Người anh ta đã giết

Người anh ta đã giết
TP - Tôi không thể nghĩ về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Homer và anh Đảm mà không nhớ tới bài thơ của Thomas Hardy - cũng như việc nhà văn Tim O’Brien cập nhật và điển hình hóa nhân vật từ câu chuyện ấy trong Người tôi đã giết - một chương trong cuốn Những điều họ đã mang theo.

>> Kỳ 1: Cuộc đụng đầu ở Pleiku

Người anh ta đã giết ảnh 1


Giá như anh ấy và tôi chỉ gặp

Trong một quán nhỏ nào đó cũ kỹ ở ven đường

Giá chúng tôi được ngồi uống cùng nhau

Như mấy kẻ rỗi rãi, không phải làm chi cả

Nhưng chúng tôi lại là những người lính trận

Đã phải nhìn nhau đối mặt, chết trân

Tôi đã bắn anh ta khi anh ta cùng ý định

Và tôi giết anh ta ngay tại chỗ

Vì một lẽ giản đơn:

anh ấy là kẻ thù của tôi

Bởi vì vậy nên tôi đã giết

Chỉ thế thôi - dĩ nhiên, anh ấy kẻ thù

Dù sao như thế cũng là đủ rõ


Anh ấy hẳn trong đời thường cũng đã,

Giống như tôi - ghi cẩu thả vụng về, rằng

Không có việc, nên đã bán đi bộ đồ nghề câu cá

Chứ còn có lý do nào nữa ở nơi đây


Đúng như vậy, chiến tranh thật đáng tò mò và thật là kỳ cục

Khi người ta lại đi giết một chàng trai

Mà người ta đã có thể đãi đằng, nếu gặp nhau ngoài quán

Hay có thể chia cho nhau ít ỏi mấy đồng tiền

(Người anh ta đã giết, Thomas Hardy).

Hai trang trong sổ tay của anh Đảm
Hình vẽ và các ghi chép của anh Đảm về các vết thương vùng đầu và vùng cổ

Cách mà Homer giữ mãi nỗi đau giết người bằng cách cứ đeo đẳng các tài liệu của anh Đảm có thể tìm thấy trong cách suy nghĩ và hành động của Tim - một nhân vật do chính O’Brien tạo ra và cho mang chính tên tác giả. Cả Homer và nhân vật trong bài thơ của Hardy đều giết một người lính đối phương và rồi không thể rời mắt khỏi cái xác chết.

Khuôn mặt người chết được miêu tả đi, miêu tả lại cho thấy anh ta sững sờ và kinh hãi về việc mình làm. Khi nhìn chăm chăm vào cái xác, Tim sáng tác câu chuyện cuộc đời người lính Việt Cộng dựa trên những gì lấy được từ thi thể đó. Tim cho rằng người bị giết không có vẻ gì là Việt Cộng. Tim tưởng tượng đây là một anh chàng đam mê toán học, tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn, yêu rồi cưới vợ, do dự khi đi chiến trường, nhưng rồi phải đi, chủ yếu để giữ thể diện cho gia đình và quê hương, làng xóm.

Cũng như Homer lúc đầu tưởng tượng anh Đảm là một sỹ quan trẻ như anh ta, Tim- cựu sinh viên từng do dự khi bị gọi nhập ngũ đã liên hệ cuộc đời mình với cuộc đời của người vừa bị anh ta giết chết. Tim giết người, rồi buộc mình phải nhìn vào tử thi như nhìn vào thi thể của chính mình và mãi mãi đau đớn vì nỗi mất mát một người đồng loại.

Phần sau của tiểu thuyết, trong chương Đúng thể thức, O’ Brien - nhà văn (cũng là nhân vật hư cấu y như nhân vật Tim - anh lính) mô tả các điểm xuất xứ của Người tôi đã giết khi giải thích rằng với tư cách là người lính, anh ta không thể để cho bản thân mình nhìn vào những gương mặt của kẻ thù đã chết. Kết quả là anh ta giữ cảm giác của “trách nhiệm vô danh tính” và “nỗi đau đớn vô danh tính”.

