Gặp những người được “đặt ngọc” cứu sống

Chị Hiền hướng dẫn cách đặt “ngọc rắn” vào vết thương để hút độc
Chị Hiền hướng dẫn cách đặt “ngọc rắn” vào vết thương để hút độc
TP - Tiếp về câu chuyện cứu người của “thần y” Hồ Văn Cần (63 tuổi, thôn Ba De, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh - Quảng Trị) mà báo Tiền Phong cuối năm 2009 bước đầu đăng tải.

>> Kỳ II: Đại gia đình truyền giữ ngọc rắn cứu người

Chị Hiền hướng dẫn cách đặt “ngọc rắn” vào vết thương để hút độc
Chị Hiền hướng dẫn cách đặt “ngọc rắn” vào vết thương để hút độc . Ảnh: Nguyễn Huy

Chúng tôi về xã Hải Thái (Gio Linh) gặp anh Lê Đức Toàn (34 tuổi), người được viên ngọc rắn của ông Cần cứu sống. “Cú đớp của con rắn lục vào cánh tay khi đang đi rẫy đã khiến chất độc phát tác nhanh. Bệnh viện trả tôi về, chỉ còn nước chờ chết. Rồi gia đình nghe tin đem đến nhờ ông Cần đặt ngọc, phun thuốc. Sau 5 ngày tôi khỏi”, anh Toàn nhớ lại.

Anh Toàn ở gần cuối thôn Phú Ân (xã Hải Thái) cùng người mẹ già và anh trai đã lập gia đình. Chuyện xảy ra hơn chục năm về trước. Anh Toàn kể: Một ngày giữa năm 1996, tôi đang đi làm rẫy, bất ngờ con rắn lục từ bụi cây lao ra và đớp ngay vào cánh tay. Một cảm giác choáng váng, rồi tôi chẳng nhớ rõ như thế nào nữa.

Sau đó mới biết mình bị rơi vào trạng thái mê man, mặt xanh tái, xung quanh vết cắn tụ nhiều máu bầm. Cánh tay bị rắn cắn sưng to, nổi nhiều bóng nước, vết thương có dấu hiệu hoại tử. Gia đình hoảng loạn đưa tôi đi viện nhưng các bác sĩ cho biết đã quá muộn vì chất độc đã phát tán nhanh.

Trong lúc anh Toàn chờ chết, gia đình được bà con mách bảo đến nhờ ông Cần đặt ngọc cứu chữa. Khoảng cách từ nhà anh Toàn đến chỗ ông Cần hơn chục cây số nhưng đường đi lúc đó còn khó khăn. Sau khi kiểm tra, ông Cần cẩn thận lấy ra viên ngọc như cục đá đặt vào vết thương, rồi đắp tiếp lớp thuốc. Cứ như thế 5 ngày liên tục, anh Toàn dần dần bình phục và thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

“Tôi không ngờ mình còn có cơ hội sống sót. Ông Cần như vị ân nhân nên tôi xin được làm con nuôi của ông để trả ơn đức. May mà còn có những người như ông Cần nên chúng tôi mỗi lần đi rẫy cũng an tâm hơn và không còn bị ám ảnh của những nỗi sợ do rắn rết gây ra nữa”, anh Toàn cho biết.

Anh Toàn kể lại câu chuyện ly kỳ được “thần y” Cần đặt ngọc cứu sống sau khi bị rắn độc cắn
Anh Toàn kể lại câu chuyện ly kỳ được “thần y” Cần đặt ngọc cứu sống sau khi bị rắn độc cắn . Ảnh: Đ.Đ

Ông Hồ Văn Cần được người dân khắp vùng nhắc đến như vị “thần y” của bản làng. Theo ông, bí quyết trị độc ở đây là viên ngọc có hình khá tròn, màu đen tuyền. Hơn 30 năm nay, ông đã cứu hàng trăm người khỏi độc tố nặng do bị rắn cắn. Không chỉ đặt ngọc, ông Cần còn ướp các loại thuốc tươi để trừ độc cho hiệu quả nhất.

Dọc dài các tỉnh, thành miền Trung, chúng tôi tiếp tục tìm đến những người được đặt ngọc, chữa độc. Thượng tá Phong - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an TP Đà Nẵng cũng xác nhận: Hơn 4 năm trước, con ông là Nguyễn Mạnh Tuấn bị chó hàng xóm cắn hai nhát vào đùi chân phải. Vết thương nặng, trong khi anh Tuấn lại đang bị sốt nên gia đình không dám đem đi chích ngừa.

