, mà không nêu rõ: Chi tiết nào trong lời khai của Cường phù hợp với cuộc gọi cụ thể nào trên list điện thoại của Cường?

Sau phiên toà sơ thẩm, PV Tiền Phong đã được các luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Tiến Long cho xem list điện thoại rút gọn của Từ Đức Cường. Rất dễ nhận thấy tài liệu này không phải được sao chụp lại từ bản gốc của đơn vị kinh doanh dịch vụ điện thoại, mà nó được ai đó đánh máy lại.

Các PV xem kỹ list điện thoại rút gọn thì thấy có nhiều cuộc gọi đi trong list này không phản ánh đúng trật tự thời gian - cuộc gọi trước kê sau, cuộc gọi sau lại được kê trước.

Phát hiện này cho thấy, không có gì để đảm bảo list điện thoại rút gọn của Từ Đức Cường phản ánh trung thực bản gốc list điện thoại in ra từ máy chủ của đơn vị kinh doanh dịch vụ điện thoại.

Khi hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, vụ án có nhiều uẩn khúc, bị can một mực kêu oan không nhận tội, thì diễn biến phiên tòa xét xử công khai sẽ hết sức quan trọng.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Quảng Ninh mở ngày 2-4-2010, các uẩn khúc của vụ án được làm sáng tỏ đến đâu, sẽ được nêu trên số báo tới.

--------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.