Nhưng, O’Brien viết, anh muốn nói với độc giả là “tại sao sự thật câu chuyện đôi khi lại thật hơn là sự thật đang diễn ra”. Anh cho phép mình viết ra câu chuyện, cho phép mình hư cấu ở mức độ chấp nhận được, tạo ra một chàng trai tên là Tim, làm chuyện mà O’Brien đã không làm, không thể làm trong chiến tranh là nhìn vào mặt của người chết, thấy bản thân mình và để tang cho mình.

Để tạo dựng lại gương mặt bản thân trong gương, anh ta phải phát hiện ra những nét nổi bật trong gương mặt thoáng qua và mơ hồ của kẻ thù. Cái nhu cầu y hệt như vậy cũng tồn tại đối với người Việt Nam, một thời từng là kẻ thù của Mỹ.

Homer Steedly bây giờ
Homer Steedly bây giờ.

Vào năm 2007, Mike Archer, cựu chiến binh hải quân trước đây bị bao vây ở Khe Sanh, đọc được câu chuyện tôi viết về Homer và Đảm nên hỏi xem tôi có mối quan hệ nào ở Việt Nam có thể giúp Mike tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với thi thể của một người bạn.

Archer viết một cuốn hồi ký nhan đề Một mảnh đất nhỏ, trong đó mô tả cái chết của Tom Mahoney, bạn thời trung học, đã cùng anh ta gia nhập thủy quân lục chiến. Lúc đó Tom Mahoney mới 19 tuổi, trong di ảnh là một khuôn mặt trẻ dại đến nao lòng. Mahoney bị phục kích và chết trong cuộc tháo chạy khỏi đồi 881, khi cuộc bao vây ở vào giai đoạn cuối.

Đồng đội cố lấy thi thể của anh ta không được, cuối cùng phải cầu cứu một cuộc không kích. Kết quả là không bao giờ tìm được thi thể Mahoney nữa – hoặc là cái xác đã bị quân đội Bắc Việt mang đi, hoặc bị không kích tan tành.

"Tim giết người, rồi buộc mình phải nhìn vào tử thi như nhìn vào thi thể của chính mình và mãi mãi đau đớn vì nỗi mất mát một người đồng loại. "

Nhiều năm sau, khi những người Mỹ và người Việt Nam trong đội MIA - đội tìm kiếm người Mỹ mất tích - tìm kiếm dấu vết của thi thể đó, họ tìm thấy trong các hồ sơ lưu trữ của Hà Nội bản báo cáo chiến sự của một nhóm năm người đã phục kích Mahoney.

Bản báo cáo mô tả cuộc phục kích và Mahoney như sau: “Năm người chúng tôi chờ địch suốt cả đêm. Vào lúc 14 giờ 00 ngày hôm sau (tức ngày 6-7-1968) chúng tôi thấy một tên lính Mỹ đi ra ngoài cổng đồn. Hắn mặc bộ quân phục màu xi măng xám. Khuôn mặt đỏ rực và mắt xanh như mắt thú dữ (in đậm). Hắn nhìn về phía tiểu đội của anh Lượng. Một loạt đạn AK rộ lên ngay khi đó, tên lính Mỹ ngã xuống. Anh Lượng và anh Long nhảy ra khỏi vị trí, kéo xác tên Mỹ xuống. Hai người đặt xác tên Mỹ ngay trước đồn để tạo một ổ phục kích nhử đối phương ra khỏi công sự”. Đối với những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, sẽ dễ dàng hơn khi giết một kẻ không chỉ là kẻ xâm lược đất nước của họ, mà còn là một con thú dữ.

Kỳ tới: Khuôn mặt ẩn kín  

* Tít các kỳ do Tiền Phong đặt

MỚI - NÓNG