Nghe tin ông Lý Quốc Hải có viên “ngọc rắn” hút độc hiệu quả, gia đình đem anh Tuấn đến để nhờ đặt ngọc. Chưa đầy tiếng sau, anh Tuấn dần hồi phục, không còn sốt và hết đau ở phần vết thương bị chó cắn.

Theo UBND phường Vĩnh Trung (Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chỉ tính riêng các cán bộ nhân viên của phường có đến cả chục người từng được ông Lý Quốc Hải, và anh Nguyễn Quốc Tuấn đặt ngọc, giải độc hiệu quả. Tại huyện vùng núi Đại Lộc, Quảng Nam, không ít trường hợp được chủ nhân của những viên “ngọc rắn” cứu nguy.

Đặc biệt như trường hợp của ông Lê Thương (50 tuổi, thị trấn Ái Nghĩa) người đã được chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (Đại Lộc, Quảng Nam) đặt ngọc cứu sống. Ông Lê Thương kể: “Trong lần đi soi ếch ở đồng, đang lúi húi tôi bị một con rắn, chẳng biết là loại gì cắn nhưng sau đó toàn thân tê buốt, tím tái. Tôi chích thuốc tây mà không hết nhưng khi được chị Hiền đặt ngọc thì khỏi hẳn” – Ông Thương bộc bạch

Cẩn tắc vô áy náy

Tuy hết độc nhưng theo hầu hết những người được đặt ngọc, họ vẫn không khỏi băn khoăn về công dụng của “ngọc rắn”. “Dù cảm thấy hết đau đỡ mệt mỏi nhưng tôi vẫn băn khoăn, lo lắng. Liệu những “viên ngọc” này có hút độc thực không hay độc tố vẫn còn. Trong khi đó với một số loại rắn, phải một thời gian sau khi cắn mới phát bệnh” – Anh Nguyễn Trọng T. (Đà Nẵng), một bệnh nhân bị chó cắn được “đặt ngọc” cho biết.

Có thể những người bị chó cắn, rắn cắn đến nhờ “đặt ngọc” và khỏi bệnh, nhưng để khẳng định điều này là chưa có cơ sở. Hơn nữa “đặt ngọc” cũng chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian và mang tính tự phát vì thế người bị rắn, chó cắn cần chủ động đến các cơ sở y tế để cẩn chắc vô áy náy, tránh trường hợp bất chắc xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Út – Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng  

Ngay chính thầy Nguyễn Đức Nam (giáo viên trường THCS), chồng chị Mỹ Hiền cũng dè dặt: “Ngày trước, khi khoa học chưa phát triển, bệnh viện còn xa xôi, người dân luôn phải nhờ đến các bài thuốc dân gian hay những viên ngọc kỳ bí. Chứ giờ tốt hơn hết nên đến các cơ sở y tế. Chính tôi vẫn khuyên người nhà bệnh nhân nên đưa họ đến bệnh viện để điều trị cho chắc chắn.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc) cho biết: Trung bình mỗi năm có 4 – 5 ca bị rắn cắn, chó cắn phải nhập viện. Chúng tôi điều trị theo phương pháp của Bộ Y tế, truyền các huyết thanh khử độc… Hiện, đơn vị chưa nghe phản ánh việc dùng cách đặt ngọc rắn để hút độc.

Theo Thạc sĩ Lê Văn Thức – Giám đốc Bệnh viện Y học tỉnh Phú Yên, đơn vị thường tiếp nhận những ca bị rắn, chó dại cắn. Tính chung cả năm có khoảng 10 – 15 trường hợp. Dù điều trị phương pháp y học cổ truyền nhưng chúng tôi chưa áp dụng việc đặt ngọc rắn để hút độc cho bệnh nhân.

Trước đây, chúng tôi có dùng loại thuốc được bào chế từ cây lưỡi rắn (hay còn gọi cây Mai Hồng) đem giã cho bệnh nhân uống và đắp vào vết thương người bị rắn cắn. Sau này, chúng tôi tiếp tục bào chế các loại thuốc khác.

Thực tế với những người bị rắn cắn nếu ga rô kịp thời để ngăn chặn độc tố lan, đem đến để điều trị bằng cách này đều hiệu quả. Nhưng riêng với người bị rắn hổ mang cắn, chúng tôi chỉ chữa độc mà không ngăn được chỗ hoại tử nên phải phẫu thuật để loại bỏ.

Kỳ cuối: Đi tìm nguồn gốc “ngọc rắn”

MỚI - NÓNG